Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong Sách nghi thức cử hành Hôn phối, có một “nghi thức chúc lành cho cặp vợ chồng trong Thánh Lễ Kỷ Niệm Hôn phối“. Nghi thức này mời gọi hai vợ chồng nhắc lại lời cam kết của họ cách âm thầm, nhưng cũng cho phép có một cam kết lại công khai, nhưng không cho phép sự tuyên xưng lại thề hứa hôn phối. Nhiều cặp vợ chồng xin tuyên xưng lại thề hứa hôn phối – tại sao điều này không được phép? Tại sao lại có sự khác biệt của lời thề này so với lời khấn của đan sĩ và tu sĩ, khi họ mừng kỷ niệm khấn Dòng và tuyên đọc lại lời khấn Dòng? Tại sao lời thề hứa hôn phối không được phép tuyên xưng lại? Tương tự như vậy, trong Sách Lễ Rôma, có việc các linh mục tuyên đọc lại lời hứa truyền chức trong Lễ Truyền Dầu. – L. P., Tampa, Florida, Hoa Kỳ.
Đáp: Sách Ordo Celebrandi Matrimonium, editio typica altera (1991), có trong Phụ lục III nghi thức: “Ordo benedictionis coniugum intra Missam, occasione data anniversarii Matrimonii adhibendus” (nghi thức chúc lành cho cặp vợ chồng trong Thánh Lễ Kỷ Niệm Hôn phối). Phụ lục này cho phép kỷ niệm đặc biệt hôn phối, vào các dịp mừng chính như kỷ niệm 25 năm, 50 năm hoặc 60 năm ngày cưới.
Trong Sách nghi thức này, Hội Thánh phổ quát đã đề nghị một sự nhắc lại cam kết hôn phối, mặc dầu cụm từ ngữ “tuyên xưng lại thề hứa hôn phối, renewal of vows” được tránh dùng.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi công bố nghi thức phổ quát này, một số Hội Đồng Giám Mục đã đưa vào trong Sách Nghi Thức Hôn Phối một nghi thức nhắc lại cam kết hôn phối để sử dụng vào các ngày lễ đặc biệt. Cũng có thể sử dụng các văn bản này vào các ngày kỷ niệm khác, vì lý do mục vụ tốt. Sách Các Phép cũng cung cấp các văn bản phù hợp cho các dịp khác, chẳng hạn như các kỳ tĩnh tâm, đặc biệt là dành cho các cặp vợ chồng.
Các nghi thức này có một phân biệt nhỏ nhưng có ý nghĩa, giữa lời thề hứa ban đầu và lời tuyên xưng lại thề hứa hôn phối. Có các khoảnh khắc khác nhau trong thánh lễ cho việc tuyên xưng lại thề hôn phối. Trong một số nước, việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối vào dịp Ngân khánh hoặc Kim khánh được thực hiện sau bài giảng, trong khi ở một số nước khác, việc này được thực hiện sau lời nguyện hiệp lễ.
Ở Hoa Kỳ, công thức của lời thề hứa là hơi khác với công thức ban đầu, để phản ánh một sự canh tân tinh thần.
Trong Sách Nghi thức Hôn nhân Canada, Phụ lục IX, “Lễ Kỷ niệm ngày cưới”, cụm từ ‘tuyên xưng lại thề hứa hôn phối’ được sử dụng, và chính lời giới thiệu của linh mục giải thích ý nghĩa và lý do của việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối.
Xin mời đọc:
“Anh N và chị M thân mến, anh chị đến đây cùng với gia đình và bạn bè, để kỷ niệm sự trung thành của anh chị đối với nhau, và để cảm tạ Thiên Chúa trong những năm tháng, mà Ngài ban cho anh chị để sống trong tình yêu lẫn nhau. Qua các vui buồn, sướng khổ, chiến thắng và thử thách của cuộc sống, Thiên Chúa đã luôn ở với anh chị.
“Hôm nay Hội Thánh chia sẻ niềm vui của anh chị, và cảm ơn anh chị, vì anh chị là dấu chỉ mạnh mẽ của tình yêu chân thành và trung tín của Thiên Chúa đối với thế gian.
(* Thiên Chúa đã làm phong phú và củng cố anh chị trong nhiều năm qua bí tích hôn nhân).
Hôm nay, khi anh chị nhắc lại lời thề hứa, anh chị lại làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.
“Anh chị đã chứng tỏ sự kính trọng lẫn nhau qua đời sống chung với nhau.
Giờ đây anh chị cầm tay phải của nhau và nhắc lại lời đồng ý của mình trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài”.
Nghi lễ đề cập đến việc linh mục nói đến lời thề hứa hôn nhân ban đầu. Văn bản của lời thề hứa là không thay đổi.
Một trong các văn bản gần đây nhất, vốn tuân theo Sách Nghi thức Rôma, là nghi thức của Hội đồng Giám mục Anh Quốc và xứ Wales. Toàn bộ nghi thức có thể được tìm thấy tại trang điện tử:
http://www.liturgyoffice.org.uk/Resources/Marriage/OCM-Anniversary.pdf
“275. Sau đó, bằng các lời này hoặc tương tự, Linh Mục mời gọi hai vợ chồng thinh lặng cầu nguyện, và lặp lại trước mặt Chúa quyết tâm sống thánh thiện trong bậc hôn nhân.
