Thụ tạo là một ơn tuyệt vời Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để qua đó chúng ta có thể bước vào tương quan với Ngài, nhận ra trong đó dấu ấn chương trình tình yêu của Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta cộng tác thực hiện nó trong từng ngày sống. Chính vì thế Kitô hữu không sống ngoài thế giới, nhưng biết nhìn mọi sự với con mắt của Chúa Kitô phục sinh, biết nhận ra trong họ và nơi những gì bao quanh họ các dấu chỉ của sự dữ, ích kỷ và tội lỗi làm sai lạc mọi sự, biết lắng nghe các rên siết và liên đới với người khổ đau, than khóc, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội và cảm thấy tuyệt vọng.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với gần 20.000 tín hữu và du khách hành huơng tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 22-2-2017.
Trong bài huấn dụ ngài đã quảng diễn ý nghĩa chương 2 các câu 22 tới 26 thư thánh Phalô gửi tín hữu Roma và nói: Chúng ta thường bị cám dỗ nghĩ rằng thụ tạo là tư sản của chúng ta, một chiếm hữu mà chúng ta muốn khai thác tuỳ thích và không phải trả lẽ với bất cứ ai khác. Nhưng văn bản chúng ta vừa nghe cho biết không phải như vậy. ĐTC giải thích như sau.
Tông đồ Phaolô, trái lại, nhắc nhớ chúng ta rằng thụ tạo là một ơn tuyệt diệu mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta, để chúng ta có thể bước vào trong tương quan với Ngài, nhận ra trong đó dấu ấn chương trình tình yêu của Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta cộng tác thực hiện nó trong từng ngày sống.
Tuy nhiên, khi để cho ích kỷ cầm giữ, con người làm hư hỏng cả những điều xinh đẹp nhất được tín thác cho nó. Và điều này cũng đã xảy ra với thụ tạo. Chúng ta hãy nghĩ tới nước. Nước là một vật rất đẹp và quan trọng: Nước trao ban sự sống, giúp chúng ta trong mọi sự, nhưng để khai thác các quặng mỏ, người ta làm cho nước ô nhiễm như thế nào, người là làm bẩn thụ tạo và tàn phá thụ tạo. Đây chỉ là một thí dụ thôi. Có biết bao nhiêu thí dụ khác nữa.
** Với kinh nghiệm thê thảm của tội lỗi, sự hiệp thông với Thiên Chúa bị bẻ gẫy, chúng ta làm hư thối thụ tạo, biến nó thành nô lệ, và bắt nó quy phục sự hư nát của chúng ta. Và rất tiếc hậu quả của tất cả những điều này ở trước mắt chúng ta một cách thê thảm mỗi ngày. Khi bẻ gẫy sự hiệp thông với Thiên Chúa, con người đánh mất đi vẻ đẹp nguyên thuỷ của chính mình, và rốt cục làm biến dạng mọi sự quanh mình. Và ở đâu trước kia quy chiếu về Thiên Chúa Cha Tạo Hoá và tình yêu thương vô tận của Ngài, thì giờ đây nó mang dấu chỉ buồn sầu và hoang tàn của sự kiêu căng và lòng tham của con người. Sự kiêu căng của con người khai thác thụ tạo, tàn phá thụ tạo.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Tuy nhiên, Chúa không để chúng ta một mình và cả trong khung cảnh hoang tàn này Ngài cũng cống hiến cho chúng ta một viễn tượng của sự giải thoát mới, của ơn cứu độ đại đồng. Và đó là điều thánh Phaolô tươi vui minh nhiên, bằng cách mời gọi chúng tra lắng nghe các tiếng rên siết của toàn thụ tạo. Các tiếng rên siết của toàn thụ tạo… Kiểu nói mạnh mẽ. Thật thế, nếu chúng ta chú ý, tất cả chung quanh chúng ta đều rên siết: chính thụ tạo rên siết, chúng ta la người rên siết và Thần Khí rên siết trong chúng ta, trong con tim chúng ta.
