Thứ 7 Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Ngày 07/04/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 16, 9-15″]

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người sống lại. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NIỀM TIN VÀO ĐẤNG PHỤC SINH

“Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người sống lại” (Mc 16,14).

Phục Sinh là một phần thiết yếu trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, bởi nếu Đức Giêsu không chỗi dậy thì đức tin của chúng ta thật hão huyền (x. 1Cr 15,17), và chúng ta là những người đáng thương. Thế nhưng, Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, một niềm hy vọng có sức biến đổi con người. Tuy nhiên, để có được sự biến đổi trong tâm hồn, cần có sự gặp gỡ và tin nhận Đấng Phục Sinh.

Không ai có thể phủ nhận sự cao cả của biến cố Phục Sinh, một biến cố vượt lên trên mọi suy nghĩ của con người, khiến cho các môn đệ, những người sống cùng thời với Chúa Giêsu, cũng như nhân loại hôm nay không dễ để đón nhận. Maria Mađalêna, hai môn đệ trên đường Emmaus, hay thậm chí Nhóm Mười Một đã rất khó để tin vào việc Thầy mình đã từ cõi chết chỗi dậy, dù trước đây nhiều lần Đức Giêsu đã nói với họ điều đó. Cho đến khi gặp được Đấng Phục Sinh, niềm tin mới được thắp lên trong cuộc đời của họ.

Đức Giêsu đã sống lại, một điều thật khó đón nhận, nhưng khi tâm hồn đã được Đấng Phục Sinh đụng chạm đến, liền có một cuộc canh tân mạnh mẽ. Các môn đệ của Chúa Giêsu, những người đang buồn bã khóc lóc vì cái chết của Thầy mình, xem như đã thất bại sau những năm tháng theo Thầy đi rao giảng. Người thì lẩn trốn để bảo toàn mạng sống, kẻ thì trở về quê quán để tiếp tục cuộc sống mưu sinh. Tất cả dường như đã mất hết hy vọng. Trong hoàn cảnh như thế, Chúa Giêsu đã đến để thắp lên niềm tin mà chính Ngài đã gieo vào lòng họ. Thế rồi, họ đã quay lại, một sự biến đổi hoàn toàn nơi những con người đã mất niềm hy vọng. Maria Mađalêna đã can đảm nói lên nỗi vui mừng cho các môn đệ vì đã gặp thấy Chúa sống lại. Cũng thế, hai môn đệ trên đường Emmaus sau khi đã nhận ra Chúa lúc đồng bàn với Người, lập tức quay trở lại, bất chấp không gian và thời gian, để báo cho những người chưa tin nhận Tin Mừng Phục Sinh. Sau cùng, Nhóm Mười Một, khi đã gặp Chúa Phục Sinh, bị khiển trách là cứng lòng và không chịu tin, đã dành trọn cuộc sống làm lời tuyên xưng đức tin, nhờ đó Tin Mừng đã được loan đi khắp cũng cõi đất.

Như thế, niềm tin vào Đấng Phục Sinh bắt nguồn từ kinh nghiệm về những lần gặp gỡ. Tuy nhiên, làm sao Chúa Phục Sinh có thể hiện diện nếu cuộc sống của chúng ta không dành cho Ngài một vị trí thích hợp. Đâu đó chúng ta có thể nghe vọng lại lời của những người Hy Lạp dành cho Phaolô khi ngài đến rao giảng Tin Mừng Phục Sinh: “Chuyện đó để lúc khác chúng tôi sẽ nghe ông” (Cv 17,32), hay một thái độ thờ ơ và xem như sự Phục Sinh chẳng liên hệ gì đến tôi, hoặc quá chú trọng vào các tổ chức bên ngoài mà bỏ quên ý nghĩa của nó.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang hiện diện với Giáo Hội, đặc biệt trong các cử hành phụng vụ. Xin cho chúng con có thể gặp được Chúa, nhất là qua Thánh lễ và các Bí tích, để như thánh Tôma, chúng con có thể thốt lên lời tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

[/loichua]

Comments are closed.