Sứ Điệp Mùa Chay 2016 – Đức Thánh Cha Phanxicô: Mùa Chay là thời gian thuận lợi cho việc hoán cải

Đức Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chúng ta phải sống thời gian Mùa Chay này như là một thời gian thuận lợi cho việc hoán cải trong Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót.

Trong sứ điệp Mùa Chay của ngài có tựa đề “Tôi muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế. Những việc làm của lòng thương xót trên lộ trình của Năm Thánh”. Đức Đức Thánh Cha nhắc lại tầm quan trọng của các công việc của lòng thương xót về phần xác cũng như phần hồn, lên án thái độ và hành động của kẻ kiêu căng, quyền lực và giàu có, là những người đã từ chối mở cửa lòng mình đối với Thiên Chúa và người nghèo.

Nhờ suy niệm và thực hành các công việc của lòng thương xót về phần xác cũng như phần hồn – Đức Thánh Cha Phanxicô nói – các Kitô hữu có thể thức tỉnh lương tâm của mình, một lương tâm trở nên mù quáng trước cảnh đói nghèo.

Trong sứ điệp đặc biệt của mình về Mùa Chay của năm nay, Năm Thánh ngoại thường của Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha nói đây là thời gian để sống sâu sắc khoảnh khắc của ân huệ, để cử hành và trải nghiệm những điều kỳ diệu được biến đổi nhờ Lòng Thương Xót của Chúa.

Qua việc dạy rằng người nghèo có một vị trí đặc biệt nơi trọng tâm của Tin Mừng, Đức thánh Cha cảnh báo về “sự mù quáng” và “những lường gạt về quyền tuyệt đối”, những thứ thường làm cho những người giàu có và quyền thế ưu phiền, vì họ là những người khép lòng mình đối với người nghèo và Đức Thánh cha nói họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo.

Đức Thánh Cha nói thêm: những lường gạt về quyền tuyệt đối có thể sánh ví tương tự như các hình thức xã hội và chính trị được biểu lộ qua các thể chế độc tài của thế kỷ XX, và trong thời đại của chúng ta qua trào lưu độc quyền tư tưởng và kỹ thuật khoa học mà có thể làm cho Thiên Chúa bị giản lượt và hạ giá con người như nguyên liệu thô được khai thác”.

Điềm nhấn của sứ điệp – được giới thiệu vào sáng thứ Ba tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican – kêu gọi các tín hữu thực hành các công việc của lòng thương xót và lắng nghe Lời Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói “Chúng ta đừng lãng phí trong Mùa Chay này, một thời gian thuận lợi cho sự hoán cải !”

Dưới đây là toàn bộ nội dung của sứ điệp Mùa Chay của DTC Phanxicô:
dcv-hoa-tiet

“Tôi muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế ” (Mt 9,13).

Công việc của Lòng Thương Xót trên lộ trình của Năm Thánh

1. Đức Maria, hình ảnh của một Giáo Hội loan báo Tin Mừng, vì Giáo Hội được đón nhận Tin Mừng

Trong trọng sắc khai mở Năm Thánh bất thường về Lòng Thương Xót, tôi đã mời gọi “Mùa Chay trong Năm Thánh này phải được sống cách sâu sắc hơn như một thời điểm đặc biệt để cử hành và cảm nghiệm Lòng Xót Thương của Thiên Chúa (VT 17)”. Qua việc gọi mời chăm chú lắng nghe lời Chúa và khuyến khích các sáng kiến ​​”24 giờ dành cho Chúa”, tôi đã nhấn mạnh tính ưu việt của cầu nguyện qua việc lắng nghe lời Chúa, đặc biệt là những lời tiên báo của Ngài. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là lời công bố cho thế giới, là lời công bố mà mỗi Kitô hữu được gọi mời trải nghiệm trước hết. Vì lý do này, trong mùa Chay năm nay, tôi sẽ sai Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót như một dấu chỉ cụ thể để mọi người đến gần gũi với Thiên Chúa và sự tha thứ của Người.

Sau khi đón nhận được Tin Mừng qua Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel, Đức Maria, trong bài ca Magnificat, đã ca vang lời loan báo Lòng Thương Xót, nhờ đó Thiên Chúa đã chọn Mẹ. Đức Nữ Trinh Nagiarét, đã đính hôn với Giuse, đã trở thành biểu tượng hoàn hảo của Giáo Hội loan báo Tin Mừng, vì Mẹ đã và vẫn tiếp tục được Tin Mừng hoá bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho cung lòng trinh nguyên của Mẹ trổ sinh hoa trái. Trong truyền thống ngôn sứ, lòng thương xót có liên quan chặt chẽ – thậm chí ở mức nguyên thủy của nó – Nơi cung lòng Mẹ (rahamim) và nơi sự tốt lành đầy lòng trắc ẩn, tín trung và rộng lượng (hesed) được tỏ bày trong hôn nhân và các mối quan hệ của gia đình.

