Thứ Tư Tuần XXXII Mùa Thường Niên – Ngày 13/11/2024

Lời Chúa: Lc 17,11-19

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”. Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

 

CHIẾC ÁO TỪ NHÂN

“Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,13).

Vào thời Chúa Giêsu, phong cùi là bệnh truyền nhiễm ghê tởm và đáng sợ nhất, không có loại thuốc nào chữa được. Người mắc bệnh coi như đã chết, bị loại ra khỏi cộng đoàn không chỉ vì lý do vệ sinh, nhưng còn vì lý do thiêng liêng nữa. Bởi dân Do Thái tin nhận rằng «Nhưng nếu anh không nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh, không lo đem ra thực hành tất cả những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người […] ĐỨC CHÚA sẽ làm cho anh bị ung độc không thể chữa lành ở đầu gối và ở đùi, từ bàn chân cho tới đỉnh đầu» (Đnl 28,15-35). Vậy để tiếp tục sống, ai sẽ sẵn sàng đón nhận họ?

Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Luca đã làm nổi bật hình ảnh của Đức Kitô Cứu Thế với tình yêu vô bờ bến dành cho nhân loại, những ai đang còn vất vả mang gánh nặng cuộc đời sẽ tìm thấy nơi Người sự an ủi và hy vọng (x. Mt 11,28). Chính Chúa Giêsu là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha (x. Tông sắc “Misericordiæ Vultus”, No. 1), cụ thể qua việc Người đã đáp lại lời khẩn xin «Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!» (Lc 17,13) của những con người bị loại ra khỏi cộng đoàn, vì mang tiếng là “kẻ ô uế”, bị coi là những kẻ xa cách với nhân phẩm con người. Quả là thế, Chúa Giêsu đã tiếp xúc với người bị phong hủi, chấp nhận đổi danh dự của bản thân và khoác lại cho họ “chiếc áo của sự từ nhân”, nhờ vậy họ được phục hồi lại danh dự và nhân phẩm của một con người. Đúng nghĩa là “đã mất nay lại tìm thấy, đã chết nhưng nay được sống lại” (x. Lc 15, 1-3.11-32).

Ở nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, đang có rất nhiều người xung quanh chúng ta vẫn đang khao khát được mặc lên người một chiếc áo của sự từ nhân, để tìm lại chính mình trên con đường lữ hành này. Vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều gì?

Trong cái nhìn đức tin, mỗi chúng ta sinh ra đều mang nơi mình một giá trị độc nhất, vì mang lấy hình ảnh tuyệt diệu của Thiên Chúa. Tất cả mọi người, dù giàu sang hay nghèo khó đều có quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm trong nhân phẩm của chính mình. Trong ánh sáng của sứ điệp Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân lòng thương xót. Nghĩa là, chúng ta không chỉ nhận lãnh ân sủng và lòng thương xót từ Thiên Chúa cho riêng mình, nhưng biết sống và chia sẻ hồng ân đó với anh chị em. Mặt khác, trong thế giới ngập tràn sự đau khổ hôm nay, chúng ta cũng được gọi mời trở thành những dụng cụ của lòng thương xót, phản ánh dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa trong hành động và lời nói. Có như vậy, chúng ta không chỉ sống theo gương Chúa Giêsu, Đấng là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha, mà còn lan tỏa thông điệp tình yêu và sự tha thứ mà chính Người đã trao ban cho chúng ta.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng xót thương, xin cho chúng con mau mắn đáp lại lời mời gọi của sứ điệp Lời Chúa hôm nay, để biết khoác lên chiếc áo từ nhân cho những người đang sống gần với chúng ta nhất từ trong gia đình, nơi trường học, nơi làm việc,… Nhờ đó, chúng con sẽ có một cái nhìn, một thái độ mang tinh thần Giêsu, Đấng là dung mạo lòng thương xót của Chúa đã từng làm cho chính mỗi người chúng con. Amen

 

Comments are closed.