Nhưng các tiếng rên siết này không phải là một than van khô cằn, không an ủi mà – như thánh Tông Đồ nói – là các rên siết của một phụ nữ sinh con. Chúng là các rên siết của người khổ đau, nhưng biết là mình sắp cho ra đời một sự sống mới. Và trong trường hợp của chúng ta thật đúng như thế. Chúng ta còn đang chiến đấu với các hậu của của tội lỗi, và chung quanh chúng ta tất cả đều còn mang dấu vết của các lao nhọc, các thiếu sót, các khép kín của chúng ta. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta cũng biết rằng mình đã được Chúa cứu thoát, và chúng ta đã được chiêm ngưỡng và nếm hưởng trước trong chúng ta và trong tất cả những gì bao quanh chúng ta các dấu chỉ của sự Phục Sinh, của Lễ Vượt Qua, làm một việc tạo dựng mới. ĐTC giải thích thêm như sau:
** Đây là nội dung niềm hy vọng của chúng ta. Kitô hữu không sống ngoài thế giới, nhưng biết nhận ra trong cuộc sống mình và trong tất cả những gì bao quanh các dấu chỉ của sự dữ, của ích kỷ và của tội lỗi. Họ liên đới với ai đau khổ, khóc than, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội và cảm thấy tuyệt vọng… Tuy nhiên đồng thời kitô hữu cũng đã học đọc hiểu tất cả những điều này với con mắt của sự Vượt Qua, với con mắt của Chúa Kitô Phục Sinh. Và khi đó họ biết rằng chúng ta đang sống thời gian chờ đợi, thời gian của một ngưỡng vọng vượt quá hiện tại, thời gian của sự thành toàn. Trong hy vọng chúng ta biết rằng Chúa muốn chữa lành một cách vĩnh viễn với lòng thương xót các con tim bị thương và bị hạ nhục, và tất cả những gì mà con người đã làm vẩn đục trong sự gian ác của nó, và rằng trong thế giới này Chúa làm nảy sinh ra một thế giới mới và một nhân loại mới, sau cùng được hoà giải trong tình yêu của Ngài.
Có biết bao lần chúng ta kitô hữu chúng ta bị cám dỗ bởi vỡ mộng, bởi yếm thế… Đôi khi chúng ta để cho mình rơi vào chỗ than van vô ích, hay không lời và cũng không biết xin điều gì, hy vọng điều gì… Nhưng một lần nữa Chúa Thánh Thần, là hơi thở của niềm hy vọng, đến trợ giúp chúng ta. Ngài duy trì sống động tiếng rên siết và chờ đợi của con tim chúng ta. Thần Khí giúp chúng ta vượt qua các vẻ bề ngoài tiêu cực của hiện tại và vén mở cho chúng ta giờ đây trời mới và đất mới, mà Chúa đang chuẩn bị cho nhân loại.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt là tín hữu giáo phận Le Mans do ĐC Yves Le Saux, GM sở tại hướng dẫn, các trẻ em giúp lễ giáo phận Metz, do ĐC Jean Christophe Lagleize hướng dẫn, cũng như tín hữu và người trẻ các giáo xứ Pháp và Canada. Ngài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trên mọi nẻo đường đời và củng cố niềm hy vọng của họ.
ĐTC cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Na Uy, Ấn Độ và Hoa Kỳ, và cầu chúc họ được hưởng lòng thương xót và bình an của Chúa để họ cộng tác giữ gìn thụ tạo và trợ giúp nhau.
** Chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức ĐTC nhắc cho mọi người biết năm nay là kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Là Mẹ của niềm hy vọng Mẹ mời gọi chúng ta hướng cái nhìn về ơn cứu rỗi, về một thế giới mới và một nhân loại mới.
Chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngài khích lệ mọi người kiên trì xin Chúa Thánh Thần hiện diện trong cuộc sống để biết nhìn xa hơn các vẻ bề ngoài tiêu cực của cuộc sống hiện nay và hy vọng nhìn trời mới đất mới. Xin lễ kính Ngai toà thánh Phêrô trao ban can đảm cho họ để biết vác thập giá của cuộc sống thường ngày và sống thánh thiện.
Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào phái đoàn “Ngọn đuốc hoà bình Biển Đức” do ĐC Renato Boccardo, TGM Spoletto hướng dẫn cùng với Đức Viện Phụ Montecassino Donato Ogliari, và Đức Viên Phụ Subiaco Mauro Meacci. Ngài mời gọi mọi người thăng tiến nền văn hóa hoà bình trong mọi môi trường sống.
Ngoài ra, cũng có các tham dự viên cuộc biểu tình chống lại nạn người trẻ chế diễu sách nhiễu bạn học của giáo phận Palestrina, do ĐC Domenico Sigallini hướng dẫn, thành viên “Hiệp hội Tầu biển Sophia” chuyên hoạt động giúp tránh các tai nạn trong biển Địa Trung Hải, các nam nữ nghệ sĩ đoàn xiệc Rony Rollers và cám ơn các màn biểu diễn của họ. Họ tạo ra vẻ đẹp và vẻ đẹp đưa chúng ta tới Thiên Chúa. Làm xiệc cũng là một con đường dẫn tới Thiên Chúa. Anh chị em hãy tiếp tục làm ra vẻ đẹp và sinh ích cho tất cả chúng tôi. Xin cám ơn anh chị em.
Sau cùng chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi nguời biết hôm qua là lễ kính Ngai toà thánh Phêrô Tông Đồ, là ngày hiệp thông đặc biệt của tín hữu với Người Kế Vị thánh nhân. ĐTC khích lệ các bạn trẻ củng cố lời cầu nguyện của họ cho sứ vụ Phêrô của ngài; ngài cám ơn các bệnh nhân đã dâng hy sinh khổ đau cho việc xây dựng Giáo Hội, và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cuới biết xây dựng gia đình trên chính tình yêu nối kết Chúa Giêsu với Giáo Hội Ngài
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.
Nguồn| VietVatican