Thứ Bảy Tuần VII Mùa Thường Niên – Ngày 29/02/2025

Lời Chúa: Mc 10,13-16

Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

 

VÂNG PHỤC TRONG TÂM HỒN TRẺ THƠ

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15).

Thiên Chúa tạo dựng con người để cuối cùng họ được cứu độ, nghĩa là được hưởng Nước Thiên Chúa. Trong tình huống các môn đệ ngăn cản người ta đưa các trẻ em đến để được Chúa chúc lành, Chúa Giêsu đã đưa ra “vé vào Nước Thiên Chúa” là tâm hồn trẻ thơ.

Con người sẽ không thể hóa thành trẻ nhỏ bằng cách khứ hồi về tuổi thơ. Người ta cũng không thể trưởng thành nhưng lại cư xử như trẻ con khi buông thả theo cảm xúc phi lý trí. Hơn nữa, Nước Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ nhưng tất cả mọi người “đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em” đều có thể vào. Trong tâm hồn phong phú của trẻ thơ, một phẩm chất quan trọng là sự vâng lời bởi tin tưởng vào cha mẹ của chúng. Ta thấy sự tương ứng này trong Nước Trời, Thiên Chúa là chủ tể và các công dân đều vâng phục thánh ý Ngài trong tình con thảo. Sự vâng phục này là sự hòa hợp đến đồng nhất. Nhưng dưới đất, sự hòa hợp này là một cuộc giằng co giữa ý riêng và lòng vâng phục thánh ý. Thật vậy, sự gãy đổ trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng từ sự bất tuân mà ra. Sự “cứng lòng, cứng cổ” không vắng bóng trong lịch sử của dân riêng Thiên Chúa. Cách riêng, trong chương 10 của Tin Mừng theo thánh Macco, nhiều nghịch ý được ghi nhận như ly dị hay bất khả phân ly (x. Mc 10,1-12), tự cứu độ hay ân sủng của Thiên Chúa (x. Mc 10,17-27), phục vụ hay được phục vụ (x. Mc 10,35-45), … Việc Chúa Giêsu điều chỉnh hành vi ngăn cấm trẻ nhỏ của các môn đệ là hình ảnh của lời mời gọi ý muốn nhân loại thích ứng với ý muốn của Thiên Chúa. Kết quả của sự hòa hợp này là phúc lành của Thiên Chúa được trao ban cho con người: Chúa Giêsu đặt tay chúc lành cho các trẻ nhỏ. Mặc dầu, ý muốn của Thiên Chúa là nền tảng và lợi ích cho nhân loại, nhưng để có sự hòa hợp là cả một thách đố lớn, thậm chí với Chúa Giêsu. “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

Với con người chúng ta, luôn có một cám dỗ tách rời khỏi Thiên Chúa. Chúng ta ước muốn trở thành “người lớn”, nghĩa là muốn làm “thiên chúa” mà không cần Thiên Chúa: Chỉ khi ý muốn riêng của con người không tùng phục một ý muốn nào khác thì con người mới tự do phát triển. Lúc “không còn” Thiên Chúa thì bất cứ điều gì đều có thể xảy ra. Nhưng với cách nghĩ và lối sống này, chúng ta lại càng bị đẩy vào sợ hãi, lo âu, đau khổ hơn vì cố xây đắp và hy vọng vào một “nước trời” trên nền của sự phóng túng của những sở thích cá nhân. Tựa đề một cuốn sách và là một câu hỏi giúp định hướng lại suy nghĩ và lối sống cho chúng ta: “bạn có đủ yếu đuối để theo Chúa Giêsu?” Nếu chỉ với nỗ lực và ý chí của mình, chúng ta không thể lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện. Chúng ta cần tái khẳng định và kết nối lại mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa bởi nếu không có Người chúng ta sẽ tan biến. Hơn nữa, trong Chúa Giêsu, chúng ta luôn là những người con nhỏ bé được Chúa Cha rất mực yêu thương. Và khía cạnh cao quý nơi phẩm giá của chúng ta là tự nguyện nhìn nhận tình yêu và phó thác mình trong tay Thiên Chúa khi tìm kiếm và vâng theo ý Người trong tình con thảo.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin uốn nắn tâm hồn chúng con nên giống tâm hồn con thảo của Chúa Giêsu để chúng con được mạnh mẽ đón nhận và sống tinh thần “xin cho ý Cha được thể hiện”. Nhờ đó, chúng con được phúc lành tham dự trước Nước Trời và mai sau sẽ được vĩnh cư hoàn toàn. Amen.

 

Comments are closed.