“Anh N. và chị M., tưởng nhớ lại lễ cử hành năm xưa, trong đó, qua Bí tích Hôn Phối, anh chị đã liên kết cuộc sống với nhau bằng mối dây không thể tháo gỡ. Giờ đây trước mặt Chúa, anh chị muốn lặp lại những lời hứa, mà năm xưa anh chị đã cam kết với nhau. Anh chị hãy khẩn cầu Chúa ban ơn, để các lời hứa này được nên vững bền.
“276. Sau đó, hai vợ chồng âm thầm lặp lại lời quyết tâm.
“277. Hoặc tùy nghi hoàn cảnh, đôi vợ chồng lặp lại lời quyết tâm cách công khai như sau đây:
“Người chồng: Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì nhờ ơn Chúa, con đã nhận bà M đây làm vợ.
“Người vợ: Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì nhờ ơn Chúa, con đã nhận ông N đây làm chồng.
“Cả hai: Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, với lòng nhân hậu, Chúa đã hiện diện trong suốt cuộc sống của chúng con, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Chúng con nài xin Chúa phù trợ, để chúng con luôn trung thành yêu thương nhau, hầu trở nên những nhân chứng của giao ước, mà Chúa đã ký kết với loài người.
“Linh mục:
“Xin Chúa gìn giữ ông bà mọi ngày trong suốt cuộc đời. Xin Ngài an ủi ông bà lúc gian nan, phù giúp ông bà khi thịnh vượng, và cho nhà ông bà được tràn đầy phúc lành của Ngài. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta.
Đáp: Amen».
Sau đó, là làm phép nhẫn mới, và lời nguyện tín hữu như thường đọc trong Thánh lễ, hoặc lời nguyện chung dưới hình thức được cung cấp trong nghi thức. Sau Kinh Lạy Cha, bỏ qua kinh “Lạy Chúa, xin cứu chúng con”. Linh mục, quay về phía hai vợ chồng, dang tay đọc:
“Chúng con ca ngợi và chúc tụng Chúa, là Thiên Chúa và là Đấng tạo dựng muôn loài, ngay từ đầu, Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, để họ làm nên một cộng đoàn sự sống và tình yêu;
Chúng con cũng cảm tạ Chúa, vì Chúa đã đoái thương ban phúc lành cho cuộc sống gia đình của các tôi tớ Chúa đây là ông N. và bà M., để cuộc sống này biểu lộ hình ảnh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy, hôm nay, xin Chúa nhân từ nhìn đến các tôi tớ Chúa đây, và như Chúa đã gìn giữ họ thông hiệp với nhau, khi được vui mừng cũng như lúc phải lao nhọc, xin Chúa không ngừng làm cho giao ước hôn nhân của họ được sống động, củng cố tình yêu và mối dây an bình nơi họ, để (cùng với đàn con cái bao quanh), họ luôn được hưởng phúc lành của Chúa.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Cộng đoàn: Amen” (Một phần bản dịch trên đây là của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)
Lý do cho các thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa, là bởi vì một cách thiết yếu, việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối là không hứa điều gì mới. Việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối được xem như là hình thức bí tích, và do đó là chỉ dành riêng cho cùng một cặp vợ chồng như khi họ nói lời hứa ban đầu. Thông qua sự đồng ý của họ, hai người hiến dâng cho nhau và đón nhận nhau, thông qua một giao ước vĩnh viễn và không thể đổi thay, để thiết lập hôn phối. (xem khoản luật 1057.2 của Bộ Giáo Luật, và Sách Giáo Lý, số 1638).
Chính lý do của mối dây bất khả phân ly, vốn được tạo ra bởi việc cử hành hôn phối, làm cho Hội Thánh hơi lưỡng lự để cho phép một sự tuyên xưng lại đơn giản lời thề hứa hôn phối. Người ta không thể tuyên xưng lại một hôn phối hợp lệ theo nghĩa là khởi đầu lại hoặc tiếp tục.
Tuy nhiên, sự cam kết liên tục của hôn phối có thể được cử hành, chúc phúc và được tuyên xưng lại, theo nghĩa là tăng sức lực hoặc gia tăng sức mạnh.
Quả thật rằng hàng năm người Công giáo tuyên đọc lại lời hứa rửa tội, các linh mục tuyên đọc lại lời hứa truyền chức và nhiều tu sĩ tuyên đọc lại lời khấn Dòng. Tuy nhiên, các lời hứa này là bổ túc cho bí tích, và không tạo nên hình thức bí tích thật sự.
Do đó, mặc dù tất cả chúng ta tuyên xưng lại lời hứa rửa tội của chúng ta trong Lễ Vọng Phục Sinh, và các linh mục tuyên đọc lại lời hứa truyền chức vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, công thức rửa tội hay công thức truyền chức không bao giờ được đọc lại.
Tương tự, việc khấn Dòng là á bí tích chứ không phải bí tích. Nhưng ngay cả trong các trường hợp này, các tu sĩ có thói quen đọc lại lời khấn Dòng hàng năm sẽ đôi khi có các điều chỉnh nhẹ đối với nghi thức và công thức, để nhấn mạnh tình hình khác nhau.
Thí dụ, các tu sĩ có thể bỏ qua sự nhắc đến vị bề trên nhận lời khấn của mình, vì về phương diện kỹ thuật, không ai cần phải tiếp nhận một sự đọc lại lời khấn Dòng, vốn trước đây đã được tuyên bố và tiếp nhận cách công khai bởi bề trên hợp pháp. Theo cách tương tự, họ cũng có thể xử sự theo cùng một chiều hướng, như khi một lần nữa, tất cả các tu sĩ, kể cả bề trên, đọc lại lời khấn Dòng của họ và không cần ai tiếp nhận lời đọc ấy.
Nguyễn Trọng Đa