[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 9,43b-45″]
Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”
Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
VƯỢT QUA THỬ THÁCH – TIẾN VỀ VINH QUANG
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44)
Tâm lý con người thường hướng về thành công, mong được vui sướng, và lo sợ khi đứng trước đau khổ. Đó có lẽ cũng là tâm trạng các Tông đồ ngày xưa khi đứng trước lời mạc khải của Chúa Giêsu về cuộc thương khó. Tuy nhiên, đây lại là thực tại Chúa Giêsu phải đối diện trên hành trình thi hành sứ vụ và là thử thách của các môn đệ của Ngài khi tham dự vào sứ vụ ấy. Họ cần phải vượt qua trước khi tiến vào vinh quang của Thiên Chúa như Thầy Chí Thánh đã nêu gương.
Để thực hiện công trình cứu độ của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã sẵn sàng từ bỏ vinh quang Thiên Chúa để sống thân phận con người với đầy những hạn chế của một loài thụ tạo. Hơn nữa, Ngài còn chịu chết để giải thoát con người khỏi tội lỗi. Như lời của thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Là môn đệ của Chúa Kitô, Các Tông đồ và mỗi người chúng ta chắc hẳn sẽ phải đối diện nhiều khó khăn và thử thách trong môi trường sống của mình. Vậy khi đối diện với những đau khổ, chúng ta phải sống thế nào?
Với những người không tin vào sự sống đời đời, họ sẽ tìm các sống hưởng thụ đời này. Họ tránh lé khó khăn, đau khổ và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Nhưng với những người tin vào cuộc sống vĩnh cửu, đặc biệt là những Kitô hữu, chúng ta cần phải giữ cho mình một thái độ sống tích cực. Chúng ta không đi tìm kiếm đau khổ, nhưng nếu phải đối diện với đau khổ thì chúng ta cần phải tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, ngay cả khi phải đối diện với sự chết, như lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ rằng, xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Lời dạy đó của Chúa Giêsu không chỉ là lý thuyết nhưng còn được thể hiện rõ nét trong cuộc đời sứ vụ của Ngài, là mẫu mực cho chúng ta sống khi đối diện với đau khổ. Trong vườn Ghếtsêmani, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Rồi khi đối diện với những kẻ đã gây ra những đau khổ cho mình, Chúa Giêsu vẫn yêu thương, tha thứ với tất cả lòng thương xót: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34). Như vậy, khó khăn và thử thách trong cuộc đời mỗi người chúng ta là điều không thể tránh khỏi, điều quan trọng là chúng ta đón nhận với thái độ thế nào để sống xứng đáng là con cái Chúa.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đau khổ, đặc biệt là những người dân của các quốc gia đang rơi vào cảnh chiến tranh, loạn lạc. Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa mở lòng mở trí cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết lắng nghe và chăm lo những lợi ích chính đáng của người dân, xứng đáng với phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ.
[/loichua]