Lời Chúa: Ga 2,13-22
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
GIÁO HỘI LÀ THÂN THỂ ĐỨC KITÔ
“Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,21)
Trong tất cả các tôn giáo, đền thờ là nơi thánh, nơi thần linh hiện diện với con người để tiếp nhận phụng tự của họ và cho họ thông phần vào các ân huệ và sự sống của Ngài. Chắc chẳn nơi cư ngụ thường xuyên của thần linh không thuộc thế gian này; nhưng có thể nói là đền thờ đồng hóa với nơi cư ngụ ấy, đến độ nhờ đền thờ con người giao tiếp được với thế giới của các thần linh. Chúng ta gặp thấy tính cách biểu tượng căn bản này trong Cựu ước, trong đó đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Nhưng đó chỉ là một dấu chỉ tạm thời và sẽ được thay thế bằng một dấu chỉ loại khác trong Tân ước, mà Tin mừng vừa mới đề cập đến: “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,21).
Trong bài Tin Mừng Thánh Gioan đã đặt một lời đầy mầu nhiệm về việc đền thờ sẽ bị phá hủy và sẽ được xây dựng lại trong ba ngày (x. Ga 2,19). Tuy nhiên, tác giả Tin mừng đã thêm rằng: “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,21). Và như vậy, đây chính là đền thờ mới và vĩnh cửu, đền thờ không do tay con người làm ra nhưng do bởi “Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm và ở giữa dân Ngài” (Ga 1,14). Dân của Ngài là gì nếu không phải là Giáo hội. Thật vậy, Giáo hội hiện diện trong những cộng đoàn địa phương và thể hiện như một cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là cộng đoàn Thánh Thể. Giáo hội sống nhờ Lời và Mình Thánh Chúa Kitô và nhờ đó Giáo hội trở nên Thân Thể Chúa Kitô.
Là Kitô hữu, là chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, mỗi người chúng ta cần trở nên giống Chúa Kitô. Nhưng giống Chúa Kitô thế nào được khi cuộc sống của chúng ta luôn phản chứng lại với những lời Chúa dạy, với những điều Chúa nói và với những việc Chúa làm. Thánh Phaolô đã xác quyết: “Chúa Kitô đã yêu mến Giáo Hội và đã tự nộp mình vì Giáo Hội” (Ep 5,25). Nói một cách cụ thể hơn, chính Chúa Kitô đã yêu mến và đã tự hiến chính mình vì mỗi người chúng ta. Thế nên, ý thức mình thuộc về Chúa, thuộc về Giáo hội và cố gắng sống sao cho đền thờ tâm hồn của chúng ta luôn thanh tâm, thanh ý và thanh khiết sẽ là một đáp trả trọn vẹn cho một tình yêu, một tình yêu Đức Kitô. Đấng là Đầu của Giáo hội mà mỗi chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm ấy.
Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết giữ tâm hồn trong sạch để tâm hồn của chúng ta xứng đáng trở nên đền thờ cho Chúa ngự.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn biết “giữ mình” để tất cả những gì chúng con nói hay chúng con thực hiện trong đời sống thường ngày làm vinh danh Chúa và mang lại hoa trái thiêng liêng cho tâm hồn của chúng con. Amen.