Lời Chúa: Lc 24, 35-48
Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
BÌNH AN CHO ANH EM
Chúa Giêsu nói: “Bình an cho anh em” (Lc 24, 36)
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta luôn phải đối diện với sự sợ hãi từ nhiều hoàn cảnh làm tác động đến tâm lý: trước một sự nguy hiểm mà chúng ta gặp phải hay một mối nguy chúng ta được cảnh báo như thiên tai, động đất, sóng thần, chiến tranh… Có khi chúng ta hoang mang vì sợ bị thất bại, vì lo lắng những chuyện không vui, thiếu may mắn và nguy hiểm sẽ xảy ra trong tương lai cho bản thân hoặc gia đình. Nguyên nhân của vấn đề khiến cho chúng ta như vậy là do chúng ta không có bình an thực sự trong tâm hồn.
Hôm nay, Tin Mừng thánh Luca trình thuật nỗi sợ hãi bao trùm lên các Tông đồ, mặc dù các ông đang được hai môn đệ trên đường Emmaus trở về báo tin Chúa Giêsu đã sống lại và đã hiện ra với các ông. Ngay lúc đó, Đức Giêsu đã hiện ra, đứng giữa các ông và lời đầu tiên Ngài ban cho các ông là: “Bình an cho anh em”. Đây là lời trấn an, sau hàng loạt những ngày đen tối trong lo âu sợ hãi. Khi ban bình an cho các ông, Đức Giêsu muốn gạt đi nơi họ lòng sợ hãi, sự ngờ vực đến thất vọng, khơi gợi lên trong lòng họ niềm tin và sự gắn bó với sứ vụ mà Ngài sắp trao phó. Đức Giêsu đã khai mở lòng trí để họ nhớ lại những đoạn Kinh Thánh đã nói trước về Ngài cũng như sứ vụ cứu chuộc mà Ngài đã thi hành. Đến đây, các ông xác tín chính là Thầy mình đang hiện diện ở giữa họ, nên họ vui mừng khôn tả. Chính niềm vui và bình an của Chúa phục sinh đã làm cho các môn đệ quên hết sợ hãi và lo lắng. Nhờ thế, các ông đã sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, bất chấp mọi gươm đao hay đầu rơi máu đổ. Hơn nữa, các ngài còn coi những đau khổ đó là phần thưởng Chúa ban. Điều này đã được sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại: “Chúng tôi vui mừng hân hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô” (Cv 5, 41).
Là Kitô hữu, chúng ta tin Đức Kitô là Thiên Chúa làm Người, đã chịu chết, sống lại để cứu độ chúng ta. Tuy nhiên, niềm tin của chúng ta thường rất non yếu. Rất nhiều lần, ta không cảm nhận sự hiện diện của Chúa Phục sinh ở giữa chúng ta. Biết bao lần chúng ta được chạm đến Chúa, được rước Người vào lòng; vậy mà thử hỏi ta đã ý thức thực sự Chúa phục sinh vẫn đang hiện diện và ở cùng chúng ta không? Vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện nên khi gặp khó khăn trong cuộc sống và trong sứ vụ, ta dễ chán nản; vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện, nên ta cũng chẳng mạnh dạn làm chứng về Chúa Phục sinh cho người khác! Xin Chúa Phục Sinh đến với mỗi gia đình, giáo xứ, cộng đoàn. Chính Ngài hướng dẫn, đem bình an hạnh phúc và làm nên sự hiệp nhất cho chúng ta. “Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con” (Ga 14,27).
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin loại bỏ trong chúng con nỗi sợ hãi hoang mang. Đồng thời, xin ban bình an của Chúa xuống cho chúng con, xin cho chúng con sau khi đã đón nhận được bình an của Chúa thì cũng biết chia sẻ bình an đó cho anh chị em. Amen