Trong sự nghiệp triết học của mình, Heidegger đã viết nhiều tác phẩm bình luận về thơ của nhà thơ Holderlin. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà thơ ca, đặc biệt là thơ của Holderlin, được Heidegger thường xuyên bình luận. Dường như đối với Heidegger, có thể thơ ca có mối liên hệ gần gũi nào đó với triết học. Để tìm hiểu nhận định này, tôi chỉ giới hạn trong việc tìm hiểu trích đoạn What calls for thinking để xem Heidegger có cho thấy đâu là yếu tố dẫn đến sự gần gũi giữa triết học và thi ca.
Sự liên minh giữa triết học và thơ ca
Trong tác phẩm What calls for thinking có hai yếu tố có thể cho thấy sự liên minh giữa triết học và thơ ca. Thứ nhất, cả triết học và thi ca gặp nhau trong sự suy nghĩ. Suy nghĩ được xem bản chất của con người cũng như của triết học. Nhưng có lẽ với Heidegger suy nghĩ thực sự không phải là tính toán hay lên một kế hoạch, phát thảo một chương trình. Theo ông suy nghĩ là cuộc gặp gỡ giữa con người và đối tượng cần được suy nghĩ về. Trong cuộc gặp gỡ này, con người qui hướng về đối tượng cần được suy nghĩ. Nhưng để thực hiện được điều này trước đó đối tượng cần được suy nghĩ đã hướng về và lôi kéo con người trước rồi.
Chúng ta qui hướng về điều gì đó chỉ khi nó qui hướng về phía chúng ta, về hữu thể thiết yếu (essential being) của chúng ta, bằng sự lôi kéo hữu thể thiết yếu của chúng ta như điều cầm giữ chúng ta ở đó[1].
Theo Heidegger, suy tư còn tiếp tục diễn ra bao lâu điều cần được suy nghĩ thu hút con người và con người vẫn còn bị thu hút, con người vẫn còn giữ lấy điều cần được suy nghĩ hay đúng hơn trí nhớ vẫn còn duy trì điều cần được suy nghĩ về.
Tuy nhiên, điều giữ chúng ta trong hữu thể thiết yếu của chúng ta cầm giữ chúng ta chỉ bao lâu, về phần chúng ta, chúng ta nắm giữ điều cầm giữ chúng ta. Chúng ta nắm giữ nó bằng việc không để nó ra khỏi trí nhớ của chúng ta. Trí nhớ là tập hợp của tư tưởng[2].
Như vậy với Heidegger, trí nhớ lưu giữ những điều cần được suy nghĩ về hay trí nhớ duy trì sự suy nghĩ trong con người. Nơi trí nhớ, những điều cần được suy nghĩ được suy nghĩ trở lại.
Trí nhớ là tập hợp của những tư tưởng. Những tư tưởng nào? Những tư tưởng cầm giữ chúng ta, trong đó chúng ta mang đến cho trí nhớ tư tưởng cách rõ ràng vì trí nhớ duy trì những gì phải được suy nghĩ về. Tư tưởng là món quà được đưa vào trong sự suy nghĩ trở lại (thinking back), tư tưởng được đưa vào trong trí nhớ bởi vì chúng ta qui hướng về tư tưởng[3].
Trong khi đó trí nhớ nơi thơ ca cũng có ý nghĩa tương tự khi Heidegger nêu dẫn một đoạn trong bài thơ “Mnemosyne” – Memory – của Holderlin. Ông cho rằng Holderlin đã dùng từ “Mnemosyne” như tên một người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp[4]. Theo như câu chuyện thần thoại này, Trí nhớ (Memory) là con gái của Bầu Trời và Mặt Đất, Trí nhớ cũng là cô dâu của thần Zeus. Qua chín đêm, Trí nhớ đã sinh hạ chín Thi Thần (Muses). Kịch nghệ, âm nhạc, khiêu vũ, thơ ca là con của Trí nhớ[5]. Khi nêu dẫn điều này, có lẽ Heidegger muốn nói rằng tự bản chất thi ca đã hàm chứa suy nghĩ ở nơi Trí nhớ rồi và ông cũng cho thấy ý nghĩa độc đáo nơi Trí nhớ.
