Lời Chúa: Mt 1, 1-17
Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;
A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy
Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít.
Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh
A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các
anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Babylon.
Sau thời lưu đày ở Babylon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;
Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Giac-óp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.
Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.
GIA PHẢ ĐỨC TIN
Câu ý lực: “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu ông Ápraham”. (Lc 6,31)
Gia phả Chúa Giêsu là một chủ đề quan trọng được ghi lại trong Kinh Thánh, không chỉ đơn thuần là một một danh sách các tên tuổi thuộc phả hệ của Chúa Giêsu, mà còn mang trong mình những ý nghĩa sâu sắc về dân tộc, lịch sử và thần học.
Trong xã hội Do Thái cổ đại, gia phả giữ một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ chứng minh về dòng dõi và quyền thừa kế, mà còn khẳng định vị trí xã hội và tôn giáo của một cá nhân. Gia phả Chúa Giêsu được ghi lại trong Tin mừng Mátthêu (Mt 1, 1-17) và Luca (Lc 3, 23-38) không chỉ để xác nhận nguồn gốc của Chúa Giêsu từ dòng dõi Abraham và Đavít, mà còn nhằm củng cố niềm tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia được sai đến theo lời hứa của Thiên Chúa: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11,1). Ngay từ câu đầu trong tin mừng Matthêu thuật lại rằng: “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu ông Ápraham”
(Lc 6,31). Gia phả của Chúa Giêsu nối kết Người với dòng dõi vua Đavít để khẳng định lời hứa của Thiên Chúa về sự trường tồn của vương quốc Đavít. Gia phả ấy cũng nối kết Chúa Giêsu với Abraham, tổ phụ của dân Do Thái, khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Kế Vị giao ước của Thiên Chúa với Abraham về một dân tộc vĩ đại, tên tuổi được lẫy lừng và lời chúc phúc cho con cháu (St 12,1-3). Có một sự nối kết mạnh mẽ giữa Giao ước Abraham và Giao ước Đavít, đó là lời hứa của Thiên Chúa về một tên tuổi lừng lẫy cho Abraham – nó có nghĩa là vương triều – giờ đây được hoàn thành nơi “dòng dõi” của ông, là Đavít. Nội dung của giao ước với Đavít liên quan đến lời hứa về một người con và về người thừa kế sẽ tiếp tục triều đại của Đavít. Và “dòng dõi” của Abraham và “dòng dõi” của Đavít đều kết thúc cùng chung Một Người. Người đó sẽ không hề chết, trị vì trên ngai vĩnh cửu, và xây một đền thờ cho Thiên Chúa, một đền thờ sẽ trường tồn mãi mãi. Người đó chính là Đức Giêsu (Mt 1,1), và chỉ mình Đức Giêsu mời thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với Đavít: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt của Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7,16).
Gia phả Chúa Giêsu không chỉ có ý nghĩa thần học mà còn tác động mạnh mẽ đến đời sống tâm hồn của các tín hữu. Khi đọc gia phả, chúng ta cảm nhận được sự nối kết giữa quá khứ dẫn tới hiện tại, cảm nhận được mối liên hệ với các tổ phụ, những người đã sống và là tấm gương về cách họ lãnh nhận lời hứa của Thiên Chúa và sống điều đó. Gia phả đó có những người thánh thiện bên cạnh những người tội lỗi; và ngay cả con người đó cũng có những điều thánh thiện và những điều thiếu xót. Chúng ta sẽ không thấy gương mặt của chúng ta nếu gia phả của Đức Giêsu chỉ toàn những con người hoàn hảo. Điều đó muốn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa cứu chuộc mọi người, và cả những người thánh thiện lẫn tội lỗi đều được cộng tác với công cuộc của Thiên Chúa. Bởi ơn cứu rỗi là ơn nhưng không Chúa ban cho con người, không do công trạng của con người. Chúa kêu gọi, chọn và yêu thương tất cả chúng ta.
Chính mỗi người chúng ta cũng thuộc về gia phả Chúa Giêsu, gia phả của đức tin, và trách nhiệm của chúng ta là phải gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau. Xin cho mỗi chúng ta luôn sống đức tin của mình cách sống động, và lan rộng niềm tin đó đến mọi người. Amen.