Lời Chúa: Lc 13,31-35
Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: ‘Ðây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem.’”
“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!”“
KITÔ HỮU ĐỐI DIỆN VỚI SỰ BẮT BỚ
“Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường…” (Lc 13,33)
Lịch sử Công giáo không thiếu những câu chuyện về các vị tử đạo. Các ngài đã chịu bắt bớ và chịu chết vì niềm tin của mình. Họ noi theo gương Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay. Khi được cảnh báo về ý đồ của Hêrôđê, Chúa Giêsu đã trách mắng ông và cương quyết tiếp tục sứ mạng cứu độ của mình. Sự bắt bớ ấy vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay, dưới nhiều hình thức, từ bạo lực thể chất đến sự khinh thường của xã hội. Vậy chúng ta phải đối diện với thử thách này như thế nào?
Chúng ta thử tưởng tượng một ngày nào đó có người đe dọa đòi giết chúng ta. Lúc đó, suy nghĩ, hành động, tư tưởng của chúng ta sẽ tập trung để đối phó hoặc phòng tránh mọi trường hợp hy hữu có thể xảy ra. Nhưng Chúa Giêsu thì khác, khi được các người biệt phái thông báo rằng vua Hêrôđê muốn giết Người, thì Người vẫn hiên ngang lên tiếng trách móc ông và cương quyết tiếp tục sứ mạng của mình. Không dễ dàng để chúng ta can đảm như Chúa Giêsu. Và các thánh tử đạo, đứng trước những khổ hình như tù đày, tra tấn, đòn vọt cũng sẽ không thể duy trì lòng can đảm nếu không có một đời sống đức tin vững chắc. Chúng ta ngỡ ngàng khi nghe thấy các ngài hát thánh ca, tươi cười khi bị sư tử xé xác tại hý trường Colosseum, nhẹ nhàng thanh thản đọc lời Thánh Vịnh như thánh M. Kolbe… Đó chẳng phải là những gì Chúa Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ đi theo Người hay sao (x. Ga 15,20). Nhưng trong những lúc đó, chúng ta nghe thấy lời an ủi: “Thầy đây, đừng sợ”.
Quả thật, chính nhờ sức mạnh từ ân sủng của Thiên Chúa và mối liên hệ gắn kết với Thầy Giêsu Chí Thánh mà chúng ta có can đảm đối đầu với thử thách: “Với con người thì không thể, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể”. Kinh nghiệm tu đức cho chúng ta ba yếu tố để thực tập: cầu nguyện, tha thứ và đời sống cộng đoàn. Cầu nguyện giúp chúng ta nối nguồn Giêsu, và là yếu tố quan trọng trong đời sống thiêng liêng. Tha thứ giúp chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót, và giải thoát khỏi mọi đắng cay, bất mãn, ức chế xâm chiếm con tim. Đời sống cộng đoàn nuôi dưỡng và là môi trường để các thực hành trên được thăng tiến và triển nở, đồng thời tạo nên sự khích lệ và cảm giác thuộc về một cộng đoàn đức tin, nghĩa là thuộc về ngôi nhà với đầy ắp tình huynh đệ.
Như vậy, là một kitô hữu, bắt bớ là một điều không thể né tránh. Tuy chúng có thể tác động tới mức trở nên một kinh nghiệm đau thương, nhưng đồng thời chúng có thể là cơ hội cho chúng ta tăng trưởng về đời sống thiêng liêng. Chính mỗi người sẽ có cảm nghiệm riêng của chính mình, với những bắt bớ và thử thách chẳng ai giống ai, để rồi đứng giữa “những trăm chiều thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (x. Rm 8,37).
“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dành can đảm đón nhận những bắt bớ của cuộc sống hằng ngày, đó là những trái ý, va chạm của đời sống chung. Để nhờ đời sống cầu nguyện, tinh thần tha thứ và đời sống cộng đoàn, chúng con có thể noi gương Chúa, coi đó là kinh nghiệm cho đời sống sứ vụ Tông đồ. Amen.”