HIỆP HÀNH TRÊN HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
Kể từ năm 2021 đến nay, chúng ta không còn xa lạ với từ ngữ “hiệp hành”. “Hiệp hành” xuất phát từ chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI là “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. “Hiệp hành” (synodality) hiểu là cùng nhau bước đi trên một con đường. Cụ thể, Giáo Hội là Dân Thiên Chúa cùng bước đi trên con đường Giêsu, với sự đồng hành của Chúa Thánh Thần. Tinh thần “hiệp hành” vẫn còn được lan toả trong Giáo Phận Xuân Lộc với chủ đề mục vụ năm 2024: “Giáo Hội Hiệp Hành Nhờ Lời Chúa Và Thánh Thể”. Hoà với tinh thần chung của Giáo Hội hoàn vũ cũng như tại Giáo Hội địa phương, chủng sinh lớp thần học III chúng tôi muốn cụ thể hoá tính “hiệp hành” trong những ngày mục vụ Chúa Nhật, với đối tượng là những anh chị em tân tòng và sinh viên công giáo. Nhìn chung những anh chị em này cùng một niềm tin và một phép rửa với chúng tôi, nghĩa là cùng thuộc về gia đình Hội Thánh. Tuy nhiên, đời sống đức tin của họ có những nét đặc thù về thời gian, công việc và môi trường sống. Vậy, để “hiệp hành” với họ trên hành trình đức tin, chúng tôi cảm thấy không thể thiếu sự gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ.
Thiết nghĩ, gặp gỡ là bước đi đầu tiên trong hành trình hiệp hành. Mỗi ngày Chúa Nhật đi mục vụ, chúng tôi như nghe văng vẳng bên tai lời mời gọi của thầy Giêsu chí thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Bên cạnh các giờ lớp tại chủng viện, những buổi mục vụ tại giáo xứ giúp chúng tôi trau dồi thêm những bài học không tìm được nơi bất kỳ cuốn sách nào. Nó là những kinh nghiệm từ sự gặp gỡ. Quả thật, “trăm nghe không bằng một thấy”, phải đi đến, chứng kiến, tiếp xúc với những anh chị em tân tòng – sinh viên, thì mới nắm bắt được thực trạng đời sống đạo của họ. Chẳng hạn, nhóm chúng tôi được tạo điều kiện tiếp cận mục vụ tại một giáo xứ lớn tại vùng Hố Nai, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đây là một giáo xứ có số giáo dân rất đông (khoảng 9600 người). Bên cạnh đó, đây là vùng chuyên sản xuất về mộc nên quy tụ nhiều anh chị em công nhân đến sinh sống và làm việc. Mỗi Chúa Nhật mục vụ, chúng tôi cùng với Ban Truyền Giáo của giáo xứ chủ yếu đến gặp gỡ, thăm hỏi các gia đình tân tòng di dân đang sinh sống tại đây. Những khu nhà trọ đông đúc, những gian nhà san sát, chật hẹp, ẩm thấp là những gì chúng tôi tận mắt chứng kiến. Đó là thực tế môi trường sống của anh chị em xa xứ đến tìm kế sinh nhai. Mang theo lòng tin của người Kitô hữu, họ từ các tỉnh miền Tây hay miền Bắc xa xôi đến ở lại và làm việc tại đây. Trước mỗi lần đến gặp gỡ, chúng tôi thường có những giây phút cầu nguyện cho họ. Và khi đến tiếp xúc, chúng tôi luôn mang tinh thần vui tươi, thân thiện, gần gũi, hầu được họ mở “cửa lòng” chia sẻ những câu chuyện cuộc sống và đời sống đức tin. Chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự chân thành ánh lên trên khuôn mặt của những anh chị em mà mình đến gặp gỡ. Họ cảm thấy mình là những “đứa trẻ sinh non” của Giáo Hội, nhưng vẫn được quan tâm, lo lắng, chăm sóc từ các vị chủ chăn và những anh chị em đồng đạo.