Hiểu một cách đơn giản, từ “Trí nhớ” muốn nói đến điều gì đó hơn là đơn thuần về khả năng tập trung mang tính tâm lý để duy trì một sự trình bày mang tính trí tuệ về điều gì đó trong quá khứ. Trí nhớ suy nghĩ trở lại về điều đã được suy nghĩ. Nhưng với danh hiệu là Mẹ của các Thi Thần, Trí nhớ không có nghĩa chỉ là bất kỳ tư tưởng nào về bất cứ điều gì có thể được suy nghĩ. Trí nhớ là tập hợp những tư tưởng về điều mà ở bất cứ đâu cũng đòi hỏi phải được suy nghĩ trước hết. Trí nhớ là tập hợp của sự hồi niệm (recollection), tức là sự suy nghĩ trở lại[6].
Cả triết học và thơ ca đều gặp nhau nơi suy nghĩ qua trí nhớ. Trí nhớ trở nên nơi mà suy nghĩ tiếp tục diễn ra, nơi mà đối tượng cần được suy nghĩ và con người vẫn đang “níu kéo” lẫn nhau. Cũng nơi đó, thơ ca tìm về như nguồn khởi hứng và sức sống tự thân của chính thơ ca.
Yếu tố thứ hai cho thấy sự liên minh giữa triết học và thi ca chính là ở phương pháp triết học của Heidegger. Như đã nói, suy tư theo Heidegger là sự thu hút lẫn nhau giữa con người và điều cần được suy nghĩ. Ông xem việc suy nghĩ cũng giống như một người học nghề thủ công – đây là hình ảnh có tính loại suy. Việc học của người thợ này không chỉ là việc thực hành, cũng không phải là việc tìm kiếm kiến thức hay tìm hiểu hình dáng về đồ vật. Nhưng đúng hơn việc học của anh phải như là việc để cho vật liệu, gỗ, tỏ lộ cho anh qua sự hiện hữu kề cần giữa anh với nó.
Việc học của anh ta không đơn thuần là thực hành để đạt được khả năng sử dụng những công cụ. Cũng không phải đơn thuần là thu thập kiến thức về hình dạng thông thường của những đồ vật mà anh chế tạo. Nếu anh ta muốn trở thành một thợ thủ công thực thụ, thì anh ta phải tự mình trả lời và đáp lại cho tất cả những loại gỗ khác nhau và cho những hình dáng đang còn ngủ yên trong gỗ – tức là để gỗ đi vào trong nơi cư ngụ của con người với tất cả những sự phong phú được tìm ẩn nơi yếu tính của nó. Trong thực tế, sự thân thuộc đối với gỗ là những gì duy trì toàn bộ nghề thủ công này. Không có sự thân thuộc này, nghề thủ công chẳng là gì cả nhưng chỉ là một công việc bận rộn trống rỗng[7].
Như vậy có lẽ ở đây Heidegger muốn nói rằng suy nghĩ là sự hiện diện với điều cần suy nghĩ để nó tự nói, tự tỏ lộ chính nó với con người.
Cũng như vậy, đối với thơ ca, có lẽ con người cũng cần duy trì một sự hiện diện gần kề để có thể nghe ngôn ngữ của nó hay logos, để logos tỏ lộ điều chính nó muốn nói. Heidegger nêu dẫn Permenides để cho thấy rằng logos có cùng ý nghĩa với mythos, nghĩa là lời nói bao hàm cả yếu tính của điều được nói.
