Lời Chúa: Lc 15,1-10
Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
“Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.” Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
NIỀM VUI CỦA CÁC THÁNH
Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Niềm vui của chúng ta được quyết định bởi nhận thức. Điều tôi biết và mong đợi xảy ra, và điều đó làm tôi vui. Có người vui khi nhận được hoặc trao ban điều lành, nhưng lại không vui khi sự lành xảy đến cho người khác. Đối với Thiên Chúa và các thánh của Người, có một niềm vui lớn là được thấy một người bỏ đường tội lỗi mà ăn năn sám hối.
Trong thời gian đi rao giảng, Chúa Giêsu tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau. Khác với dân Do Thái trong quan niệm của họ, Chúa Giêsu dành thời gian để tiếp xúc với những người thu thuế và người tội lỗi. Điều này gây ra sự chướng mắt đối với người Pharisiêu và các kinh sư, những người tự xem mình là công chính. Nhiều lần trong Tin Mừng, các thánh sử thuật lại thái độ khó chịu của người Pharisiêu và kinh sư khi Chúa Giêsu làm những sự lành cho những người thu thuế và người tội lỗi. Lần này khi thấy họ xầm xì với nhau, Chúa Giêsu đáp lại với họ bằng những dụ ngôn để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ hai dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền bà góa, hình ảnh Thiên Chúa thương xót được diễn tả cách cụ thể qua hành động “tìm cho kỳ được”. Và điều quan trọng, Chúa Giêsu kết lại hai dụ ngôn này với khẳng định niềm vui của các thánh trên trời là thấy một người tội lỗi ăn năn sám hối.
Cùng là con người với thân phận tội lỗi, việc mở lòng để nhận thức được tình thương của Thiên Chúa là điều rất cần thiết. Chỉ khi cảm nghiệm được Thiên Chúa thương xót thì mới có thể thể hiện sự thương xót đến với người khác. Hình ảnh những người Pharisiêu và kinh sư khó chịu vì Chúa Giêsu quan tâm đến những người bị xem là tội lỗi cho thấy tâm hồn họ không có sự thương xót. Ngày nay, cũng không ít hình ảnh của người Pharisiêu và kinh sư khi xầm xì về người tội lỗi, và khó chịu khi thấy người khác quan tâm đến họ. Trước hết, chúng ta hãy học biết mở lòng để đón nhận tình thương của Thiên Chúa để biết cách thể hiện tình thương với tha nhân. Từ đó, chúng ta có cùng tâm tư và thái độ với Chúa Giêsu và các thánh, biết vui mừng khi thấy người tội lỗi ăn năn trở lại.
Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa là Nguồn phát sinh mọi sự thiện hảo, biến đổi con người chúng ta nên tốt hơn mỗi ngày, và có một trái tim biết yêu thương như Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta có tâm tư, phản ứng và thái độ như Chúa Giêsu và các thánh trên trời khi biết quan tâm tới người tội lỗi và vui mừng khi thấy họ ăn năn sám hối. Chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình cho các quốc gia đang có chiến tranh.