Mục đích của Triết học

Mỗi khoa học trong kho tàng tri thức bao la vô tận của nhân loại đều nhằm tới một mục đích nhất định thuộc lãnh vực đặc thù của mình. Ví dụ: Khoa toán học là một khoa học nghiên cứu về những hữu thể bất biến, nhưng lại không hiện hữu một cách biệt lập. Đúng thế, bạn không thể có được các con số một, số hai, hay số ba trong tay, vì lý do đơn giản là chúng không bao giờ hiện hữu, trái lại bạn chỉ có thể có một cái thước, hai cuốn sách hay ba cây viết mà thôi. Như thế, người ta có thể gọi đối tượng của khoa toán học là những hữu thể số lượng (ens quantum), hoàn toàn vô phẩm chất, và chỉ có lượng thể (le quantitatif) mà thôi. Còn khoa vật lý học là khoa khảo sát về những sự vật trong vũ trụ, nghĩa là đối tượng của nó là những hữu thể biến dịch (ens mobile).

Tiếp đến, khoa thần học là một khoa học mang tính cách quy phạm, có đối tượng là những chân lý khách quan bất khả phủ nhận vì đã được mặc khải bởi chính Thiên Chúa, có thế giá bảo đảm tuyệt đối, nhưng lại không luôn nằm trong những phạm trù nhận thức của trí năng nhân loại và thiếu tính cách rõ ràng theo luận lý triết học; chẳng hạn sự hiện hữu của một quyền lực tối thượng, nguồn gốc làm phát sinh mọi hiện hữu – mà triết học gọi là «Đệ nhất nguyên lý» (Aristote), còn ngôn ngữ dân gian xưng là Đấng Tối Cao, Thượng Đế, Thiên Chúa, Tạo Hóa, Ông Trời, v.v…, – là một chân lý minh nhiên. Chính vũ trụ bao la đầy huyền nhiệm và tất cả những gì hiện hữu trong đó đều minh chứng sự hữu của quyền lực tối thượng ấy, mà một người với trí năng lành mạnh không thể phủ nhận được, nhưng đồng thời cũng không thể giải thích một cách đầy đủ được yếu tính của quyền lực tối thượng ấy như thế nào. Tương tự như khi bạn bước vào một căn nhà trong một nơi hoang vắng nào đó và mặc dù bạn không tìm gặp ai ở trong đó cả, nhưng khi bạn quan sát nhìn thấy căn nhà rất gọn gàng sạch sẽ, mọi đồ đạc trong nhà đều được bày biện và xếp đặt rất ngăn nắp thứ tự, đèn đuốc trong nhà được thắp sáng và một vài thứ máy móc gia dụng trong nhà đang hoạt động, v.v…, thì đương nhiên bạn phải hoàn toàn chắc chắn rằng đây không phải là căn nhà ma bị bỏ hoang, nhưng có người ở, có sở hữu chủ, chứ bạn không thể phủ nhận được thực tại hiển nhiên đó và cho là do tự nhiên mà có được.

Hơn nữa, những gì con người gọi là tự nhiên, vẫn không bao giờ là «tự nhiên» thực sự cả, vì chúng đã được phát sinh và hoạt động theo một định luật mà Thượng Đế đã thiết đặt. Để có thể hiểu được phần nào điều đó, chúng ta thử lấy một ví dụ: Chẳng hạn khi bạn bước vào một xưởng chế tạo xe hơi tối tân ở các nước Âu Mỹ, bạn sẽ hầu như không gặp được một nhân viên nào cả, mà chỉ thấy các máy «Robot», các bàn tay máy làm hầu hết mọi công đoạn, từ những mãnh sắt cho tới khi chiếc xe thành hình và đưa ra sử dụng. Nhưng không chỉ vì thế, mà bạn có thể khẳng định là chiếc xe hơi tự nhiên mà có được, vì lý do là bạn không thấy nhân viên nào tham gia vào các công đoạn chế tạo chiếc xe. Bởi vì, tuy các máy «Robot», các bàn tay máy xem ra hoạt động tự nhiên, nhưng chúng chỉ hoạt động và thực hiện «tự nhiên» những công đoạn chế tạo mà người kỷ sư đã thiết kế ra trước cho chúng mà thôi.