Mythos là điều có yếu tính trong chính lời của nó, tức là điều xuất hiện trong sự không che đậy nơi sự lôi cuốn của nó. Mythos là sự lôi cuốn sự quan tâm trên hết và triệt để đối với tất cả con người vốn để cho con người suy nghĩ về điều đang xuất hiện, điều đang lộ ra. Logos cũng nói điều tương tự[8], mythos và logos không bị đặt vào vị trí đối lập bởi triết học như những nhà triết sử đương thời tuyên bố, ngược lại, những triết gia thời đầu (Pamenides, fragment VIII) là những người dùng mythos và logos trong cùng một ý nghĩa[9].
Như vậy theo thơ ca, lời hay ngôn ngữ chất chứa sự hiện hữu của sự vật được nói đến. Do đó, lắng nghe thi ca không phải là nổ tìm kiếm hay suy nghĩ nơi con người nhưng đúng hơn chính con người để cho lời nơi thơ ca tỏ lộ điều muốn nói đến, để lời của thơ ca dẫn đưa con người vào suy nghĩ.
Những liên hệ từ sự liên minh giữa triết học và thơ ca
Khi đề cập đến ngôn ngữ thơ ca như sự liên minh với triết học, cách nào đó ông cũng đề cao ngôn ngữ thơ ca hơn ngôn ngữ khoa học trong lĩnh vực triết học. Với Heidegger, suy nghĩ như một cuộc truy tầm chân lý trong đó con người cần mở ra để nắm bắt và đón nhận nhưng cũng cần có sự tỏ lộ của đối tượng[10]. Với quan điểm này thì thơ ca có vẽ phù hợp hơn với khoa học. Ngôn ngữ khoa học mang tính hình thức và đóng khung, tiêu biểu là ngôn ngữ mang tính logic. Logic đã biến ngôn ngữ thành những hình thức và cấu trúc chết cứng. Nó làm cho người ta chỉ để ý đến cấu trúc mà chẳng quan tâm mấy đến ý nghĩa của ngôn từ. Với hệ thống tam đoạn luận của Aristotle, người ta chỉ xét tính hợp qui hay không hợp qui của ngôn ngữ dựa trên hình thức của ngôn ngữ. Sau này hiện đại hơn, người ta biến ngôn ngữ trở thành những con số 0 và 1 để truyền thông hay để xét tính chân xác của nó. Từ việc chỉ quan tâm đến cấu trúc của ngôn ngữ, người ta xa dần bản chất đích thực của ngôn ngữ cũng như xa dần việc lắng nghe để nhận lấy ý nghĩa và nội dung của chính lời được phát ra. Thêm vào đó, chính vì sự cứng nhắc của cấu trúc nên ngôn ngữ khoa học không thể nào truyền tải hết những gì sự vật tỏ bày, vì sự vật tỏ lộ trong “muôn hình vạn trạng” mà ngôn ngữ khoa học lại nghèo nào trong hình thức. Vì thế David Farrell Krell cũng cho rằng “ Những loại suy nghĩ theo kiểu tính toán … không thỏa mãn tất cả những đòi hỏi nơi bản chất suy nghĩ của con người[11]”. Do vậy, với Heidegger thơ ca mới là ngôn ngữ phù hợp với triết học, vì có lẽ thơ ca vừa uyển chuyển trong việc khai mở sự tỏ lộ của sự vật, lại vừa mang ý nghĩa chất chứa trong ngôn từ. Thơ ca uyển chuyển vì thơ ca không mang hình thức cụ thể. Thơ ca có ý nghĩa chất chứa vì tự bản chất lời đã muốn truyền tải điều được nói đến trong chính lời rồi. Hơn thế nữa, lời không chỉ truyền tải những gì bên ngoài giác quan những còn có thể truyền những tâm tình, những cảm nhận nơi tinh thần. Do vậy, sự truyền tải và mô tả của thơ ca có tính trọn vẹn và triệt để hơn. Chính sự trọn vẹn này của thơ ca mà lời- ngôn ngữ- cần được lắng nghe, suy niệm và chiêm nghiệm vì lời mang sức mạnh nội tại nơi chính nó. Duy trì sự lắng nghe, suy niệm và chiêm niệm là để cho lời đi vào trong tận thâm cung của hữu thể con người, chính nơi đó lời có thể tỏ lộ chính yếu tính của nó cho trọn vẹn hữu thể con người.
