VATICAN. Trong sứ điệp công bố sáng ngày 28-9-2015 nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 sẽ được cử hành cấp hoàn vũ vào cuối tháng 7 năm tới tại Cracovia, Ba Lan, TC Phanxicô mời gọi các bạn trẻ mang ngọn lửa từ bi thương xót của Chúa Kitô vào đời sống thường nhật và thực thi mỗi tháng một công việc bác ái.
Sau đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
“Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7)
Các bạn trẻ rất thân mến,
Chúng ta đã tới giai đoạn chót trong cuộc lữ hành tiến về Cracovia, nơi chúng ta sẽ cùng nhau cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 vào tháng 7 năm tới (2016). Hành trình dài và đòi nhiều cố gắng này được lời Chúa Giêsu hướng dẫn, rút từ “Bài giảng trên núi”. Chúng ta đã khởi sự hành trình này hồi năm 2014, cùng nhau suy niệm về Mối Phúc thứ I: “Phúc cho những người có tinh thần thanh bần vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Đề tài cho năm 2015 là “Phúc cho ai có tâm hồn thanh khiết, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Trong năm đang ở trước mặt, chúng ta muốn để cho mình được Lời này soi sáng: “Phúc cho những ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7).
1. Năm Thánh Lòng Thương Xót
Với chủ đề này, Ngày Quốc Tế giới trẻ Cracovia năm 2016 được tháp nhập vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, trở thành một Năm Thánh thực sự và riêng cho người trẻ trên bình diện thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên Đại hội giới trẻ quốc tế trùng vào một Năm Thánh. Thực vậy, chính trong Năm Thánh Cứu Độ 1983/1984, thánh Gioan Phaolô 2 đã triệu tập lần đầu tiên các bạn trẻ toàn thế giới vào Chúa Nhật Lễ Lá. Rồi trong Đại Năm Thánh 2000, hơn 2 triệu người trẻ từ 165 quóc gia đã họp mặt tại Roma để cử hành Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 15. Như đã xảy ra trong 2 trường hợp trước đây, tôi chắc chắn rằng Năm Thánh giới trẻ ở Cracovia sẽ là một trong thời điểm nổi bật của Năm Thánh này!
Có sẽ vài người trong các bạn tự hỏi: “Năm Thánh này được cử hành trong Giáo Hội là gì? Sách Lêvi đoạn thứ 25 giúp hiểu “Năm Vui Mừng đối với dân Israel có nghĩa là gì? Cứ 50 năm, người Do Thái thổi kèn hân hoan (jobel) triệu tập họ (jobil) cử hành một năm thánh, như một thời kỳ hòa giải (jobal) đối với tất cả mọi người. Trong thời kỳ này, người ta phải phục hồi quan hệ tốt với Thiên Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên, dựa trên tinh thần nhưng không. Vì thế, trong số các vấn đề, người ta cổ võ sự tha thứ nợ nần, đặc biệt trợ giúp những ai lâm vào tình trạng lầm than, cải tiến các quan hệ giữa con người với nhau và giải phóng những người nô lệ. Chúa Giêsu Kitô đã đến để loan báo và thực hiện thời đại vĩnh cửu của ơn Chúa, mang đến cho người nghèo tin vui, sự giải thoát cho các tù nhân, cho người mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được tự do (Xc Lc 4,18-19). Nơi Ngài, nhất là trong Mầu Nhiệm Vượt qua, ý nghĩa thâm sâu