[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 11,45-56″]
Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”. Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
Ý NGHĨA CÁI CHẾT CỦA CHÚA GIÊSU
“Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51b-52).
Đức Giêsu là ánh sáng thật đã đến thế gian để cho con người được sống. Nhưng không phải mọi người đều nhận biết và đón nhận Người. Việc Đức Giêsu làm cho anh Lazarô chết bốn ngày được sống lại đã khiến cho nhiều kẻ tin vào Người, nhưng cũng có nhiều người chống đối Người. Các nhà lãnh đạo tôn giáo sợ rằng mọi người sẽ tin vào Đức Giêsu, và người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh lẫn dân tộc. Người trở thành đối tượng nguy hiểm cho sự an ninh trong xã hội. Caipha vị thượng tế năm ấy đã phát biểu rằng: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Lời phát biểu bộc phát của ông đã trở thành một lời tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu. “Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”. Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin Đức Giêsu thành một dân tộc duy nhất. Cái chết của Đức Giêsu không ngăn cản được sự sụp đỗ của đền thờ Giêrusalem, và sự tan hoang của đất nước Do Thái vào năm 70. Nhưng cái chết của Người đã mang lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Người.
Hướng đến mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, Giáo hội giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa cái chết của Người. Dưới con mắt của nhân loại, cái chết của Đức Giêsu chẳng mang lại lợi ích gì cho con người, có chăng chỉ là một sự thương cảm bởi Người bị kết án cách bất công. Đức Giêsu đã bị giới lãnh đạo Do Thái kết án và xử tử vì những lời buộc tội giả trá: ông này tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là kẻ gây rối loạn trong dân. Dưới con mắt đức tin, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là hành động cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chết để cho nhân loại được sống. Cái chết của Người đã cho thấy hậu quả nặng nề của tội lỗi và sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa. Cái chết của Đức Giêsu đánh dấu sự khởi đầu một dân tộc mới. Người là nguồn mạch sự hiệp thông và tình huynh đệ. Tin tưởng vào tình yêu của Chúa, chúng ta hãy mạnh dạn cùng với Đức Kitô bước vào cuộc khổ nạn, để cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Người.
Lạy Chúa Giêsu, vì tình yêu, Chúa đã chết để cho chúng con được sống. Cái chết của Chúa đã mang lại nhiều hoa trái cho những ai tin vào Người. Giữa cuộc đời đầy những đau khổ, bất công, xin giúp chúng con biết luôn tin tưởng, cậy dựa vào tình yêu của Chúa. Amen.
[/loichua]