Sự liên minh của triết học và thơ ca cách nào đó có thể đưa con người trở về với cội nguồn của suy nghĩ. Với Heidegger trí nhớ không đơn thuần là khả năng trình bày lại những gì trong quá khứ nơi tư tưởng. Trí nhớ là tập hợp những suy nghĩ, là suy nghĩ về những điều đã được suy nghĩ. Thơ ca xuất phát từ trí nhớ, nên thơ ca tự bản chất là sự suy nghĩ về những điều đã được suy nghĩ, thơ ca tự bản chất là suy nghĩ. Do vậy người đọc, người nghe đến với thơ ca là đến với nguồn hứng suy nghĩ. Nguồn hứng này dẫn con người đi vào suy nghĩ. Đây là một thứ suy nghĩ không phải kiểu suy nghĩ vượt bỏ những cái đã có và tiến về phía trước đôi khi quên lãng những điều căn bản. Nhưng đây là thứ suy nghĩ trở về với những suy nghĩ nền tảng, những suy nghĩ đã được suy nghĩ. Vì lẽ đó mà con người không bắt gặp nơi thi ca chân thật những lối suy nghĩ mang tính khoa học, nhưng nhận thấy nơi thi ca những suy nghĩ về cuộc sống và con người, về sự sống và cái chết, về vĩnh cửu và Thiên Chúa… Những điều này có biết bao người suy nghĩ rồi, nhưng thi ca vẫn mãi tiếp tục suy nghĩ về chúng như nguồn hứng không bao giờ cạn. Với những cách tiếp cận khác nhau hay với những lối suy tư khác nhau, thơ ca có thể đưa độc giả đi vào sâu hơn, cội nguồn nơi những suy nghĩ ấy.
Sự gần gũi giữa triết học và thơ ca có lẽ không đưa đến sự đồng hóa triết học là thơ ca. Trong tác phẩm What calls for thinking, chúng ta thấy có một sự liên minh giữa triết học và thi ca trong tư tưởng của Heidegger, nhưng có lẽ ông không đồng hóa hai lĩnh vực này. Cả triết học và thi ca đều mô tả sự tỏ lộ của sự vật, cả hai cùng khởi từ suy nghĩ và mang con người đến với suy nghĩ. Đôi khi vì sự gần gũi này khiến cho người ta khó phân biệt đâu là triết gia đâu là thi sĩ. Chính Heidegger cũng khó phân biệt ông và Holderlin khi nói rằng “Tôi không thể phân biệt (identify) mình và Holderlin”[12]. Tuy triết học và thơ ca gần gũi với nhau nhưng thơ ca vẫn là thơ ca và triết học vẫn là triết học. Hay nói cách khác, có lẽ không có sự đồng hóa thi ca và triết học, vì cả hai đều mang những đặc tính của riêng mình như chính một phát biểu của Heidegger:
Mọi suy tư triết học, dù là lập luận chặt chẽ và có tính văn xuôi nhất tự chúng vẫn có chất thơ nhưng chúng chưa bao giờ là nghệ thuật thơ ca theo đúng nghĩa cả. Cũng vậy, một tác phẩm thơ ca như những bài thánh ca của Holderlin chẳng hạn, có thể đầy tính suy tư ở trong mức độ cao nhất nhưng chưa bao giờ là triết học cả[13].
