BÀI CẢM NHẬN MỤC VỤ DI DÂN
Mục vụ là một trong bốn chiều kích mà chủng sinh được đào tạo trong Đại Chủng Viện bên cạnh nhân bản, thiêng liêng và trí thức. Mỗi lớp, từ Triết học I đến Thần học IV, được sắp xếp để thực hiện những mảng mục vụ khác nhau. Năm nay, lớp Thần học I thực hiện mảng mục vụ di dân. Nhờ việc được tiếp cận với nhiều anh chị em di dân trong những ngày đi mục vụ, tôi phần nào có cơ hội được hiểu và đồng cảm hơn với những con người đang trong hành trình tìm kiếm sự ổn định ở một vùng đất được xem là xa lạ đối với họ.
Trước đây, khi đi giúp xứ năm thử, tôi đã cảm nhận rằng “thức dậy ở một nơi xa” là một trải nghiệm có lẽ thú vị kèm theo sự hụt hẫng trong những ngày đầu của năm giúp xứ. Tuy nhiên, ở nơi “lạ nước lạ cái” như vậy, các anh chị em di dân lại gặp khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ nơi họ ở không giống như những gì họ biết khi ở quê hương. Cũng là tín hữu Công Giáo đấy, nhưng họ lại gặp khó khăn khi họ tham dự các sinh hoạt phụng vụ của giáo xứ. Tôi có hỏi ông trưởng ban hành giáo giáo xứ Túc Trưng (Nơi tôi chọn đi tiếp cận mục vụ), ông cho biết số di dân trong giáo xứ cũng khá ít. Tuần qua, tôi có dịp được thăm một số gia đình di dân thì tôi thấy được họ có những khó khăn nhất định: Môi trường giáo xứ mới, công việc khá bấp bênh, đời sống luân lý, đạo đức… Tuy nhiên, tôi cảm thấy nơi xứ Túc Trưng, các yếu tố đó được giải quyết bằng việc giáo dân xứ niềm nở đón tiếp, chia sẻ và đồng hành với họ, các chương trình đạo đức được xếp phù hợp với hoàn cảnh chung của giáo xứ. Đó cũng là những trợ lực cần thiết để người di dân yên tâm hơn trong cuộc sống của mình.
Ước mong sao tất cả những ai đã phải rời bỏ quê hương của mình để tìm kiếm những điều kiện sống xứng nhân phẩm. Chớ gì các cộng đoàn Kitô hữu biết cùng đồng hành với họ. Xin Chúa giúp chúng ta tiếp tục bước đi, cùng với anh chị em di dân tiến về ngôi nhà vĩnh cửu mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.
Ban Văn Hóa lớp Thần Học I