[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 18, 15 – 20 “]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế”.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ”.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỬA LỖI CHO NHAU
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó” (Mt 18, 15)
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong loạt bài giảng của Đức Kitô về Giáo Hội. Giáo Hội là cộng đoàn những người được quy tụ nhân danh Đức Kitô. Để Giáo Hội ngày càng thêm rạng ngời, thánh thiện và tinh tuyền, Chúa mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta phải biết sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi cho nhau không phải là bắt bẻ, đấu lý, hay đưa nhau ra tòa nhưng là giúp nhau nhận sai và sửa sai.
Nhân vô thập toàn, đã làm người ai lại chẳng có sai lỗi. Điều quan trọng là có nhận ra lỗi lầm của mình và quyết tâm sửa chữa hay không. Nhưng, việc giúp người khác nhận ra sai lỗi và sửa đổi thì không dễ chút nào. Nếu chỉ có mục đích tốt thì không đủ, mà cần phải có những cách thức thích hợp để việc sửa lỗi mang lại hiệu quả đích thực. Chúa Giêsu đã chỉ ra rằng sửa lỗi cá nhân dựa trên mối tương quan thì tốt hơn là dùng lý lẽ. Bằng chứng của hai hay ba người và thưa ra Hội Thánh phải là biện pháp cuối cùng của tiến trình này. Nói cách khác, chỉ với sự tôn trọng và tình yêu thương, người lầm lỗi mới có đủ can đảm để nhận sai và sửa sai. Vậy bạn và tôi, ngay từ hôm nay hãy áp dụng bài học này vào đời sống thường ngày, dùng tình cảm đơn sơ chân thành, lời nói nhẹ nhàng dễ nghe để góp ý cho người khác, thay vì thái độ kẻ cả với những lời nói đao to búa lớn.
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và chịu chết cho chúng con ngay khi chúng con còn là tội nhân. Xin cho chúng con cũng biết yêu thương những người lầm lỗi, để họ có thể nhận ra và sửa lại lỗi lầm. Amen.
[/loichua]