nhất của Năm Thánh được viên mãn. Khi Giáo Hội nhân danh Chúa Kitô tuyên bố Năm Thánh, tất cả chúng ta đều được mời gọi cống hiến dồi dào các dấu chỉ sự hiện diện và sự gần gũi của Thiên Chúa, thức tỉnh nơi các tâm hồn khả năng nhìn điều thiết yếu. Đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, “là thời kỳ để Giáo Hội tìm lại ý nghĩa sứ mạng mà Chúa đã ủy thác trong Ngày Phục Sinh: đó là trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa Cha” (Bài giảng Kinh Chiều I Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, 11-4-2015)
2. Thương Xót như Chúa Cha
Khẩu hiệu Năm Thánh đặc biệt này là “Thương xót như Chúa Cha” (Xc Misericordiae Vultus, 13), và chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới cũng tương ứng với chủ đề của Năm Thánh. Vì thế chúng ta tìm cách hiểu rõ hơn ý nghĩa lòng thương xót của Chúa. Để nói về lòng thương xót, Cựu Ước dùng nhiều từ ngữ khác nhau, trong đó những từ ý nghĩa nhất là hesed và rahamim. Từ thứ nhất được áp dụng cho Thiên Chúa, diễn tả lòng trung tín không ngừng của Ngài đối với giao ước cùng dân Ngài, Dân mà Ngài yêu thương và tha thứ mãi mãi. Từ thứ hai, rahamim, có thể được dịch là “lòng”, đặc biệt nhắc nhớ cung lòng người mẹ và làm cho chúng ta hiểu tình thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài như tình thương của một người mẹ đối với con mình. Ngôn sứ Isaia diễn tả điều ấy với chúng ta: “Một phụ nữ lại quên con mình đến độ không cảm động vì người con từ lòng mình sao? Cho dù họ có quên đi nữa, Ta sẽ không bao giờ quên con” (Is 49,15). Một tình yêu thuộc loại này bao hàm việc dành chỗ cho tha nhân ở trong lòng mình, cảm thấy, chịu đau khổ và vui mừng với tha thân. Trong ý niệm Kinh Thánh về lòng thương xót cũng bao hàm một tình yêu cụ thể, trung thành, nhưng không và biết tha thứ. Trong đoạn này của ngôn sứ Osean, chúng ta có một thí dụ rất đẹp về tình yêu Thiên Chúa, được so sánh với tình thương của một người cha đối với con mình: “Khi Israel còn là một trẻ nhỏ, Ta đã thương yêu nó và đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập, nhưng hễ Ta càng gọi thì chúng càng xa Ta; […] Ta đã tập cho Efraim bước đi, Ta cầm tay nó, nhưng chúng không hiểu rằng Ta đã chăm sóc chúng. Ta đã lôi kéo chúng bằng những mối liên hệ nhân nghĩa, bằng những liên hệ ân tình, đối với chúng Ta như người nâng một đứa bé áp vào má, Ta cúi mình trên nó để đút nó ăn” (Hs 11,1-4). Mặc dù thái độ sai lầm của đứa con, đáng bị trừng phạt, nhưng tình yêu của người cha trung tín và luôn tha thứ cho người con thống hối. Như chúng ta thấy, trong lòng thương xót luôn kèm theo sự tha thứ; lòng thương xót không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Chúa bày tỏ tình thương của Ngài như tình thương của một người cha và một người mẹ cảm động đến tận thâm tâm vì người con mình. […] Lòng thương xót đến từ thẳm sâu tâm hồn như một tình cảm sâu đậm, tự nhiên, đầy dịu dàng và cảm thương, nhân nhượng và tha thứ” (Misericordiae Vultus, 61).
