MỘT GIÁO HỘI BIẾT KHÓC
Tiếng khóc – âm thanh đầu tiên vang lên khi một con người chào đời, cũng là tiếng nói sâu thẳm của cảm xúc, phản chiếu mọi trạng thái tâm hồn. Tiếng khóc không chỉ là sự giải tỏa cảm xúc, mà còn là sợi dây kết nối trái tim con người, giúp chúng ta cảm nhận và sẻ chia với nhau trong cuộc đời đầy sắc màu. Trong tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có viết: “Hãy là một Giáo Hội biết khóc. Giáo Hội là mẹ không thể không thấy những khó khăn của con cái mình trong đời sống gia đình. Nếu không biết khóc, Giáo Hội không phải là mẹ. Khóc cũng diễn tả lòng thương xót và nhân từ. Nếu nước mắt các con không đến, các con hãy cầu xin Chúa ban cho các con ơn có thể khóc cho những đau khổ của kẻ khác. Một khi các con có thể khóc, thì các con sẽ có thể giúp người khác tự tận đáy lòng”[1]. Theo lời mời gọi của Giáo Hội “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15), chủng sinh lớp thần học III, muốn cụ thể hoá tinh thần yêu thương- hiệp thông với những anh chị em tân tòng, di dân, bệnh tật, khổ đau… trong những ngày mục vụ Chúa Nhật. Chúng tôi chọn cách gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ trong chính hoàn cảnh sống của mỗi người. Cuộc gặp gỡ ấy không chỉ là một hoạt động bác ái đơn thuần, mà còn là một cơ hội để chúng tôi cảm nghiệm sâu sắc về một Giáo hội biết khóc – một Giáo hội biết đồng cảm, sẻ chia và mang trong mình trái tim của Chúa Kitô.
Theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha, tiếng khóc của Giáo hội không phải là âm vang sự yếu mềm, mà là sức mạnh của tình yêu biết cúi xuống, lắng nghe và ôm lấy nỗi đau của nhân loại. Là một thân thể sống động của Đức Kitô, Giáo hội không thể đứng yên trước những khổ đau và bất công đang diễn ra trong thế giới này. Tiếng khóc đó là tiếng nói của sự đồng cảm, tiếng nói của tình yêu và cũng là tiếng nói của niềm hy vọng.
Chúng tôi có dịp đi vào trong các khu nhà trọ, nơi đây có những người di dân nghèo khổ, xa gia đình, xa quê hương lại mang trong mình nỗi đau bệnh tật. Họ phải chắt chiu từng đồng để nuôi sống gia đình và nuôi hy vọng về một ngày có thể được chữa lành. Một lần, một người mẹ đã kể với chúng tôi về những vất vả khi phải gồng gánh công việc nặng nhọc, trong khi phải kiếm tiền để chữa căn bệnh hiểm nghèo của con trai. Thế nhưng, nhờ sự nâng đỡ tận tình từ giáo xứ, những lời động viên của cha xứ và các đoàn thể, chị đã tìm thấy sức mạnh để tiếp tục chiến đấu và vượt qua những ngày tháng cam go.
Qua chuyến đi này, chúng tôi thấm thía rằng một Giáo hội biết khóc chính là một Giáo hội sống động, một bừng sáng tinh thần Tin Mừng. Đó là một Giáo hội tràn đầy tình yêu thương, luôn đồng hành với những ai đau khổ, nâng đỡ những ai yếu đuối. Một Giáo hội biết khóc không chỉ biểu lộ lòng thương xót sâu sắc, mà còn là nguồn động lực thôi thúc chúng ta chung tay dựng xây một thế giới mới, nơi tình yêu và niềm vui của Chúa Kitô tỏa rạng khắp muôn nơi.
Chúng tôi cũng có dịp đến chào thăm các gia đình khô khan, nguội lạnh. Qua những lời tâm sự, chúng tôi thấy rõ những gánh nặng mưu sinh, những lo toan thường nhật đã khiến họ xa rời Chúa. Tuy nhiên, ngay trong những hoàn cảnh ấy, chúng tôi vẫn cảm nhận được ánh sáng hy vọng, dù nhỏ bé nhưng vẫn đang le lói trong lòng họ. Họ chia sẻ với chúng tôi rằng, qua chúng tôi, họ được yêu thương và nhờ đó họ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa. Họ đã hứa với chúng tôi rằng sẽ giao hòa và trở lại với Chúa ngay từ hôm nay. Chúng tôi cùng họ dâng lên những lời kinh, xin Chúa ở cùng và gìn giữ gia đình. Chúng tôi cũng nhận ra rằng Giáo hội không bao giờ bỏ rơi bất kỳ ai – dù đó là người di dân lạ lẫm, dù đó là gia đình dự tòng chập chững bước vào đời sống đức tin, hay những gia đình đang phải chiến đấu với sóng gió cuộc đời.
Trở về mái trường chủng viện, tâm hồn chúng tôi tràn ngập bình an và niềm vui. Chúng tôi nhận ra rằng, mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi để trở thành một phần của Giáo hội biết khóc – một Giáo hội biết yêu thương vô điều kiện. Giờ đây, chúng tôi hiểu rằng nước mắt không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là biểu hiện của một tình yêu đủ lớn để dám dấn thân vào nỗi đau của tha nhân. Chúa đã khóc vì yêu thương nhân loại, thì lẽ nào chúng ta, những môn đệ của Ngài, lại không dám rơi lệ để yêu thương và sẻ chia với anh em mình?
Phêrô Phan Hoàng Tuấn
Lớp Thần học III – Khoá XIV
[1] X. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Christus Vivit, số 75, 76