Trở lại ví dụ về căn nhà đã đề cập đến ở trên. Dĩ nhiên, bạn chỉ biết chắc là căn nhà đó có sở hữu chủ, chứ bạn không thể trình bày một cách chắc chắn về người đó như thế nào được. Cũng vậy, vũ trụ bao la vô tận, sự tuần hoàn trong một trật tự hầu như tuyệt đối của hàng tỷ tỷ tinh tú vô cùng vĩ đại cũng như sự truyền sinh và phát triển không ngừng theo một quy trình hết sức hoàn hảo của từng loại thảo-động vật bé nhỏ nhất trong vũ trụ, v.v…đều đồng thanh minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng như sự hiện diện vô hình nhưng minh nhiên của Người trong vũ trụ.

Bởi vậy, để tiếp cận được chân lý vừa hiển nhiên vừa đầy huyền nhiệm bí ẩn ấy, thì chỉ có tôn giáo – các tôn giáo độc thần nói chung và Kitô giáo nói riêng – mới giúp con người được phần nào dưới sự soi sáng và sự dẫn dắt của đức tin, vì đó là vấn đề thuộc lãnh vực tín ngưỡng, nằm ngoài khả năng hiểu biết của trí năng. Vì thế, xét về một phương diện nào đó thì triết gia Immanuel Kant đã có lý khi nói: «Tôn giáo là một đại dương bao la mà chúng ta không có thuyền bè để qua lại trên đó.» Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đức tin tôn giáo là một điều xác tín thuần túy theo cảm tính, tùy tiện và mù quáng, hoàn toàn thiếu ánh sáng của trí năng. Trên thực tế, đức tin luôn cần sự hậu thuẫn của trí năng; và đó là ý nghĩa của câu tiếng La-tinh: «fides quaerens intellectum» – đức tin tìm kiếm trí năng, như trong ví dụ về căn nhà vừa nói trên: Chính qua sự suy luận của trí năng mà người bạn của chúng ta khám phá ra sự hiện hữu của sở hữu chủ căn nhà. Nhưng chính đức tin lại hướng dẫn và kiện toàn trí năng khi đối tượng nhận thức thuộc về lãnh vực siêu nhiên, vượt khỏi biên giới các phạm trù nhận thức tự nhiên của trí năng.

Nói cách khác, nếu triết học được gọi là «người mở đường» hay là «sân vận động» cho trí năng luyện tập để có thể tiếp cận được những chân lý thần học, thì ngược lại, thần học là «người hướng dẫn» của triết học, hay là «người hoàn tất» những công đoạn mà triết học bất lực bỏ dở, khi những công đoạn đó vượt ra khỏi biên giới của những phạm trù nhận thức tự nhiên của trí năng. Đây cũng là điều chứng minh cho thấy rằng tuy triết học và thần học không giống nhau, không đồng hóa với nhau, nhưng luôn cùng đồng hành và cùng bổ túc cho nhau, chứ không mâu thuẩn chống đối nhau, nghĩa là đức tin và trí năng là những người bạn luôn sát cánh bên nhau trên con đường bước tới chân lý tối hậu.

Hơn nữa, như đã nói trên, chân lý thần học là chân lý được mặc khải bởi Thiên Chúa Toàn Năng, nên cũng mang tính cách bất biến và bó buộc, nghĩa là con người chỉ có thể tìm cách giải thích cho thêm rõ ràng hơn, hầu có thể dễ tiếp cận và nắm bắt được chân lý đó, chứ không thể chứng minh phủ nhận được. Nếu không, điều trước tiên con người phải làm là phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, một điều đi ngược lại phán đoán của trí năng, tiếp đến mới có thể phủ nhận chân lý thần học.