Tuy triết học và thơ ca có những đặc tính riêng và triết gia cũng không giống với thi sĩ, nhưng không có lý do gì để tách biệt hai yếu tố này nơi một con người. Với những câu hát như những vần thơ đầy chất suy tư, Trịnh Công Sơn cho thấy chất thơ và suy tư như hòa quyện cách thống nhất nơi ông. Vì đầy chất suy tư, nên nhạc như thơ của ông vẫn còn nhiều người yêu mến, vẫn còn nhiều người lắng nghe cách nghiêm túc[14]. Cũng vì đầy chất suy tư nên nhạc của ông còn gợi lên suy tư và đưa thính giả đến suy tư. Suy tư như bản chất của bản chất của con người thì không có lý do gì ngăn cản con người đưa suy tư vào tất cả những lĩnh vực nơi cuộc sống của mình, đặc biệt là thơ ca.
Triết học và thơ ca tuy cùng khởi nguồn từ suy nghĩ và mô tả sự tỏ lộ của sự vật, nhưng có lẽ triết học vẫn là triết học, thơ cả vẫn là thơ ca. Tuy triết học không phải là thơ ca nhưng triết học và thơ ca vẫn đang quyện vào nhau không phải để biến mất trong nhau, nhưng triết học nhờ thơ ca mà trở nên triết học hơn và thơ ca nhờ triết học mà trở nên thơ ca hơn.
Học Viên Triết II
Nguyễn Đăng Trung S. J.
Sách Tham Khảo
Heidegger, Martin, Basis Writing, David Farrell Krell biên soạn, HarperSanFrancisco, 1993
Heidegger, Martin, What is called thinking?, translated by J. Glenn Gray, Harper and Row,London, 1968
Heidegger, Martin, Elucidations of Holderlin’s Poetry, Keith Hoeller dịch, Humanity Books, Newyork, 2000
Heidegger, Martin, Being and Time, Trần Công Tiến dịch, Quê Hương xuất bản, 1973
Hồng, Văn Đậu, Dẫn Vào Hữu Thể Luận – Tra Vấn Chức Năng Meta, 2002
[1] Martin Heidegger, Basis Writing, David Farrell Krell biên soạn, HarperSanFrancisco, 1993, tr. 369
[2] Sđd, tr. 369
[3] Sđd ,tr. 369-370
[4] Sđd, tr. 375
[5] Sđd, tr. 376
[6] Sđd, tr. 376
[7] Sđd, tr. 379
[8] Trong Being and Time, Heidegger cũng có nói về logos với ý nghĩa này cách sâu sắc hơn. “Logos có ý nghĩa là lời nói, có nghĩa là dêloun, khai mở cái mà “lời nói” nói về trong lời nói. Lời nói để cho thấy cái gì đó, nghĩa là cái mà lời nói nói về … Lời nói để cho nhìn thấy apo từ chính cái nói về. Trong lời nói cái được nói phải trong phạm vi lời nói là đúng, được rút ra từ cái được nói về thế nào mà sự truyền thông bằng lời nói trong cái nó nói được khai mở và như thế làm cho người khác đạt được cái được nói về” (Martin Heidegger, Being and Time, Trần Công Tiến dịch, Quê Hương xuất bản, 1973, tr.49)
[9] Martin Heidegger, Basis Writing, David Farrell Krell biên soạn, HarperSanFrancisco, 1993, tr. 375-376
[10] Đậu Văn Hồng, Dẫn Vào Hữu Thể Luận – Tra Vấn Chức Năng Meta, 2002, tr.139
[11] Martin Heidegger, Basis Writing, David Farrell Krell biên soạn, HarperSanFrancisco, 1993, tr. 366-367
[12] Martin Heidergger, Elucidations of Holderlin’s Poetry, Keith Hoeller dịch, Humanity Books, Newyork, 2000, tr.13
[13] Sđd, tr. 13
[14] Ở Sài Gòn, có nhiều quán cà phê chỉ dành riêng cho nhạc Trịnh Công Sơn. Không gian của những quán này thường được tranh trí rất thơ mộng. Bầu khí của quán khá tĩnh lặng. Khách cũng không được nói chuyện lớn tiếng và nhạc cũng không mở quá to để thính giả có thể cảm nhận nhạc của ông cách tốt nhất.
Nguồn http://dongten.net/