Thứ Tư Tuần XXXI Mùa Thường Niên – Ngày 06/11/2024

Lời Chúa: Lc 14, 25-33

Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’

Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

 

HÃY VÁC THẬP GIÁ CỦA MÌNH

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,27)

Để lôi kéo người khác, những nhà lãnh tụ thường dùng những lời lẽ hoa mỹ, lôi cuốn, những lời hứa tốt đẹp để cải thiện những khó khăn mà người dân đang gặp phải hòng nhận được sự ủng hộ của họ, để họ theo phe của mình. Chúa Giêsu hôm nay lại cho thấy một cách lôi kéo xem ra lạ đời và dường như không thể chấp nhận: muốn theo Chúa, hãy vác thập giá.

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu đang tiến lên Giêrusalem để hoàn tất công cuộc cứu độ của Người. Có rất đông người đi theo Chúa, họ hẳn xem Chúa đang tiến về Giêrusalem trong tư cách Đấng Mêsia đầy khải hoàn vinh thắng. Họ theo Chúa như thể họ là môn đệ của Người và mong đợi Người sẽ đưa họ đến vinh quang. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không để cho họ ảo tưởng quá lâu, Người đã nêu lên một loạt những điều kiện xem ra đi ngược lại với bản tính con người: từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, mạng sống, cùng vác thập giá thì mới có thể làm môn đệ của Chúa. Thập giá mà Chúa Giêsu nói đến, không phải là hình ảnh thập giá trong tâm trí của người Do Thái đương thời, nhưng là thập giá của sự hy sinh vì Chúa. Chúa Giêsu không nói chúng ta hãy vác thập giá của Chúa, cũng chẳng bảo chúng ta hãy vác thập giá của người khác, nhưng là hãy vác thập giá của mình. Thập giá của bản thân chúng ta là những khó khăn, những giới hạn, là trách nhiệm trong bậc sống của mình và Chúa cũng mời gọi hãy vác thập giá với tinh thần tự nguyện.

Con đường thập giá là lối bước Chúa Giêsu đã đi qua và Người mời gọi chúng ta cùng dấn bước với Người theo con đường thập giá. Tuy nhiên, là môn đệ của Chúa, mang danh là Kitô hữu, nhiều người trong chúng ta lại ngại ngùng, e ngại với lời mời gọi thập giá để tìm kiếm một Đức Kitô của vinh quang, dễ dãi, không đòi hỏi, không điều kiện chứ không phải một Đức Kitô của thập giá. Nhắc đến thập giá, chúng ta dễ bị cám dỗ cho rằng thập giá là một đòi hỏi quá sức của con người. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một tình yêu đủ mạnh đối với Chúa thì thập giá sẽ trở nên vừa sức với chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói lên sức mạnh của tình yêu đối với thập giá Đức Kitô khi kết thúc bài huấn từ dành cho giới trẻ trong nghi thức đi đàng thánh giá tại bãi biển Copacabana ngày 26/07/2013 như sau: “Chúng ta hãy vác Thập Giá Đức Kitô bằng niềm hân hoan của chúng ta, đau khổ và thất bại của chúng ta. Chúng ta sẽ tìm thấy một Trái Tim mở ra cho chúng ta, sẽ thấu hiểu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta mang tình yêu đó vào trong cuộc đời của chúng ta, yêu mỗi người, mỗi anh chị em với một tình yêu như thế”.

“Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta biết chấp nhận thập giá của mình với tất cả tình yêu và sự vâng phục, để biến thập giá trở thành thánh giá, để chúng ta có thêm sức mạnh ơn thánh, thêm thánh thiện và thêm niềm vui khi phục vụ tha nhân”.

 

Comments are closed.