[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 8, 5-11″]Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!” Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!” Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.[/loichua]
[loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]Cung cách viên đại đội trưởng để lại cho chúng ta hai ấn tượng mạnh mẽ. Ấn tượng thứ nhất, ông là một người chủ rất nhân hậu biết quan tâm đến thuộc hạ cách đặc biệt. Ông xin Chúa Giêsu làm một điều tốt đẹp – chữa lành bệnh, nhưng không phải cho mình, mà cho người đầy tớ. Ông trình bày tình trạng của người đầy tớ với tất cả lòng thương cảm. Ấn tượng thứ hai, tuy chỉ huy một đại đội với đầy quyền lực nhưng ông lại rất khiêm nhường. Viên đại đội trưởng đã chinh phục được lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu vì đụng đến nơi chất chứa sự hiền lành và khiêm nhường: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29).
Thái độ của viên Đại đội trưởng gợi lên hai nhân đức quan trọng trong đời sống Kitô hữu: khiêm nhường trước mặt Chúa và bác ái với anh chị em mình. Sự khiêm nhường không chỉ giúp chúng ta ý thức về những giới hạn của mình để hoàn toàn trông cậy, tín thác vào Thiên Chúa mà còn là dịp tuyệt vời để Chúa thể hiện sức mạnh và quyền năng vô biên của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Bác ái với anh chị em mình không phải là một tuỳ chọn do lòng tốt nhưng đúng hơn, nó là bổn phận phát xuất từ bản chất của ơn gọi Kitô hữu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.” (Mt 10,8)
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm nhường và quên mình để lưu tâm đến những nhu cầu của tha nhân, như chính Chúa đã tự nguyện tước bỏ mọi vinh quang và quyền lực của một vị Thiên Chúa mà xuống thế làm người để cứu chuộc chúng con. Amen.[/loichua]