2. Giao ước của Thiên Chúa với con người: lịch sử của lòng thương xót

Mầu nhiệm của Lòng Thương Xót Chúa được mặc khải trong lịch sử của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel. Thiên Chúa tỏ lộ Ngài là Đấng giầu lòng thương xót, luôn luôn sẵn sàng chăm sóc Dân Chúa với lòng nhân ái và cảm thông, đặc biệt trong những khoảnh khắc bi thảm khi Dân Chúa bất trung trong việc tuân giữ giao ước, điều cần phải được cũng cố cách vững chắc hơn trong công lý và sự thật. Sau đây là câu chuyện tình yêu đích thực, trong đó Thiên Chúa đóng vai trò của người cha và người chồng bị phản bội, trong khi Israel đóng vai của người con và người vợ bất trung. Hình ảnh của gia đình cho thấy Thiên Chúa mong muốn ràng buộc chính mình với Dân của mình cách gắn bó, như trong trường hợp của Tiên tri Ô-sê (Hs 1-2).

Câu chuyện tình yêu này đạt đến đỉnh điểm trong sự nhập thể của Con Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa Cha tỏ lộ lòng thương xót vô biên của mình để làm cho Ngôi Lời là “sự nhập thể của Lòng thương xót” (VT 8). Như một con người, Chúa Giêsu thành Nazareth là một người con thực sự của Israel; Ngài là hiện thân hoàn hảo cho việc lắng nghe những đòi hỏi của lời kinh Shema dành cho mọi người Do Thái, mà hôm nay đây cũng là ttâm điểm của giao ước giữa Thiên Chúa với Israel: “Nghe đây, hỡi Ítraen, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6, 4-5). Là Con Thiên Chúa, Ngài là vị hôn phu đến làm mọi sự để trinh phục tình yêu của hôn thê mình, và vì hôn thê của mình mà Ngài đã bị ràng buộc bởi một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu trở nên hữu hình trong tiệc cưới vĩnh cửu.

Đây chính là trọng tâm của lời loan báo Tin Mừng của các tông đồ, trong lời loan báo này, Lòng Thương Xót Chúa có một vị trí quan trong và nền tảng. Đó là “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại” (EG 36), và lời loan báo đầu tiên mà “chúng ta phải nghe nghe đi nghe lại trong nhiều cách thế khác nhau, chính là điều mà chúng ta phải công bố cách này hay cách khác trong suốt quá trình giảng dạy giáo lý, ở mọi cấp độ và thời điểm”(EG 164). Lòng Thương Xót “diễn tả cách thế Thiên Chúa tìm đến với những kẻ tội lỗi, ban cho họ cơ hội mới để nhìn vào chính mình, hoán cải, và tin” (MV 21), nhờ đó khôi phục mối quan hệ của họ với Chúa. Trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã bày tỏ khát khao của mình được ở gần những người tội lỗi, thế nhưng con người lại lẫn trốn Ngài. Nhờ Lòng Thương Xót, Thiên Chúa hy vọng làm mềm trái tim chai sạn của người hôn thê của Chúa.

3. Các việc làm của lòng thương xót

Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người; nhờ trải nghiệm của một tình yêu trung thành, nó làm cho chúng ta biết trở nên xót thương người khác. Như một phép lạ mới, Lòng Thương Xót Chúa chiếu tỏa trong cuộc sống chúng ta, tạo cảm hứng cho mỗi người chúng ta thương yêu người lân cận và dâng hiến chính mình làm những việc mà truyền thống của Giáo Hội gọi mời đó là các công việc giúp đỡ vật chất và tinh thần của Lòng Thương Xót. Những công việc này nhắc nhở chúng ta rằng đức tin được biểu lộ trong hành động cụ thể hàng ngày, nghĩa là giúp đỡ anh chị em láng giềng của chúng ta trong tinh thần và vất chất: bằng cách cho ăn, viếng thăm, an ủi và hướng dẫn họ. Chúng ta sẽ được phán xét dựa trên các việc làm ấy. Vì lý do này, tôi bày tỏ hy vọng rằng “Dân Kitô Giáo có thể nghĩ về các công việc trợ giúp phần hồn và phần xác của lòng thương xót; đây chính là cách thế thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường đang ngủ yên trước thảm hoạ của cảnh đói nghèo, và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, nơi người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa” (VT 15). Vì trong những người nghèo khó, thân xác Chúa Kitô “trở nên hữu hình nơi thân xác những người bị hành hạ, bị gây thương tích, bị đánh đập, bị thiếu dinh dưỡng, bị truy đuổi… để chúng ta nhân ra, chạm tới và ân cần chăm sóc” (ibid.). Đây là một mầu nhiệm chưa từng có và cao độ được mở ra cho mọi thời sự đau khổ của Con Chiên Vô Tội, hình ảnh của một bụi gai cháy bỏng tình yêu nhưng không. Trước tình yêu này, như Mosê, chúng ta phải cởi dép (Xh 3, 5), đặc biệt khi những người nghèo là những anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô đang chịu đau khổ vì đức tin của họ.

