Thứ Năm Tuần XXVI Mùa Thường Niên – Ngày 03/10/2024

Lời Chúa: Lc 10, 1-12

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

 

BÌNH AN TRONG BƯỚC ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy!” (Lc 10, 5-6b)

Truyền giáo! một điều nghe rất thân quen, gần gũi đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta. Truyền giáo là một mệnh lệnh trực tiếp đến từ Chúa Giêsu. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Trong Lumen gentium, hiến chế về tín lý của Giáo hội số 17 ghi rõ: “Bản chất của Giáo hội là truyền giáo: không truyền giáo, Giáo hội không còn ý nghĩa, không còn là Giáo hội của Chúa. Do đó, mọi Kitô hữu đều có bổn phận phải truyền giáo tùy theo khả năng của mình”. Nhưng bước vào cánh đồng bao la rộng lớn ấy, mỗi người Kitô hữu chúng ta phải làm sao để có thể trở thành một “thợ gặt lành nghề” ? và hành trang quan trọng mà người môn đệ truyền giáo mang theo là gì ? Dưới ánh sáng của Lời Chúa con xin được gợi lên bài nguyện gẫm với chủ đề: “BÌNH AN TRONG BƯỚC ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO”

1. Truyền giáo – một sứ mệnh đầy thử thách

“Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Chúa Giê-su sai các môn đệ đi và Người so sánh việc sai đi này như chiên con đi vào giữa bầy sói. Một con chiên hiền lành đi vào giữa bầy sói hung dữ thật hết sức nguy hiểm. Ngài không đưa ra một khung cảnh lãng mạn đầy chất thơ văn, yên bình, nhưng thay vào đó là những thực thế đầy khó khăn, thử thách. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng với lòng tin tưởng vào Chúa, các môn đệ ngày xưa và mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay được mời gọi dấn thân loan báo Tin Mừng dù chấp nhận phải hy sinh, chịu nhiều đau khổ. Nói cách khác, người môn đệ truyền giáo không phải “thay mặt Chúa”, nhưng khiêm tốn nhìn nhận bản thân chỉ là những người được Thiên Chúa sai đến, được mời gọi để cộng tác với Ngài trong việc loan báo Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Như Thánh Têrêsa đã xác tín: “một nhà truyền giáo là bất cứ ai trở thành khí cụ của tình yêu Thiên Chúa và làm tất cả những gì mình có thể để qua chứng tá, lời cầu nguyện và sự chuyển cầu của mình, Chúa Giêsu được biết và yêu mến”.

2. Hành trang mang theo là sự bình an

Bình an của Chúa khác xa so với “bình an của nhân loại”. Bình an của Chúa là lời hứa của một cuộc sống mới và viên mãn mà thế gian này không thể mang lại được. Chúa Giê-su chính là sự sống và nguồn bình an đó. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “bình an của Chúa Kitô, là bình an xuất phát từ Thánh Giá của Người và sinh ra một nhân loại mới”.

Thật vậy, trên bước đường rao giảng Tin Mừng, hành trang để gìn giữ mỗi người chúng ta không phải là tiền của, hay vật chất, nhưng là bình an trong tâm hồn, bình an nội tâm. Đó là sự bình an sâu lắng, tháp nhập cuộc sống, việc làm của chúng ta vào thập giá Chúa Kitô, cho dù bên ngoài còn rất nhiều thử thách, gian lao, nhưng chính bình an ấy giúp chúng ta vững tin dù có “ như con chiên đi vào giữa sói rừng”.

Xin cho chúng ta sự bình an đích thực của Chúa, hầu giúp chúng ta trở thành những môn đệ mạnh mẽ sống đời sống chứng nhân truyền giáo, loan báo Tin Mừng. Và chúng ta xác tín rằng nếu lòng chúng ta thiếu vắng ơn bình an thì chắc chắn chúng ta không thể đứng vững trước những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

[/loichua]

Comments are closed.