Tiếp đến, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói: “chúng ta hãy trải nghiệm khoảnh khắc gặp gỡ, lắng nghe và suy tư này như một mùa của ân sủng…”.[1] Lắng nghe là một điều hết sức thú vị trong quá trình “hiệp hành”, nó được xem như “mùa của ân sủng”. Thật vậy, lắng nghe là chạm đến trái tim, đến cuộc sống của người đang thổ lộ. Bước vào và hiện diện tại nơi sinh sống của những anh chị em tân tòng nơi mục vụ, chúng tôi được nghe những chia sẻ chân thực về cuộc sống, công việc, gia đình và đặc biệt là đời sống đức tin của họ. Đa phần họ là những người lao động tay chân nặng nhọc và phải làm việc nhiều giờ. Với hoàn cảnh cuộc sống như thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đức tin của những anh chị em tân tòng. Những gia đình chúng tôi gặp đa số có một trong hai người là tân tòng, họ theo đạo Công Giáo thường do hôn nhân. Vì đời sống vật chất còn thiếu thốn, thời gian làm việc nhiều, nên họ ít đến nhà thờ tham dự thánh lễ và các sinh hoạt đạo đức. Đa phần họ chỉ có thể tham dự thánh lễ Chúa Nhật mà thôi. Mặt khác, do ảnh hưởng môi trường và hoàn cảnh sống, họ chưa quan tâm đủ đến việc giáo dục đức tin cho con cái của mình. Và đáng buồn hơn, khi chúng tôi gặp một vài trường hợp gia đình ly tán, bởi một phần lý do từ người “đạo gốc” chưa làm gương sáng cho người tân tòng hay thậm chí còn gây nên nhiều “cớ vấp phạm” cho họ. Thật khó cầm lòng được khi lắng nghe những tâm tư, nỗi niềm về đời sống của những anh chị em đau khổ bộc bạch trong nước mắt…
Cuối cùng, “hiệp hành” còn là sự chia sẻ, đồng cảm với nhau. Như trong câu chuyện Thánh Phêrô và Thánh Gioan gặp người tàn tật tại Cửa Đẹp đền thờ, Thánh Phêrô đã nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!” (Cv 3, 6). Chung một tâm tình như thế, sau khi chứng kiến, lắng nghe những câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, chúng tôi cũng muốn có gì đó chia sẻ với họ. Trước hết, điều chúng tôi muốn gửi trao đến họ là niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, qua những câu Lời Chúa hay những lời kinh cầu nguyện gia đình. Sau đó, tuỳ hoàn cảnh, chúng tôi chia sẻ với họ những việc trong khả năng của mình. Chẳng hạn: Giúp họ ý thức tầm quan trọng của việc tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích; Giải đáp cho họ những thắc mắc trong đời sống đạo; Phối hợp với Ban Truyền Giáo giáo xứ tạo điều kiện giúp đỡ phần nào những nhu cầu của họ, nhất là về phần giáo lý; Khích lệ họ siêng năng giữ vững đức tin trong hoàn cảnh của mình. Tất cả những điều đó chỉ nhằm hướng đến một điều là cùng nâng đỡ nhau trên hành trình đức tin, hầu tất cả cùng tiến bước con đường hiệp nhất – yêu thương.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói với các tín hữu Giáo phận Rôma vào ngày 18 tháng 9 năm 2021 như sau: “Tính hiệp hành là sự thể hiện bản chất, hình thức, phong cách và sứ mạng của Giáo hội”.[2] Như vậy, “hiệp hành” mang một khía cạnh đặc biệt là sự thể hiện “sứ mạng” của Giáo Hội. Với tinh thần ấy, chúng tôi cảm nhận mỗi Kitô hữu phải là một nhân tố hiệp hành trong chính môi trường mình hiện diện. Hơn nữa, mỗi Kitô hữu chúng ta hãy ý thức sự quan tâm, chăm sóc và đồng hành với những anh chị em bổn đạo mới – những người cùng một đức tin, cùng một phép rửa là bổn phận và trách nhiệm của mình. Hơn bao giờ hết, đối với họ sự gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ là rất cần thiết cho hành trình đức tin. Đừng để họ phải bước đi một mình, cô đơn, lạc lõng, vô định trên hành trình ấy. Xin mượn tâm tình của lời Kinh Lên Đường Mục Vụ Ngày Chúa Nhật để cầu nguyện cho công cuộc “hiệp hành trong hành trình đức tin” của mỗi chúng ta: “Xin Cha hiệp nhất chúng con trong tình yêu của Cha, để chúng con cùng đem Tin Mừng đến cho mọi người trong thời đại của chúng con, nhất là những anh chị em lương dân, bệnh tật, khổ đau, các sinh viên học sinh, di dân, dự tòng, và những người bị chà đạp nhân phẩm. Lạy Chúa Giêsu, xin thương hiện diện trong chúng con khi chúng con đến với tha nhân và cho chúng con cũng nhận ra Chúa hiện diện trong họ. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn chúng con và tác động trong các hoạt động tông đồ của chúng con, để mọi việc chúng con làm mang lại hoa trái thánh thiện và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Amen”
Vinhsơn Trần Trung Hiếu – lớp Thần Học III (khoá XIV)