Tân Ước nói với chúng ta về lòng thương xót của Chúa (eleos) như tổng hợp “công trình mà Chúa Giêsu đã đến để thực hiện trong trần thế nhân danh Chúa Cha” (Xc Mt 9,13). Lòng thương xót của Chúa chúng ta được biểu lộ trên hết khi Ngài cúi mình trên sự lầm than của con người và chứng tỏ sự cảm thương của Ngài đối với người cần được cảm thông, chữa lành và tha thứ. Trong Chúa Giêsu tất cả đều nói về lòng thương xót. Đúng hơn, chính Chúa là lòng thương xót. Trong chương 15 của Tin Mừng Luca, chúng ta có thể thấy 3 dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn đồng tiền bị mất, và dụ ngôn được biết đến như “dụ ngôn người con trai hoang đàng”. Trong 3 dụ ngôn ấy, điều gây ấn tượng mạnh cho chúng ta là niềm vui của Thiên Chúa, niềm vui mà Ngài cảm thấy khi tìm lại một người tội lỗi và tha thứ cho họ. Đúng vậy, niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ! Ở đây có tổng hợp toàn thể Tin Mừng. “Mỗi người chúng ta là con chiên lạc, là đồng tiền bị mất; mỗi người chúng ta là người con trai hoang đàng đã làm hư mất tự do của mình “khi theo những thần tượng giả dối, những ảo ảnh hạnh phúc, và đã mất tất cả. Nhưng Thiên Chúa không quên chúng ta, Chúa Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài là người cha kiên nhẫn, luôn chờ đợi chúng ta! Ngài tôn trọng tự do của chúng ta, nhưng luôn trung tín. Và khi chúng ta trở về cùng Ngài, Ngài đón nhận chúng ta như những người con, trong nhà Ngài, vì không bao giờ Ngài ngừng chờ đợi chúng ta với tình yêu thương, dù là một lúc. Và con tim của Ngài vui mừng vì mỗi người con trở về. Con tim Ngài mừng rỡ vì Ngài hân hoan. Thiên Chúa có niềm vui ấy, khi một trong chúng ta là những kẻ tội lỗi đến cùng Ngài và xin lỗi” (Angelus 15-9-2013).
Lòng thương xót của Thiên Chúa rất cụ thể và tất cả chúng ta được kêu gọi đích thân cảm nghiệm. Khi tôi 17 tuổi, một hôm phải đi với các bạn, tôi đã quyết định ghé vào một nhà thờ trước. Tại đó tôi đã thấy một linh mục mở tâm hồn tôi trong tòa giải tội. Cuộc gặp gỡ ấy đã thay đổi đời tôi! Tôi đã khám phá thấy rằng khi chúng ta cởi mở tâm hồn với lòng khiêm tốn và minh bạch, chúng ta có thể chiêm ngắm cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi đã xác tín rằng nơi con người của vị linh mục ấy, Thiên Chúa đang chờ đợi tôi, trước khi tôi đi bước đầu để đến nhà thờ. Chúng ta tìm Chúa, nhưng chính Chúa luôn đi trước chúng ta, Ngài luôn tìm kiếm chúng ta, và thấy chúng ta trước. Có lẽ có người trong chúng ta có một gánh nặng trong tâm hồn và nghĩ: tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều kia. Các bạn đừng sợ! Chúa đang chờ đợi các bạn! Chúa là Cha, Ngài luôn chờ đợi chúng ta! Thật là đẹp dường nào khi gặp trong bí tích hòa giải vòng tay thương xót của Chúa Cha, khám phá tòa giải tội như nơi chốn của lòng Thương Xót, để cho mình được tình thương từ bi của Chúa đánh động, Đấng luôn tha thứ cho chúng ta!
Còn bạn, hỡi người bạn trẻ, nam và nữ, bạn chẳng bao giờ thấy cái nhìn yêu thương vô biên đặt trên bạn sao, cái nhìn yêu thương vượt lên trên mọi tội lỗi, giới hạn, thất bại của bạn, và tiếp tục tín nhiệm bạn và nhìn cuộc sống của bạn với niềm hy vọng sao? Bạn có ý thức về giá trị của bạn trước mặt một Thiên Chúa, vì yêu thương, đã ban cho bạn tất cả sao? Như thánh Phaolô đã dạy chúng ta, “Thiên Chúa chúng tỏ tình thương của Ngài đối với chúng ta qua sự kiện, khi chúng ta còn là ngừơi tội lỗi, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Nhưng chúng ta có thực sự hiểu sức mạnh của những lời ấy không? Tôi biết thánh giá Giới Trẻ thật là quí giá đối với các bạn, thánh giá này là món qua của thánh Gioan Phaolô 2 và ngay từ năm 1984 đã tháp tùng tất cả cuộc gặp gỡ thế giới của các bạn. Bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu cuộc hoán cải chân thành và đích thực đã nảy sinh trong