Trong khi đó, khoa triết học cũng có đối tượng là chân lý, nhưng chân lý triết học không nhất thiết rõ ràng và bất biến như trong toán học, chẳng hạn: một cọng một là hai, hai cọng hai là bốn; hay cũng không bất khả phủ nhận như trong thần học. Chân lý trong triết học mang tính cách mềm dẽo, phóng khoáng và chủ quan hơn. Vì thế, cùng một thực tại nhưng lại có thể được phê phán và đánh giá khác nhau, được hiểu, được chấp nhận hay bị phủ nhận, v.v…, tất cả đều tùy thuộc vào sự nhận thức, vào quan điểm hay khuynh hướng nhận thức của mỗi người, nghĩa là tùy thuộc tư tưởng và sự suy luận cũng như tình trạng tâm sinh lý của mỗi người, vì «người buồn thì cảnh có vui bao giờ!». Điều đó muốn nói rằng, trong sự suy luận và phán đoán mang tính cách chủ quan của mỗi người, thì các điều kiện và ảnh hưởng ngoại cảnh luôn đóng một vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói là có tính cách quyết định, như: sức khỏe, trình độ văn hóa và sự phán đoán của đương sự, gia đình, bạn bè, xã hội, văn hóa, tôn giáo, chính trị, sự giáo dục, môi trường và hoàn cảnh sống cụ thể, v.v…!

Thật vậy, chân lý triết học có tính cách mềm dẽo và phóng khoáng, vì nó tùy thuộc tư tưởng và sự tư duy của con người như vừa nói trên. Nhưng bản chất của tư tưởng con người lại tự do, chứ không bao giờ chấp nhận sự đóng khung hay bị giới hạn trong một phạm vi nào đó, đúng như văn hào người Đức Christian Morgenstern đã nhận định: «Gedanken der Menschen wollen, wie Kinder und Hunde, dass man mit ihnen im Freien spazierengeht»: Tư tưởng con người cũng giống như những đứa trẻ và những con chó, là chỉ thích người ta đi dạo với chúng giữa cảnh thiên nhiên rộng rãi thoáng mát. Hơn nữa, ngoài Tạo Hóa ra, con người, dù muốn hay không, cũng không thể kiểm soát được hoàn toàn tư tưởng của kẻ khác (x. Tv 44 và 94; Mt 10,28). Thật vậy, không một ai có thể điều khiển được tư tưởng người khác, vì tư tưởng con người không bao giờ muốn bị giam cầm trong một khuôn khổ hay trong một phạm vi nhất định nào đó, nhưng là hoàn toàn được tự do trong sự nhận thức của mình qua các luận cứ hợp lý có khả năng thuyết phục.

Bởi vậy, cùng một dữ kiện, cùng một vấn đề hay cùng một chân lý khách quan, nhưng lại được nhận định, được đánh giá khác nhau. Có kẻ chấp nhận, có người lại phê bình chỉ trích hay chối bỏ. Mỗi người đều nhận thức theo các phạm trù mà người đó đã đắc thủ được qua ảnh hưởng của giáo dục, truyền thông, xã hội và sự ý thức hay sự thâm tín cá nhân của người đó. Chính đại triết gia René Descartes cũng đã gián tiếp khẳng định điề đó trong câu nói sau đây của ông:

«Về khoa triết học, tôi chỉ muốn nói một điều này: nó đã được nghiền ngẫm bởi những bộ óc minh mẫn đã sống từng bao nhiêu thế kỷ trước, thế mà không có một điều gì người ta đồng ý kiến với nhau, và bởi thế, không có điều gì là không đáng nghi ngờ; vì thấy thế nên tôi rất tự mãn và hy vọng sẽ thành công hơn các người khác trong môn này. Vả lại, xét rằng về chỉ một vấn đề thôi mà các nhà thông thái đã đưa ra không biết bao nhiêu quan niệm khác nhau, mà bao giờ cũng chỉ có một là đúng thực, nên cái gì chỉ có vẻ đúng, thì tôi cho là hầu như sai lạc.»(1)

Nếu người ta từng nhận định là các «vĩ nhân luôn gặp nhau», nghĩa là các vĩ nhân trên thế giới dù ở phương trời hay thời đại nào cũng đều tư duy, cũng đều có tư tưởng giống nhau, thì trong lãnh vực triết học lại không luôn luôn nhất thiết là thế. Mỗi người đều được tự do nhìn chân lý dưới góc độ nhận thức hợp lý chủ quan của mình. Đó chính là lý do cắt nghĩa tại sao trong lịch sử triết học nhân loại lại xuất hiện đủ mọi khuynh hướng tư tưởng khác nhau, nhiều khi còn mâu thuẩn và chống đối lẫn nhau, như các thuyết: Duy tâm, Duy lý, Duy thực tại, Duy nghiệm, Duy linh, Duy vật, hay hoài nghi chủ nghĩa, v.v…! Đây là điều mà chúng tôi đã trình bày đầy đủ trong tập sách vừa được Trung tâm Mục Vụ CGVN thuộc giáo phận Trier/ Đức quốc xuất bản: «Những Tuyệt Tác Tiêu Biểu trong Lịch Sử Triết Tây»(2) của những đại triết gia từ thời thượng cổ đến thời trung cổ và mãi cho tới thời đại tân tiến của chúng ta ngày nay.

