Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các thành viên Bộ Giáo lý Đức tin

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các thành viên Bộ Giáo lý Đức tin:
Bộ Giáo lý Đức tin có chiều kích mục vụ hết sức nổi bật

WHĐ (30.01.2018) – Hôm thứ Sáu 26-01-2018, tại Hội trường Clêmentê trong Dinh Tông Toà, các thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến khi họ kết thúc Khoá họp toàn thể. Đức Thánh Cha đã cảm ơn họ về “công việc phục vụ tế nhị” đối với Giáo hội, và nhấn mạnh đến “mối liên kết đặc thù” giữa Bộ và “người kế vị Thánh Phêrô, là người được mời gọi củng cố anh em mình trong đức Tin, và củng cố sự hiệp nhất của Giáo hội”.
Sau đây là toàn văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

***

Kính thưa quý Đức hồng y,
Thưa quý anh em giám mục và linh mục,
Anh Chị Em thân mến,

Tôi vui mừng được gặp Anh Chị Em khi Bộ Giáo lý Đức tin vừa kết thúc Khoá họp toàn thể. Tôi cảm ơn Đức hồng y Bộ trưởng đã giới thiệu tóm tắt những nét chính công việc Anh Chị Em đã làm trong hai năm qua.

Tôi rất hài lòng về công việc phục vụ tế nhị của Anh Chị Em nhằm đáp ứng mối liên kết đặc thù của Bộ với thừa tác vụcủa người kế vị Thánh Phêrô, được kêu gọi để củng cố anh em mình trong đức tin và củng cố sự hiệp nhất của Giáo hội.

Tôi cảm ơn Anh Chị Em về những dấn thân hằng ngày của Anh Chị Em để trợ giúp huấn quyền của các giám mục, trong việc bảo vệ đức tin đúng đắn và sự thánh thiêng của các bí tích, trong nhiều vấn đề đa dạng của ngày nay vốn đòi hỏi phải có sự phân định mục vụ quan trọng, như trong việc xem xét các vụ việc liên quan đến “graviora delicta” (các tội ác nghiêm trọng hơn) và các vấn đề tiêu hôn “favorem fidei” (vì lợi ích đức tin).
Tất cả những nhiệm vụ này càng mang tính thời sự hơn, trước hoàn cảnh – ngày càng trở nên lỏng lẻo và thay đổi – vốn đặc trưng cho sự hiểu biết của con người ngày nay về chính mình và có ảnh hưởng mạnh đến các lựa chọn hiện sinh và đạo đức của con người. Con người ngày nay không còn biết mình là ai và vì thế, họ khó biết được làm thế nào để hành động cho đúng.
Theo nghĩa này, nhiệm vụ của Bộ mang tính quyết định, khi Bộ nhắc nhớ lại ơn gọi siêu việt của con người và mối liên hệ không thể tách rời của lý trí con người với chân lý và sự thiện mà đức Tin vào Chúa Giêsu Kitô khơi lên. Điều này hoàn toàn không giống như việc lý trí mở ra để đón nhận ánh sáng đến từ Thiên Chúa, ánh sáng giúp cho con người nhận biết chính mình và kế hoạch của Thiên Chúa về thế giới.
Thế nên tôi đánh giá cao nghiên cứu của Anh Chị Em về một số khía cạnh của ơn cứu rỗi Kitô giáo, nhằm tái khẳng định ý nghĩa của việc cứu chuộc, khi đề cập đến các khuynh hướng tân-Pelagiô và tân-Gnosis hiện tại. Những khuynh hướng này là biểu hiện của một chủ nghĩa cá nhân tin tưởng rằng mình có thể tự cứu rỗi bằng sức riêng của mình. Trái lại, chúng ta tin rằng ơn cứu rỗi hệ tại sự hiệp thông với Chúa Kitô phục sinh, là Đấng nhờ ơn Thánh Thần của Người, dẫn đưa chúng ta vào một trật tự mới của mối tương quan với Chúa Cha và giữa con người với nhau. Như thế, chúng ta được hiệp nhất với Chúa Cha như những người con trong Chúa Con và trở nên một thân thể trong Đấng “là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29).
Vậy, làm sao lại không đề cập đến những gì mà Anh Chị Em đã nghiên cứu về các hệ quả đạo đức của một nền nhân học thích đáng cả trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Chỉ có cái nhìn về con người như một nhân vị, nghĩa là như một chủ thể chủ yếu mang tính tương quan cùng với một lý trí đặc thù và phong phú, mới có thể hành động phù hợp với trật tự khách quan của luân lý. Về vấn đề này, huấn quyền của Giáo hội luôn lặp lại cách rõ ràng rằng “hoạt động kinh tế, mặc dù theo phương pháp và luật lệ riêng, nhưng vẫn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý” (Gaudium et Spes, 64).
Trong Khoá họp toàn thể này, Anh Chị Em cũng đã đào sâu một số vấn đề tế nhị về việc đồng hành với các bệnh nhânở giai đoạn cuối. Về vấn đề này, tiến trình tục hoá, bằng cách tuyệt đối hoá các khái niệm tự quyết và tự chủ, đã làm cho tại nhiều quốc gia có sự gia tăng nhu cầu an tử như một khẳng định mang tính ý thức hệ về ý chí của con người muốn làm chủ sự sống. Điều này cũng dẫn đến chủ trương coi việc cố ý chấm dứt sự sống của con người như là một lựa chọn của “nền văn minh”. Rõ ràng là khi mà sự sống được coi trọng không phải vì phẩm giá của nó mà vì tính hiệu quả và năng lực sản xuất, thì tất cả những điều ấy đều có thể xảy ra. Trong bối cảnh này, cần phải tái khẳng định rằng sự sống con người, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, có một phẩm giá bất khả xâm phạm.
Đau đớn, thống khổ, ý nghĩa sự sống và sự chết là những thực tại mà não trạng ngày nay khó chấp nhận được với một cái nhìn đầy hy vọng. Nhưng nếu không có niềm hy vọng vững vàng giúp họ đương đầu với đau khổ và cái chết, con người không thể sống tốt đẹp và giữ được cái nhìn tin tưởng cho tương lai của mình. Đây là một trong những công việc mà Giáo hội được kêu gọi phục vụ con người ngày nay.
Theo nghĩa này, sứ mạng của Anh Chị Em mang một chiều kích mục vụ hết sức nổi bật. Các mục tử đích thực là những người không bỏ mặc con người và không để họ rơi vào tình trạng mất phương hướng và lầm lạc, nhưng dùng chân lý và lóng thương xót để đưa họ về với khuôn mặt đích thực của họ trong sự thiện. Mọi hành động nắm lấy tay con người khi họ đánh mất ý thức về phẩm giá và định mệnh của mình; để giúp họ nhờ tin tưởng, tái khám phá tình phụ tử yêu thương của Thiên Chúa, định mệnh tốt đẹp của mình và những con đường xây dựng một thế giới nhân bản hơn, đều là những hành động mục vụ đích thực. Đây là nhiệm vụ lớn lao đang chờ đợi Bộ Giáo lý Đức tin của Anh Chị Em và tất cả các tổ chức mục vụ khác trong Giáo hội.
Tôi tin chắc Anh Chị Em luôn hết lòng với công việc quan trọng này, vốn dĩ vẫn là đường lối chính của Giáo hội. Một lần nữa tôi xin cảm ơn Anh Chị Em và cùng với tâm tình gần gũi, tôi thành tâm ban Phép lành Toà thánh cho tất cả Anh Chị Em.

Nguồn| HĐGMVN

Comments are closed.