cuộc sống của bao nhiêu bạn trẻ từ cuộc gặp gỡ với thánh giá trơ trụi ấy! Đây là câu trả lời: thánh giá là dấu chỉ hùng hồn nhất về lòng thương xót của Thiên Chúa! Thánh gia làm chứng cho chúng ta về mức độ tình thương của Thiên Chúa đối với “nhân loại là yêu thương vô biên! Trong thánh giá, chúng ta có thể động chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa và để cho mình được chính lòng thương xót động chạm đến! Ở đây tôi muốn nhắc đến giai thoại 2 kẻ bất lương bị đóng đanh cạnh Chúa Giêsu: một người ngạo mạn, không nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, chế nhạo Chúa. Trái lại người khác nhìn nhận mình đã lầm lỗi, ngỏ lời với Chúa và nói: “Lạy Đức Giêsu, xin nhớ đến con khi Ngài vào trong Nước của Ngài. Chúa Giêsu nhìn ông ta với lòng thương xót vô biên và trả lời ông: “Ngày hôm nay, anh sẽ được ở cùng tôi trên thiên đàng” (Xc Lc 23,32.39-43). Chúng ta đồng hóa mình với ai trong hai người ấy? Với kẻ ngạo mạn và không nhìn nhận lỗi lầm của mình ư? Hay là với người kia, nhìn nhận mình cần lòng thương xót của Chúa và khẩn cầu với tất cả tâm hồn? Nơi Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta trên thánh giá, chúng ta luôn tìm được tình yêu vô điều kiện, nhìn nhận cuộc sống chúng ta như một thiện ích và luôn ban cho chúng ta cơ hội bắt đầu lại.
3. Niềm vui đặc biệt được là dụng cụ lòng thương xót của Chúa
Lời Chúa dạy chúng ta rằng “Cho đi thì phúc hơn là nhận lãnh” (Cv 20,35). Chính vì lý do đó, Mối Phúc thứ 5 tuyên bố: phúc cho những người có lòng thương xót. Chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta trước. Nhưng chúng ta chỉ thực sự có phúc, hạnh phúc, nếu chúng ta đi vào lý luận của Thiên Chúa về việc trao tặng, theo tiêu chuẩn tình yêu nhưng không, nếu chúng ta khám phá rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta vô biên để làm cho chúng ta có thể yêu mến như Ngài, vô giới hạn. Như thánh Gioan đã nói: “Hỡi các con rất quí mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu là bởi Thiên Chúa: ai yêu thương, thì được sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Ai không yêu mến, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. [..] Tình yêu hệ tại điều này: không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và đã sai Con của Ngài như hy tế đền tội cho chúng ta. Hỡi các con rất quí mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, cả chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4,7-11).
Sau khi đã giải thích một cách rất tóm tắt cách thức Thiên Chúa thực thi lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta, tôi muốn đề nghị với các bạn cách thức cụ thể để chúng ta có thể trở thành dụng cụ của lòng thương xót của Chúa đối với tha nhân.
Tôi nghĩ đến gương của chân phước Piergiorgio Frassati. Người đã nói: “Chúa Giêsu viếng thăm tôi mỗi buổi sáng trong khi rước lễ, tôi viếng thăm đáp lễ Ngài một cách nghèo nàn mà tôi có thể, khi viếng thăm những người nghèo”. Piergiorgio là một người trẻ đã hiểu thế nào là có một con tim từ bi, nhạy cảm đối với những người túng thiếu nhất. Người trao tặng họ hơn cả những điều vật chất; Người tặng họ chính bản thân mình, dành cho họ thời giờ, lời nói, khả năng lắng nghe. Piergiorgio phục vụ người nghèo một cách rất kín đáo, không bao giờ tỏ cho người khác thấy. Người sống thực lời dạy của Phúc Âm: “Trong khi con làm phúc, tay trái đừng biết việc tay phải của con làm, để việc làm phúc của con ở trong vòng kín đáo” (Mt 6,3-4). Các bạn hãy nghĩ rằng một ngày trước khi qua đời, vì bị bệnh nặng, Piergiorgio còn căn dặn về cách thức giúp đỡ những người bạn nghèo túng của mình. Trong lễ an táng, thân nhân và các bạn hữu kinh ngạc vì thấy sự hiện diện của bao nhiêu người nghèo mà họ không biết, những người nghèo ấy đã được thanh niên Piergiorgio quan tâm và giúp đỡ.
