Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên – Ngày 27/09/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 9,18-22″]

Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI LÀ AI?

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20)

Từ lâu, con người luôn có trong mình nỗi khắc khoải về những câu hỏi lớn: “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến?”. Nơi bầu trời suy tư rộng lớn của Thần học, câu hỏi “Đức Giêsu, người là ai?” cũng từng bước chạm đến sự khắc khoải đi tìm chân lý của con người. Danh xưng “Giêsu” vẫn luôn là duyên cớ cho nhiều người ngã xuống hay đứng lên, là dấu hiệu cho người đời chống báng (Cf. Lc 2,34; 1Cr 1,1-3). Vậy với chúng ta, Chúa Giêsu, Người là ai?

Nơi bài Tin Mừng hôm nay, danh tính của Chúa Giêsu cũng được dư luận nhắc đến xoay quanh câu hỏi: «Dân chúng nói Thầy là ai?». Các Tông Đồ đã cho Chúa Giêsu biết nhiều lăng kính khác nhau trong dân nói về Người: «Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại». Chúa Giêsu lại hỏi tiếp: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?». Nhờ mạc khải, Phêrô đã tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu, ông thưa: «Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa». Tin Mừng theo Thánh sử Luca không nói gì nhiều về câu trả lời của Phêrô. Nhưng nơi Tin Mừng theo Thánh sử Matthêu, sau lời tuyên xưng của mình, Phêrô lại cho thấy ông chưa hoàn toàn hiểu hết về mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu (Cf. Mt 16,16.22-23). Với Phêrô, Chúa Giêsu phải được tôn vinh là Thiên Chúa uy quyền và hùng mạnh, danh xưng của Người lẫy lừng trên toàn cõi đất trời. Vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta nhận ra điều gì?

Ở nhiều phương diện và hoàn cảnh khác nhau, câu trả lời về danh tính Chúa Giêsu của chúng ta hôm nay, cũng không khác mấy so với những người Do Thái khi xưa. Do chịu sự tác động bởi đời sống xã hội, làm cho con người có những lăng kính khác nhau về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu sẽ trở thành một sự cản trở cho những công việc, sở thích và tương lai đầy toan tính của chúng ta. Điều đó được thể hiện qua việc, chúng ta nhiệt tình tham gia các sinh hoạt đạo nhưng không một chút bận tâm về thái độ cá nhân của mình đối với Chúa; chúng ta cũng sẽ dễ dàng giản lược Chúa Giêsu là một vĩ nhân như bao vĩ nhân khác nơi trần gian này. Khi đó, chúng ta sẽ chạy theo đám đông đón nhận ân sủng trong tâm thế chỉ là những sự vật, nghĩa là không nhận ra “món quà” chính là Đấng ban ân sủng; Nhưng sẽ hoàn toàn khác nếu miệng chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, và lòng chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì chính khi ấy chúng ta sẽ được cứu độ (Cf. Rm 10,9). Mặt khác, khi chúng ta mạnh dạn tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, là Đức Kitô cứu thế, cũng chính là lúc chúng ta được mời gọi can trường dấn thân bước theo Người: Là từ bỏ những ý riêng, nhiệt tâm đón nhận thánh ý Thiên Chúa để xây dựng thế giới ngày thêm tươi đẹp, mặc lấy tinh thần khiêm tốn để phục vụ vì phần rỗi của mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tĩnh lặng trong phút giây hồi tâm, để nhận ra tình yêu và sự hiện diện sống động của Chúa trong cuộc sống. Nhờ đó, chúng con nhận ra rằng: Chính Chúa là gia nghiệp trọn hảo, vì ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc nơi cuộc đời của chúng con? (Cf. Tv 16,2), amen.

[/loichua]

Comments are closed.