Thứ Sáu Tuần XXXII Mùa Thường Niên – Ngày 15/11/2024

Lời Chúa: Lc 17,26-27

“Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.”

“Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”

 

ĐƯỢC HAY MẤT?

“Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 6,33).

Đây có lẽ là một trong những lời nói mạnh mẽ và gây sốc nhất của Chúa Giêsu, được gói gọn trong một câu duy nhất. Ở đây, Chúa Giêsu sử dụng các động từ “giữ” “liều mất” với lối nói đảo ngược để đưa ra giáo huấn về ngày Cánh chung. Thoạt nghe, nhiều người sẽ nghĩ ngay rằng, ý Chúa Giêsu muốn nói: “Ai liều mất mạng sống mình thì sẽ mất nó”, “còn ai giữ mạng sống mình thì sẽ giữ cho nó được bảo tồn”. Tuy nhiên, thực tế là Ngài đã nói ngược lại.

Qua diễn từ về ngày Cánh chung, ngày của Con Người, dường như lại có một sự trái ngược khi áp dụng hai từ “giữ” “liều mất” trong lời dạy của Chúa Giêsu. “Giữ” ở đây lại khơi lên một sự ích kỷ, là thu về cho bản thân mình, là chỉ yêu mình mà thôi. Còn “liều mất” thì lại diễn tả lòng vị tha, sự hy sinh quên mình, liều mất mạng sống của mình vì Chúa, vì Tin Mừng và vì tha nhân. Thật vậy, Chúa Giêsu khẳng định: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống”, với hình ảnh thời ông No-ê, cũng như thời ông Lót.

Đối với con người ngày nay, lời dạy sâu sắc này của Chúa Giêsu thật khó hiểu. Người ta cho rằng, sống vị tha theo tinh thần Tin Mừng là nhu nhược, là cổ hủ, là điên rồ, là ngu dại, là thiệt thòi. Thực sự rất khó để người ta cho rằng sống vị tha là khôn ngoan. Trong khi đó, thật dễ dàng và hợp lý để đề cao bản thân, coi mình là trung tâm của mọi người mà quên đi lối sống Tin Mừng. Nhiều người thời nay cũng cho rằng, hạnh phúc và cuộc sống tươi đẹp là ở chỗ có thật nhiều của cải, giàu sang, địa vị, quyền lực và sự kính trọng của người khác. Do đó, người ta tìm mọi cách để có được những thứ đó về cho bản thân càng nhiều càng tốt, và bám víu vào đó như là cứu cánh của cuộc đời mình. Ngược lại, Chúa Giêsu lại cho rằng, khi con người đi tìm những thứ ấy cho bản thân, là họ đang “tìm giữ mạng sống mình” ở đời này. Đó là con đường dẫn đến việc người ta sẽ đánh mất tất cả những gì là thực sự tốt đẹp ở đời sau. Còn “liều mất mạng sống mình” là lối sống vị tha, là liều mạng sống mình vì Tin Mừng. Sống vị tha là hướng đôi mắt của chúng ta về lợi ích của người khác, mà không nghĩ về mình. Sống vị tha là cho đi mọi thứ để phục vụ Chúa và tha nhân. Để rồi chính Chúa sẽ trả lại cho ta những gì thực sự tốt đẹp ở sự sống đích thực đời sau. Như thánh Phan-xi-cô Át-si-di đã từng có một câu nói thời danh rằng: “Khi cho đi là lúc ta nhận lãnh”.

Suy gẫm lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi tập “liều mất mạng sống mình” để sống vị tha, biết sống cho đi để phục vụ Chúa và tha nhân trong chính hoàn cảnh sống của mình. Để rồi, vào ngày sau hết, “khi vị Mục Tử tối cao xuất hiện, [chúng ta] sẽ được lãnh nhận triều thiên không bao giờ hư mất” (1 Pr 5,4).

Lạy Chúa, sống trong một thế giới ngày càng hỗn loạn vì chiến tranh, hận thù, chia rẽ, bất công, khổ đau…Xin cho mỗi người chúng con luôn sống tinh thần như lời cầu xin của Thánh Phan-xi-cô Át-si-di: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.”

 

Comments are closed.