Tôi luôn thích liên kết các Mối Phúc của Tin Mừng với chương thứ 25 của Phúc Âm theo thánh Mathêu, khi Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta những công việc từ bi và nói rằng chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên các công việc ấy. Vì thế tôi mời gọi các bạn hãy tái khám phá những công việc bác ái về thể lý: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ trần trụi y phục, đón tiếp những người ngoại kiều, giúp đỡ các bệnh nhân, viếng thăm những người bị cầm tù, chôn kẻ chết. Và chúng ta đừng quên những công việc bác ái tinh thần: khuyên bảo kẻ ngờ vực, giảng dạy kẻ dốt nát, cảnh giác kẻ có tội, an ủi kẻ sầu muộn, tha thứ những xúc phạm, kiên nhẫn chịu đựng những người làm phiền ta, cầu xin Chúa cho kẻ sống và kẻ chết. Như các bạn thấy, lòng từ bi thương xót không phải là thái độ xề xòa cái gì cũng tốt, và cũng chẳng phải là tình cảm ủy mị. Ở đây có một sự kiểm chứng xem chúng ta có phải là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hay không, chúng ta có đáng tín nhiệm trong tư cách là Kitô hữu trong thế giới ngày nay hay không?
Với các bạn trẻ là những người rất cụ thể, tôi đề nghị trong 7 tháng đầu của năm 2016, mỗi tháng các bạn hãy chọn một công việc từ bi bác ái thể lý và tinh thần để thực thi. Hãy để cho kinh nguyện của thánh nữ Faustina soi sáng, thánh nữ là tông đồ lòng thương xót của Chúa trong thời đại chúng ta ngày nay:
“Lạy Chúa, xin giúp con làm cho đôi mắt con trở nên từ bi, làm sao để con không bao giờ nuôi dưỡng ngờ vực và không xét đoán theo những vẻ bề ngoài, nhưng biết nhận ra điều đẹp đẽ trong tâm hồn tha nhân và trợ giúp họ (..).
Xin làm cho thính giác của con từ bi, để con cúi mình trên những nhu cầu của tha nhân, cho đôi tai con không dửng dưng đối với những đau khổ và tiếng rên xiết của tha nhân (..)
Xin làm cho lưỡi con được từ bi và không bao giờ nói xấu người khác, nhưng có một lời an ủi và tha thứ đối với mỗi người (…).
Xin làm cho đôi tay con từ bi và đầy những hành động tốt (..) cho đôi chân con từ bi, để con luôn chạy đến giúp đỡ tha nhân, chiến thắng sự lười biếng và mệt mỏi của con (…)
Xin làm cho tâm hồn con từ bi, để con tham phần vào mọi đau khổ của tha nhân (Nhật ký 163).
Vì thế sứ điệp Lòng thương xót của Chúa trở thành một chương trình sống rất cụ thể và yêu sách, vì bao hàm những công việc. Và một trong những công việc từ bi hiển nhiên nhất, nhưng có lẽ thuộc vào số những việc khó thực hành nhất, đó là tha thứ cho người đã xúc phạm tới chúng ta, người ta gây điều ác cho chúng ta, những người mà chúng ta coi là kẻ thù. “Bao nhiêu lần tha thứ dường như là điều khó khăn dường nào! Nhưng tha thứ chính là dụng cụ được đặt trong bàn tay yếu đuối của chúng ta để đạt tới sự thanh thản trong tâm hồn. Từ bỏ sự oán hận, giận dữ, bạo lực và trả thù, chính là những điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc” Dung mạo thương xót, 9).
