BÀI CẢM NHẬN MỤC VỤ THÁNG 12/2024 – LỚP THẦN HỌC I – KHOÁ XVI

NGƯỜI CHỦNG SINH LÀ CẦU NỐI YÊU THƯƠNG

 

Dẫn nhập:

Cuộc sống hiện đại với những bộn bề lo toan khiến nhiều người phải rời xa quê hương, tìm đến những vùng đất mới để mưu sinh. Trong hành trình đó, di dân thường đối mặt với vô số khó khăn: cô đơn, lạc lõng, thiếu thốn tình thương và đôi khi là mất phương hướng trong đời sống tinh thần. Xin ghi lại vài kinh nghiệm mà tôi đi mục vụ di dân, để nhận thấy tình Chúa, tình người vẫn luôn đong đầy trên từng nhịp bước chân tôi. 

Hành trình mục vụ ngày Chúa nhật 

Mỗi Chúa nhật tôi đều đi mục vụ cùng với vài anh em trong lớp. Chúng tôi đi bên nhau trong sự hiệp thông chia sẻ, có khi nhắc nhau cẩn thận khi đi đường, đôi khi thinh lặng để đọc kinh, cầu nguyện cho những người mà hôm nay chúng tôi sẽ gặp gỡ. Tôi luôn cầu xin Chúa đi bên tôi, đồng hành với tôi cũng như xưa Chúa đồng hành với hai môn đệ trên đường đi Emmau. Trên đường đi, tôi thấy hiện thực sống động những cảnh đời cơ cực của những người mưu sinh trên phố, trên những chiếc xe honđa kéo; chất chứa đầy đồ ăn nhanh, thức uống hay những rau củ quả, trái cây, kèm theo là một cái loa rao hàng inh ỏi. Đi theo chiếc xe là những đứa trẻ lấm lem và gầy guộc có thể vì thiếu ăn, thiếu mặc. Trên nỗi cơ cực ấy liệu họ có được niềm vui khi phải chật vật với những nhu cầu của cuộc sống? Có khi tôi lặng lẽ đi qua và dâng lời cầu nguyện cho họ, khi thì mỉm cười, chia sẻ cái bánh, cây kẹo với các em nhỏ, và có khi chia sẻ cho họ bữa ăn của mình (vì là chủng sinh nên chúng tôi luôn đem cơm theo để ăn trưa)… dù ít ỏi nhưng tôi nhận được trên khuôn mặt họ lấp lánh niềm vui, họ vui không phải vì cái bụng đỡ đói nhưng vui vì nhận được tình người, sự quan tâm, trân trọng.

Kinh nghiệm thực tế, khi tôi đến với những gia đình di dân, người đơn côi… tôi mới thấy mình no đủ quá. Tôi thấy mình “mắc nợ”, hình như những gì tôi có được rút ra từ sự túng thiếu của bao người. Một hôm, tôi đến thăm một gia đình, đúng lúc họ đang ăn. Một ngôi nhà xụp xệ với một không gian nhỏ hẹp, chật chội, là nơi cư ngụ của một gia đình sáu người (Bà nội, ba mẹ và ba người con), chỉ đủ chỗ ăn và ngủ. Bữa ăn của họ sáu người mà chỉ ba con cá khá nhỏ, một chén nước mắm, và một nồi canh các loại rau không có tí thịt hay thứ gì khác… Khi tiếp đón chúng tôi, họ đã dành những gì tốt nhất chỉ vì chúng tôi là chủng sinh là người của Chúa. Tôi cảm nhận rằng: Chúa đã chịu thương tích để tôi được chữa lành, còn họ chịu thiếu thốn để tôi được no đủ. 

Cuộc sống của di dân, bức tranh hiện thực đầy xót xa

Hình ảnh những con người bỏ quê lên phố, hay từ những vùng nông thôn tìm đến các khu công nghiệp, thường gắn liền với những căn phòng trọ chật chội, những công việc vất vả, và đôi khi là những giấc mơ dở dang. Người di dân không chỉ đối mặt với sự thiếu thốn vật chất mà còn cả sự cô đơn tinh thần, khi họ phải sống xa gia đình và thường không có mối gắn kết chặt chẽ với cộng đồng xung quanh. 

Trong một lần cùng vài người trong hội Lê-gio của giáo xứ Bảo Quang (nơi tôi đi mục vụ ngày Chúa nhật), tôi đi thăm một gia đình công nhân di dân. Tôi đã có dịp trò chuyện với chị Hoa, một người mẹ nuôi chồng và nuôi hai con nhỏ. Chồng chị bệnh nặng, nằm một chỗ, chạy thận đã bảy năm nay. Chị làm việc trong một xưởng may, ngày làm mười hai tiếng, tối về còn tranh thủ nhận thêm việc gia công để kiếm thêm thu nhập. Hơn thế nữa, ngày Chúa nhật đúng là ngày nghỉ ngơi để lấy sức để tiếp tục cho công việc tuần mới, chị lại đi “bóc mít” thêm để kiếm thêm thu nhập cho chồng uống thuốc. Nhìn ánh mắt thâm quầng và đôi tay chai sạn của chị, tôi cảm nhận được sự hy sinh âm thầm, nhưng cũng đầy bất lực của một người mẹ mong muốn đem lại tương lai tốt đẹp hơn cho chồng và hai con của mình.

