Lời Chúa: Mt 21, 23-27
Khi ấy Chúa Giêsu vào đền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này. Ai đã ban quyền ấy cho ông.”
Chúa Giêsu trả lời: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó: ‘Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có, bởi trời hay bởi người ta.’”
Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: ‘vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy.’ Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri.”
Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không được biết.”
Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó.”
KHIÊM TỐN ĐỂ ĐƯỢC CHÚA TỎ MÌNH
“Chúng tôi không được biết” (Mt 21,27)
Một cái ly đã đầy nước thì không thể đổ thêm nước vào được nữa. Nước sẽ tràn và việc đổ nước đó cũng trở nên vô nghĩa. Tâm trí con người chúng ta cũng không ngoại lệ. Khi tâm trí của chúng ta đã bão hòa, đã khép kín thì dù người khác có nói gì chăng nữa cũng giống như “nước đổ lá khoai”, hay “đàn gảy tai trâu” mà thôi.
Bài Tin Mừng hôm nay miêu tả về cuộc đối thoại giữa các thượng tế và kỳ lão với Đức Giêsu. Họ đến gặp Đức Giêsu để hỏi về quyền bính của Người: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này. Ai đã ban quyền ấy cho ông” (Mt 21,23). Điều đáng nói là các ông đến hỏi nhưng không phải xuất phát từ thiện chí muốn được biết. Quả thực, câu hỏi của Chúa Giêsu sau đó đã đánh trực tiếp vào ý định của họ: “Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có, bởi trời hay bởi người ta” (Mt 21,25). Thánh sử Mátthêu đã phân tích rõ suy nghĩ của các thượng tế và kỳ lão. Điều này cho thấy các ông biết câu trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu, nhưng các ông lại lẩn tránh bằng cách trả lời rằng: “Chúng tôi không được biết” (Mt 21,27). Thái độ lẩn tránh này cho thấy các ông không muốn nhìn nhận sự thật.
Lần giở những trang Tin Mừng trước đó, hành động của Đức Giêsu khiến các thượng tế và kỳ lão chất vấn về quyền bính của Người là việc Đức Giêsu đã “đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu” (Mt 12,12). Sau đó, Tin Mừng Gioan miêu tả rõ hơn với câu nói của Đức Giêsu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Câu nói này đã cho thấy quyền năng của Đức Giêsu đến từ Chúa Cha. Và sự thực là đúng như vậy. Bằng chứng là sau đó Mátthêu cho thấy Đức Giêsu đã chữa lành những kẻ mù lòa, què quặt (x. Mt 21,14). Chỉ có quyền năng đến từ Thiên Chúa mới có thể chữa lành những bệnh tật do ma quỷ gây ra. Như vậy, câu hỏi của các thượng tế và kỳ lão có vẻ dư thừa, chỉ là các ông không có đủ khiêm tốn để xóa bỏ những định kiến mà đón nhận những gì chân thật.
Có khi nào chúng ta cầu nguyện cùng Chúa Giêsu với thái độ như các thượng tế và kỳ lão hôm nay không? Một thái độ chất vấn thiếu thiện chí. Hoặc có khi nào chúng ta đến với Chúa nhưng vẫn lẩn tránh điều gì đó và không muốn Chúa biết về nó không? Bởi vì nếu nghĩ về nó ta phải sắp xếp lại cuộc sống, phải từ bỏ những thói quen hiện tại.
Chỉ với thái độ khiêm tốn, con người mới có thể đón nhận được những ý định của Chúa. Thiên Chúa là Cha thường tỏ mình ra cho những ai có đủ khiêm tốn. Vì “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).
Mỗi khi đến với Chúa, xin Chúa giúp chúng ta biết làm rỗng chiếc ly là con người chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thêm không gian chứa đựng những ý định của Chúa. Đặc biệt hơn, chúng ta có thể chứa đựng chính Chúa là cùng đích và nguồn sống của chúng ta. Có như thế, chúng ta mới đi đúng hướng và đời sống ta mới tốt đẹp hơn.