Tôi gặp bao nhiêu người trẻ nói mình mệt mỏi vì thế giới đang chia rẽ dường nào, trong đó các phe đụng độ nhau, bao nhiêu là chiến tranh, và có cả những kẻ dùng tôn giáo của mình để biện minh cho bạo lực. Chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta được từ bi thương xót với những kẻ làm điều ác cho chúng ta. Như Chúa Giêsu trên thánh giá đã cầu nguyện cho những kẻ đã đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Con đường duy nhất để chiến thắng sự ác chính là lòng từ bi thương xót. Công lý là cần thiết, nhưng tự nó không đủ. Công lý và từ bi phải đi song đôi với nhau. Tôi mong ước dường nào cho tất cả chúng ta được hiệp nhất trong một kinh nguyện chung, từ thâm tâm chúng ta, khẩn cầu xin Chúa thương xót chúng ta và toàn thế giới!
4. Cracovia đang chờ đợi chúng ta!
Chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Ba Lan. Cracovia, thành phố của thánh Gioan Phaolô 2 và thánh nữ Faustina Kowalska, đang chờ đợi chúng ta với vòng tay và con tim rộng mở. Tôi tin rằng Chúa Quan Phòng đã hướng dẫn chúng ta cử hành Năm Thánh giới trẻ tại đó, nơi hai vị đại tông đồ lòng thương xót của Chúa thời nay đã sống. Đức Gioan Phaolô 2 đã trực giác thấy rằng đây là thời đại của lòng thương xót. Vào đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài, ngài đã viết thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng xót thương”. Trong Năm Thánh 2000, ngài đã phong thánh cho nữ tu Faustina, và thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa, vào chúa nhật thứ hai Phục Sinh. Và năm 2002, ngài đã đích thân khánh thành tại Cracovia Đền thánh Chúa Giêsu Thương xót, phó thác thế giới cho lòng Thương Xót của Chúa và cầu mong sứ điệp này đi tới tất cả mọi người trên trái đất và được tràn đầy niềm hy vọng trong tâm hồn. Cần thông truyền cho thế giới ngọn lửa thương xót ấy. Trong lòng thương xót của Chúa, thế giới sẽ tìm được an bình, và con người tìm được hạnh phúc!” (Bài giảng lễ cung hiến Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa ở Cracovia, 17-8-2002).
Các bạn trẻ rất thân mến, Chúa Giêsu thương xót, được họa trong bức ảnh mà dân Chúa tôn kính ở Đền thánh Cracovia dâng kính Ngài, đang chờ đợi các bạn. Chúa tín nhiệm và chờ đợi các bạn! Chúa có bao nhiêu là điều quan trọng để nói với mỗi người các bạn.. Đừng sợ ngắm nhìn đôi mắt đầy tình thương vô biên của Ngài đối với các bạn và hãy để cho cái nhìn thương xót của Chúa đi tới các bạn, Người sẵn sàng tha thứ tội lỗi của các bạn, một cái nhìn có khả năng thay đổi cuộc đời của các bạn và chữa lành những vết thương trong tâm hồn các bạn, một cái nhìn thỏa mãn khát vọng sâu xa trong tâm hồn trẻ trung của các bạn:
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!”. Các bạn hãy để cho lòng thương xót vô biên của Chúa đánh động để trở thành những tông đồ của lòng thương xót qua các công việc, lời nói và kinh nguyện, trong thế giới chúng ta bị thương vì lòng ích kỷ, oán thù và bao nhiêu điều tuyệt vọng. Hãy mang ngọn lửa tình thương xót của Chúa Kitô mà thánh Gioan Phaolô 2 đã nói, vào trong các môi trường đời sống thường nhật của các bạn và cho đến tận bờ cõi trái đất. Trong sứ mạng này, tôi tháp tùng các bạn bằng những lời cầu chúc và kinh nguyện, tôi phó thác tất cả các bạn cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Từ Bi thương xót, trong giai đoạn chót của hành trình chuẩn bị tinh thần cho Ngày Quốc Tế giới trẻ sắp tới tại Cracovia. Tôi thành tâm chúc lành cho tất cả các bạn.
Vatican ngày 15 tháng 8 năm 2015
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời
Phanxicô
Nguồn vietvatican | G. Trần Đức Anh OP, dịch từ nguyên bản tiếng Ý