BÀI CẢM NHẬN MỤC VỤ THÁNG 11/2024 – LỚP TRIẾT HỌC III – KHOÁ XVIII

“PHẢI CHĂNG SỰ VÔ CẢM ĐANG LÀ THỨ GIA VỊ LÀM MẤT ĐI
LÒNG BÁC ÁI CỦA CON NGƯỜI ?”

Chương trình đi mục vụ Chúa Nhật của lớp Triết III hằng năm, các Chủng sinh được quý Cha giáo sắp xếp đến với các nhóm Giới trẻ và thiếu nhi của các Giáo xứ. Việc đi mục vụ như thế, giúp các Chủng sinh có được cơ hội tiếp xúc với đối tượng là người trẻ hiện đại và có được sự chuẩn bị chu đáo cho năm thử sắp tới.

Đến với một giáo xứ nọ, tôi được Cha xứ sắp xếp đến với lớp Giáo lý Vào Đời ở độ tuổi trung bình từ 15 đến 17 qua mảng nhân bản. Vì đã từng trải qua giai đoạn ở độ tuổi của các em, tôi hiểu tâm lý nơi các em như thế nào? và đoán được các em sẽ có những thái độ hành xử ra sao khi các em phải đi học giáo lý ngày Chúa Nhật. Chính vì thế, tôi đã cố gắng chuẩn bị và gửi đến các em những bài học qua những bài học gần với độ tuổi các em nhằm đưa các em thoát ra khỏi sự nhàm chán và thái độ chống đối. Việc liên hệ đến các biến cố xảy ra trong xã hội là một trong những hướng đi đầu mà tôi cố gắng xây dựng và phát triển, với mục đích là giúp các em có cái một nhìn tốt hơn, tạo ra được sự cân bằng trong hành động và có sự chuẩn bị tốt trong tương lai nhất là về lòng bác ái – căn nguyên cơ bản của con người.

Những buổi đầu tiếp xúc với các em, tôi nhận ra sự vô cảm trong tâm hồn các em đang ngày càng lớn. Các em có thể vô tư không một chút xót thương hay một ít đau buồn, khi  đọc những tin tức đau thương về hậu quả quả nặng nề của cơn bão Yagi[1] tại Việt Nam, hay xa hơn là ở bên kia nửa vòng trái đất với cơn bão Milton đi vào bang Florida (Mỹ)[2] không cùng một sắc tộc, và đau hơn là cái chết thương tâm vô tội của hàng ngàn người nơi các vùng chiến tranh phi nghĩa[3] . Một câu hỏi xuất hiện nơi chính bản thân tôi: “Phải chăng sự vô cảm đang là thứ gia vị làm mất đi lòng bác ái của con người?” 

Sự vô cảm ở độ tuổi của các em thực sự là một vấn đề nghiêm trọng và không thể xem thường, bởi lẽ đó không chỉ là vấn đề của cá nhân các em mà còn là tương lai của Giáo hội và xã hội. Chỉ khi các em hiểu được tầm quan trọng của lòng bác ái, các em mới có thể trưởng thành toàn diện, tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc và góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Đứng trước tình cảnh như thế, trước hết tôi xin tình yêu biến đổi của Thiên Chúa bằng cách dâng các em cho Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta chuyển cầu – một mẫu gương tuyệt hảo với tấm lòng bác ái. Đến với các buổi học, tôi sẽ cố gắng xây dựng một lớp học giáo lý đề cao tình thần bác ái. Đứng trước các em, tôi sẽ gợi đến các em những tầng lớp người đang chịu các hoàn cảnh đau thương mà xã hội lãng quên, hay cho các em tiếp xúc với các cuộc đối thoại của những người có hoàn cảnh bi đát qua phương tiện truyền thông mà các em có sẵn và gửi đến các em mẫu gương những tấm lòng vàng mà mọi người nhớ đến và ca ngợi họ,…

Ước mong sao, qua năm tháng, qua những bài học về tấm lòng bác ái, tâm hồn các em  sẽ được thanh luyện. Một tâm hồn không còn thứ gia vị vô cảm, mà được thay vào đó là sự ngọt ngào của sự liên kết giữa con người với con người người, như thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Ga-lát “Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,10).

                                                                        Đaminh Nguyễn Hoàng Đức Quý – K.XVIII

 

[1]https://thanhnien.vn/nhin-lai-con-bao-yagi-lich-su-nhung-hau-qua-khung-khiep-va-dau-long-va-18524092300100195.htm

[2]https://vtv.vn/the-gioi/thiet-hai-nang-ne-va-no-luc-tai-thiet-sau-sieu-bao-milton-o-bang-florida-my-20241014171226899.htm

[3]https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/1000-ngay-chien-su-va-du-bao-tuong-lai-xung-dot-nga-ukraine-20241120151220818.htm

Comments are closed.