Thứ Tư Tuần XXVII Mùa Thường Niên – Ngày 09/10/2024

Lời Chúa: Lc 11,1-4 

Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

Triều Đại Cha mau đến,

xin Cha cho chúng con

ngày nào có lương thực ngày ấy;

xin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha

cho mọi người mắc lỗi với chúng con,

và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

 

LỜI KINH CHÚA DẠY

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).

Cầu nguyện là hoạt động thiết yếu của mọi tôn giáo. Cầu nguyện giúp các tín hữu có thể nối kết với Đấng mà họ tôn thờ. Mỗi tôn giáo lại có cách thức cầu nguyện, và kinh lễ khác nhau. Điều này làm nên nét đặc trưng của mỗi tôn giáo. Như thế, cầu nguyện là việc làm không thể thiếu trong đời sống các tôn giáo.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay thuật lại việc các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện. Điều này thật lạ, vì các môn đệ là những người sinh ra và lớn lên trong truyền thống Do Thái giáo. Theo truyền thống, những người Do Thái thường cầu nguyện ba lần mỗi ngày. Như thế, cầu nguyện không còn là điều gì xa lạ với các môn đệ. Dường như, các môn đệ muốn Chúa Giêsu dạy cho họ một cách thức cầu nguyện, hoặc một kinh nguyện nào đặc biệt để giúp họ phân biệt với các nhóm khác: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” (Lc 11,1)

Đáp lại lời thỉnh nguyện của các môn đệ, Chúa Giêsu đã dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha.Lời kinh Chúa dạy lời kinh căn bản của Kitô giáo, là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là tuyệt hảo, là tâm điểm của Thánh Kinh (x. GLHTCG 2774-2775). Như thế, kinh Lạy Cha diễn tả tính độc đáo của kinh nguyện Kitô giáo. Tính độc đáo thể hiện ở ngay câu đầu tiên: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển.” Khởi đầu lời cầu nguyện, Chúa Giêsu giúp các môn đệ xác định vị thế của con người trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tiếng Abba [Lạy Cha] mà Chúa Giêsu dùng là từ ngữ diễn tả sự gần gũi, thân mật của tình gia đình. Thiên Chúa không phải là vị quan án chuyên phán xét, nhưng là một người Cha đầy yêu thương. Chính nhờ Chúa Giêsu đã mạc khải mà con người mới có thể kêu cầu lên Thiên Chúa là Cha. Đây là một mối tương quan thật đặc biệt, rất khác so với các tôn giáo. Cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha là một việc làm hết sức mới mẻ và cũng thật đòi hỏi. Khi cầu nguyện với kinh Lạy Cha, chúng ta được mời gọi mang hai tâm tình :

Một là ước muốn trở nên giống Người. Chúng ta được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong cuộc sống. Kinh Lạy Cha không chỉ là lời kinh để cầu nguyện, nhưng còn là bản hướng dẫn cho đời sống đức tin. Như thế, mỗi khi hành động theo thánh ý Chúa, chúng ta giúp mọi người nhận ra khuôn mặt đầy yêu thương của Thiên Chúa. Hai là tâm tình khiêm nhường và tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong tâm tình người con, chúng ta có thể mạnh dạn thân thưa với Thiên Chúa là Cha. Từ đó, chúng ta được khơi dậy lòng yêu mến, và tin tưởng vào Cha, Đấng luôn yêu thương và sẵn sàng lắng nghe chúng ta.

“Lạy Chúa, chúng con vẫn thường cầu nguyện với lời kinh Chúa dạy, nhưng chúng con lại chưa sống xứng đáng là con Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết đón nhận thánh ý Chúa trong tâm tình khiêm nhường và yêu mến để sẵn sàng làm chứng cho Chúa giữa cuộc sống thường ngày.”

[/loichua]

Comments are closed.