Trong ánh sáng của tình yêu này, một tình yêu mạnh hơn sự chết (Dc 8, 6), người nghèo thực sự được xem như những người từ chối nhìn nhận họ là người nghèo. Họ tự coi mình là giàu có, nhưng thực ra họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, nghĩa là vì họ nô lệ cho tội lỗi, cái đưa họ đến việc sử dụng của cải và quyền lực không nhằm phục vụ Thiên Chúa và người khác, nhưng che đậy một tri giác thực sự trong lòng họ, đó là họ cũng chỉ là những người ăn xin đáng thương. Càng giầu có và càng quyền lực thì càng mù tối và gian dối. Điều này như một sự mù loà đối với Lazarô, kẻ ăn mày nơi của nhà của họ (Lc 16,20-21). Lazarô, con người nghèo khổ, là hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng mà qua con người nghèo khổ nài xin chúng ta hoán cải. Như vậy, ông đại diện cho khả năng hoán cải mà Thiên Chúa ban cho chúng ta mà chúng ta đã có thể không nhận ra. Sự mù loà như thế thường đi kèm những lường gạt về sự tự mãn của sự toàn năng của riêng mình, nó phản ánh một đường lối nham hiểm của ma quỷ “ngươi sẽ trở nên như Thiên Chúa” (St 3, 5), chính là cội rễ của mọi tội lỗi. Sự lường gạt này có thể được nhận thấy trong các thể chế xã hội và chính trị, như được thể hiện nơi các thể chế độc tài của thế kỷ XX, và trong thời đại của chúng ta, qua những ý thức hệ độc quyền tư tưởng và duy khoa học kỹ thuật, nó loại trừ Thiên Chúa và hạ giá con người như những nguyên liệu thô để khai thác. Sự lường gạt này cũng có thể được nhìn thấy trong các cơ cấu tội lỗi liên quan đến một mô hình phát triển sai lạc dựa trên các ngẫu tượng là tiền của, mà nó đưa đến việc thiếu quan tâm tới số phận của những người nghèo nơi một số cá nhân và xã hội giàu có; họ đóng cửa lòng họ, thậm chí không thèm nhìn những người nghèo.

Còn đối với tất cả chúng ta, Mùa Chay trong Năm Thánh này là một thời gian thuận lợi để vượt thắng sự đố kỵ tồn tại nới chúng ta bằng việc lắng nghe lời Chúa và thực hành những việc của lòng thương xót. Trong những công việc trợ giúp về phần xác của lòng thương xót, chúng ta chạm vào da thịt của Chúa Kitô nơi anh chị em chúng ta, những người cần được cho ăn, cho mặc, cho chỗ ở, được thăm viếng; Trong các công việc trợ giúp thiêng liêng của lòng thương xót – như an ủi, hướng dẫn, tha thứ, khuyên bảo và cầu nguyện – chúng ta trực tiếp chạm đến tội lỗi của riêng chúng ta. Các công việc trợ giúp thể xác và thiêng liêng của lòng thương xót không bao giờ được tách rời. Nhờ chạm vào da thịt của Chúa Giêsu bị đóng đinh trong những người đau khổ, các tội nhân có thể nhận được ơn giúp họ nhận ra họ cũng là người nghèo và cần giúp đỡ. Qua việc bám vào thực hành này, người “tự mãn”, người “kiêu căng” và người “giàu có” được nói đến trong kinh Magnificat, cũng được đón nhận và yêu thương bởi Đấng bị đóng đinh, đã chết và sống lại vì họ. Chính Tình yêu này là câu trả lời cho những khát vọng về hạnh phúc và tình yêu vĩnh cửu mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể thoả mãn nhờ các thần tượng của tri thức, quyền lực và sự giàu có. Tuy nhiên, sự nguy hiểm vẫn luôn luôn tồn tại khi mà chúng ta không ngừng từ chối mở cửa trái tim cho Chúa Kitô, Đấng đang gõ nơi lòng chúng ta qua những người nghèo. Những người tự mãn, giầu có và quyền lực sẽ kết thúc việc lên án chính mình và lao vào vực thẳm đời đời trong nỗi cô đơn là hoả ngục. Những lời chỉ dậy của tổ phụ Abraham áp dụng cho họ và cho tất cả chúng ta: “chúng đã có Mosê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”(Lc 16,29). Sự chăm chú lắng nghe như thế sẽ chuẩn bị cho chúng ta cách tốt nhất để cử hành sự vinh thắng cuối cùng trên tội lỗi và sự chết của Phu Quân, giờ đã phục sinh, Đấng khát khao thanh tẩy hôn thê của mình trong niềm mong đợi Người trở lại.

Chúng ta đừng lãng phí trong Mùa Chay này, thời gian thuận lợi cho việc hoán cải! Chúng ta hãy cầu xin nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, người đón nhận sự cao cả của lòng thương xót Thiên Chúa ban cho Mẹ, là người đầu tiên nhìn nhận sự thấp hèn của mình (Lc 1,48) và được gọi là nữ tỳ khiêm tốn của Chúa (Lc 1,38).

Lm. Lê Quang Tuyến

chuyển từ: http://www.news.va/en/news/pope-francis-lent-is-a-favourable-time-for-convers

Comments are closed.