Câu chuyện của chị Hoa, làm tôi nhớ đến sứ mạng của Chúa Giêsu: Ngài đã không ngần ngại đến với những người đau khổ, yếu đuối, để sẻ chia gánh nặng của họ. Là một chủng sinh, tôi nhận ra rằng, chính sự hiện diện của mình, dù chỉ là một lời hỏi han, một nụ cười hay một lời cầu nguyện, cũng có thể trở thành món quà tinh thần vô giá cho những người như chị Hoa.

Sự đơn côi của những người già giữa lòng nhân loại

Trong chuyến viếng thăm một khu nhà trọ ở ngoại ô thành phố, tôi gặp ông Tân, một người đàn ông đã ngoài 70 tuổi. Ông sống một mình trong căn phòng trọ chưa đầy 10m², với tài sản chỉ là chiếc giường cũ kỹ, một cái tivi nhỏ, một cái tủ cổ kính, bộ bàn ghế đầy bụi bẩn, (có lẽ vì lâu rồi không có ai tới thăm non, ngồi bộ bàn ghế này uống nước trò chuyện cùng ông), và vài món đồ lặt vặt. Ông kể rằng con trai duy nhất đã rời quê đi làm ăn xa, lâu lắm rồi không liên lạc. “Thỉnh thoảng cha xứ có ghé thăm, cho ít gạo, nhưng tôi vẫn thấy trống trải lắm,” ông Tân tâm sự. Đôi mắt ông ánh lên sự buồn bã, nước mắt rơi trên gò má nhăn nheo, lòng đầy nghẹn ngào… nhưng cũng chứa đầy niềm mong mỏi.

Qua câu chuyện của ông Tân, tôi hiểu rằng sự cô đơn không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là vấn đề tinh thần. Người già như ông, xa gia đình, xa con cháu, rất cần một người để được sẻ chia, để an ủi khi tuổi đã xế chiều, và đặc biệt là những khi trời trở gió nếu bị ốm đau… Là một chủng sinh, tôi thấy mình cần trở thành nhịp cầu đưa họ trở lại với vòng tay yêu thương của Chúa và của cộng đoàn. Một lời kinh, một giờ trò chuyện hay thậm chí chỉ là sự hiện diện thinh lặng cũng có thể mang lại sự an ủi lớn lao cho những người như ông Tân.

Bài học từ những người nghèo khó

Khi gặp gỡ những người di dân, tôi nhận ra rằng họ không chỉ là những người cần được giúp đỡ, mà còn là những người thầy dạy tôi bài học về lòng kiên nhẫn, sự hy sinh và đức tin mạnh mẽ. Có lần, tôi được mời đến thăm gia đình anh Phi, một người công nhân phụ hồ, sống trong căn nhà trọ tạm bợ cùng vợ và bốn con nhỏ. Dù hoàn cảnh khó khăn, anh Phi vẫn giữ niềm tin mãnh liệt vào Chúa. Anh kể rằng mỗi buổi tối, dù mệt mỏi đến đâu, cả gia đình vẫn quây quần đọc kinh, lần chuỗi, dâng lên Chúa, lên Mẹ những nỗi lo toan và cả lòng biết ơn.

Qua câu chuyện của anh Phi, tôi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa giữa những thử thách khắc nghiệt. Những người như anh Phi dạy tôi rằng, niềm tin vào Thiên Chúa không phụ thuộc vào hoàn cảnh, mà chính từ những lúc khó khăn nhất, con người mới nhận ra sức mạnh của đức tin.

Sứ mạng của người chủng sinh trong hành trình thăm di dân

Những chuyến viếng thăm di dân không chỉ là cơ hội để tôi thực hiện sứ mạng mục vụ, mà còn giúp tôi khám phá ý nghĩa sâu sắc của ơn gọi. Là một người đang trên con đường trở thành linh mục, tôi nhận ra rằng việc thăm viếng không chỉ đơn thuần là một hành động bác ái, mà còn là một lời đáp lại tiếng gọi của Chúa: “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy.” Khi đối diện với những hoàn cảnh nghèo khó, tôi học cách nhìn thấy Chúa trong những con người đơn sơ, yếu đuối. Những lần cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau sẻ chia trở thành những khoảnh khắc thiêng liêng, giúp tôi cảm nghiệm rõ hơn sự hiện diện của Chúa giữa lòng cuộc sống.

Kết luận

Hành trình đi thăm di dân đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và bài học quý giá. Tôi không chỉ học cách lắng nghe, thấu hiểu mà còn biết trân trọng hơn những giá trị của đời sống ơn gọi. Qua những câu chuyện của người nghèo, người cô đơn… tôi nhận ra rằng, sứ mạng của người chủng sinh không dừng lại ở những lời giảng dạy, mà phải bắt đầu từ việc hiện diện và đồng hành. Người di dân, dù sống trong khó khăn hay thiếu thốn, vẫn là những chứng nhân sống động của niềm tin và lòng kiên cường. Chính họ đã khơi dậy nơi tôi lòng nhiệt huyết, để không ngừng cố gắng trở thành một mục tử nhân lành, một mục tử như lòng Chúa mong ước, mang tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người.

Giuse Phạm Thành Tâm

Lớp Thần Học I – Khóa XVI

Comments are closed.