Thứ Năm Tuần XXXIV Mùa Thường Niên – Ngày 28/11/2024

Lời Chúa: Lc 21, 20-28

“Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! “Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại. “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

 

ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN

“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)

Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi. Câu ca dao này truyền đạt kinh nghiệm về dự báo thời tiết của ông cha ta ngày xưa. Họ trông những điều hiện tại mà có thể dự báo những điều đi kèm theo sau. Nhờ đó mà người dân có những chuẩn bị trước cho những điều có thể sắp xảy ra.

Trong Tin Mừng, Thánh Luca tường thuật việc Đức Giêsu tiên báo trước thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá nặng nề. Sự kiện thành Giêrusalem bị phá hủy chính là hình ảnh tiên trưng cho ngày cánh chung của thế giới và của mỗi người. Khi ngày đó đến, hẳn sẽ có nhiều người vui mừng, nhưng cũng không thiếu người đau khổ và thất vọng. Ngày đó sẽ trở nên đáng sợ cho những ai không nhận ra dấu chỉ để sám hối, canh tân đời sống. Nhưng cũng khi ngày đó đến, nhiều người sẽ vui mừng và hãnh diện vì họ đã chuẩn bị sẵn sàng bằng việc tỉnh thức và cầu nguyện. Hạnh phúc hay đau khổ là do sự lựa chọn của chúng ta ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ có sự chuẩn bị trong tỉnh thức thì mới tránh được đau khổ mà thôi. Khi tiên báo về những biến cố lớn sẽ xảy đến cho nhân loại trước ngày Con Người quang lâm, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta biết lưu tâm đến các dấu chỉ thời đại, chuẩn bị từng ngày cho biến cố Chúa quang lâm ấy. Những người có thể “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” trong ngày Chúa đến ấy không phải là người giàu có, cũng chẳng phải là những người có chức vụ, danh vọng, mà là những người khiêm nhu, đơn sơ, đã nỗ lực sống trung tín với Chúa mỗi ngày trong “tỉnh thức và cầu nguyện”, cũng như họ đã kiên tâm bước đi trên con đường bác ái, phục vụ anh chị em trong tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô.

Trong dòng lịch sử đang diễn ra, chúng ta có thể nói cách xác tín rằng Thiên Chúa sửa lỗi theo sự công bằng. Ngài cho phép sự dữ xảy ra, nhưng trong và qua mọi biến cố, Ngài luôn cứu rỗi theo lượng từ bi vô cùng của Ngài. Chính vì thế, trong hoàn cảnh thất vọng, người Kitô hữu cần có cái nhìn của Chúa, theo cái nhìn của sự cứu rỗi, để niềm hy vọng vào Đức Kitô không bao giờ tắt trong tâm hồn của người môn đệ. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bằng việc trung thành tuân giữ Lời Chúa, chuẩn bị cho hành trình gặp Chúa với những hành trang như: nhân hậu, hiền hòa, bao dung, tha thứ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được luôn yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Biết chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của mình bằng những việc thiện, để ngày Chúa đến với chúng con được trở nên niềm vui mừng.

 

Comments are closed.