Tiếp đến, có hai nhận định quan trọng khác mà chúng ta cũng không nên bỏ qua khi nghiên cứu các luồng tư tưởng triết học khác nhau của nhân loại, đó là:

Thứ nhất, người ta có thể gọi triết học là sự nỗ lực quan trọng nhất của con người nhằm nghiên cứu tìm hiểu về chính mình và những tương quan giữa mình với tha thể, tức thế giới ngoại cảnh. Và khi con người càng ngày càng khám phá ra được những tri thức mới lạ về vũ trụ ngoại cảnh, thì cũng chính là lúc con người càng khám phá ra được những khả năng mới mẻ vốn đã được Thượng Đế đặt để cách tiềm ẩn trong chính mình từ bao thủa. Nói cách khác, khi con người ý thức thì ý thức về một cái gì đó, và «cái gì đó», tức tha thể, càng được khám phá, càng được tìm hiểu một cách cặn kẽ đầy đủ, thì sự tri thức và chính bản chất con người càng trở thành phong phú và kỳ diệu hơn. Và đây chính là lý do cắt nghĩa tại sao tri thức triết học không bao giờ là một tri thức hoàn hảo sau cùng, không bao giờ là một tri thức trọn vẹn tuyệt đối. Bởi vậy, triết gia người Đức Karl Jaspers đã nói: «Triết học là con đường đi», và triết gia người Pháp Gabriel Marcel còn phát biểu rõ hơn: «Tư tưởng triết học của ông là triết học Socrate, một tư tưởng chỉ biết hỏi, và nếu có trả lời, thì mỗi câu trả lời lại trở thành một câu hỏi mới.» Qua câu phát biểu của họ, hai triết gia Jaspers và Marcel muốn nhấn mạnh đến sự biến chuyển của tri thức con người. Đúng vậy, con người vốn luôn thay đổi và tiến hóa không ngừng, thì triết học là khoa học về con người cũng không thể nhất định dừng lại mãi mãi nơi một tri thức nào đó, cũng không thể có mãi một tri thức nhất định nào đó được.

Thứ hai, bên kia biên giớ của sự nhận thức chủ quan của mỗi triết gia, của mỗi người, thì chân lý khách quan bao giờ cũng là chân lý, cũng là sự thật, và không ai có thể thay đổi hay phủ nhận được. Và chân lý khách quan đó mỗi người có trí năng lành mạnh bình thường đều có thể khám phá được, nếu họ đủ khách quan và biết can đảm trừu xuất tất cả mọi tính chất chủ quan ra khỏi các nhận thức của mình. Nhất là một trí năng lành mạnh và một nền triết học lành mạnh, bao giờ cũng giúp con người nhận ra được đệ nhất nguyên lý của mọi hữu thể, nhận ra được nguồn gốc và mục đích tối hậu của mình cũng như của mọi thụ tạo khác; vì đã là thụ tạo thì chúng có khởi đầu và có chấm tận. Nhưng nếu tất cả mọi thụ tạo có khởi đầu và chấm tận, thì tất nhiên phải hiện hữu một «Cái Gì Đó» hoàn toàn tự hữu, nghĩa là không có bắt đầu và không có chấm tận; nếu không, người ta phải lần mò, truy cập mãi tới vô tận; một điều hoàn toàn vô lý. Và đây chính là một trong những luận cứ giúp con người khám phá và nhìn nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa vậy.


1. René Descartes: Phương Pháp Luận, bản dịch của Nguyễn Văn Châu và Cao văn Luận, trang 25.

2. Các bạn đọc có thể tìm gặp được tập sách này tại một số tiệm sách tại Saigon.

Lm. Nguyễn Hữu Thi

Nguồn http://vietcatholic.org

Comments are closed.