BÀI CẢM NHẬN MỤC VỤ THÁNG 04/2024 – LỚP TRIẾT HỌC II – KHOÁ XIX

GẶP GỠ TRONG ĐỨC TIN – CHẠM ĐẾN NHỮNG TẤM LÒNG

“Mọi hành động yêu thương đều có giá trị. Đừng bao giờ nghĩ rằng một hành động nhỏ bé không quan trọng”(Mẹ Têrêsa Calcuta). Quả thật, cuộc sống đôi khi quá đỗi tất bật đến mức khiến chúng ta lãng quên những giá trị nhỏ bé nhưng lại vô cùng thiêng liêng, đó là tình thương, sự quan tâm đối với những người xung quanh, đặc biệt là những người cao tuổi sống trong cô quạnh, bệnh tật.

Mỗi ngày Chúa nhật là dịp để tôi tạm rời xa mái nhà Chủng Viện và đến với những người già yếu, neo đơn và bệnh tật. Khi đến thăm hỏi các cụ ông, cụ bà tại Giáo Xứ Võ Dõng, trong lòng tôi luôn vang lên một câu hỏi: “Liệu cuộc gặp gỡ hôm nay có thực sự mang lại cho họ niềm vui?” Tôi được gặp gỡ nhiều cảnh đời, có người bệnh tật, có người cô đơn, và có những người đã không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Khi đến với họ, tôi thực sự xúc động. Bởi lẽ, khi tôi vừa bước chân vào nhà, các cụ đã chào đón tôi bằng một nụ cười hiền hậu, đầy thân tình, cùng lời nói: “Tạ ơn Chúa, cảm ơn quý thầy và các ông đã đến thăm gia đình con”.

Không những thế, trong suốt cuộc trò chuyện, câu nói “Tạ ơn Chúa” luôn được thốt lên đầu tiên và lặp đi lặp lại mỗi khi các cụ chia sẻ điều gì đó. Có lẽ, suốt chặng đường đời đã qua, đức tin của họ được nuôi dưỡng bằng sự quan phòng của Thiên Chúa, nhờ đó họ có một cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu mà Ngài dành cho mình. Đặc biệt hơn, khi tôi đến thăm một gia đình nhỏ, nơi mà người cha 75 tuổi vẫn là trụ cột chính, vợ làm nội trợ và người con trai không may bị nhiễm chất độc màu da cam. Thật bất ngờ, dù gia đình ông còn nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn giữ một đức tin kiên định, luôn tin tưởng và phó thác trong bàn tay của Chúa, đồng thời mang trong mình tinh thần truyền giáo đầy lửa nhiệt thành khi ông đến với vùng cao để giúp đỡ cho các gia đình tân tòng. Ông kể: “Khi tôi lên vùng cao, hoàn cảnh của họ thật đáng thương. Nhà cửa thì tạm bợ, còn bữa ăn thì thiếu thốn.” Nhà văn Nam Cao đã từng nói: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa.” Thế nhưng, ông cụ lại không sống theo điều đó. Dù cuộc sống của ông còn nhiều thiếu thốn, ông vẫn hướng lòng mình đến những người nghèo khổ hơn, âm thầm giúp đỡ họ bằng những món quà nhỏ, và kêu gọi những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ những vùng sâu vùng xa.

Việc thăm viếng người già neo đơn, bệnh tật không chỉ đơn thuần là một hành động nhỏ về mặt thời gian, mà còn là một việc làm mang lại niềm an ủi sâu sắc và ấm áp cho họ. Một lời hỏi han, hay chỉ là việc lắng nghe họ kể về những ký ức xa xưa, cũng đủ để họ cảm thấy bớt cô đơn giữa tuổi già xế bóng. Mỗi lần đến thăm, tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ ánh mắt chan chứa hy vọng, những nụ cười tuy yếu ớt nhưng chất chứa niềm vui và lòng biết ơn chân thành. Hơn thế nữa, sự hiện diện của chúng tôi giúp họ cảm thấy mình vẫn còn được trân trọng, vẫn là một phần ý nghĩa trong cuộc sống.

Từ những lần gặp gỡ ấy, tôi học được cách biết quý trọng hơn những khoảnh khắc tưởng chừng nhỏ bé trong cuộc sống thường ngày. Họ – những con người từng đi qua bao nhiêu thăng trầm, đau thương – giờ đây chỉ cần một lời động viên, một ánh mắt dịu dàng cũng đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Việc đến thăm họ không chỉ là cơ hội để tôi thể hiện lòng yêu thương và chia sẻ, mà còn giúp tôi nhận ra rằng đức tin chính là ngọn đèn soi đường, là nguồn sức mạnh giúp con người vượt qua mọi hành trình gian khó của kiếp nhân sinh.

Giuse Trương Quốc Thiều – Lớp Triết Học II

Comments are closed.