Thứ Ba Tuần XV Mùa Thường Niên – Ngày 16/07/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 11,20-24″]

Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối. Người nói :

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

“CƠ HỘI” ĐỂ HOÁN CẢI

“Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối” (Mt 11,20).

Độc giả của Tin Mừng theo thánh Matthew là những người Do Thái. Họ mang trong mình một lối sống niềm tin vào một Thiên Chúa nặng tính bảo thủ. Cho nên, điệp khúc “khốn cho các ngươi” được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong trình thuật Tin Mừng hôm nay xoáy vào sự cứng nhắc của họ. Điều này khiến họ thật khó chạm đến chân lý nơi những điều mới mẻ mà Chúa Giêsu loan báo. Cũng thế, suy tư về “vết xe đổ” của anh em Do Thái xưa cũng là để nhìn vào chính mình, bởi cũng có nhiều lúc con tim chúng ta ra sơ cứng trước những sứ điệp Tin Mừng được loan báo, hoặc nơi những người xung quanh, và cả nơi chính chúng ta nữa. Và có khi “nỗi khốn” mà Chúa Giêsu khóc cho Kho-ra-din, cho Bết-sai-da, cho Tia và Xidon cũng là cho mỗi người chúng ta hôm nay khi lòng vẫn còn sơ cứng không chịu hoán cải thay đổi đời sống trước lời mời gọi của Chúa Giêsu.

Đầu tiên chúng ta phải tự hỏi “sự cứng lòng” nơi con người chúng ta xuất phát từ đâu? Có lẽ điều này sẽ được giải thích bằng nhiều lý do nhưng hẳn nguyên nhân nền tảng xuất phát từ chính sự tự mãn và kiêu căng khi cậy dựa vào địa vị hay khả năng của mình – “hỡi Kho-ra-din…hỡi Bết-xai-đa, đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi…và hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư?” Những điều này khiến chúng ta tương quan với Thiên Chúa, với mọi người bằng một thái độ sống luôn cho mình là đúng, và sống theo ý mình. Cho nên, việc hoán cải thay đổi đời sống là một điều khó khăn.

Vậy nên, điều đầu tiên cần thiết là nhận rõ sự bất toàn nơi chính mình. Từ đó, lắng nghe Lời Chúa để tìm ý Chúa, đó là bí quyết để xây dựng cuộc sống xã hội, thắt chặt quan hệ với tha nhân và trở nên thành toàn. Ðó là điều Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: con người không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu loại bỏ Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng ra khỏi cuộc sống.

Vì vậy, chúng ta hãy cho mình “cơ hội” để chạm đến chân lý để đời sống chúng ta mỗi ngày càng thánh hơn bằng việc hoán cải để nhận ra sự bất toàn nơi mình. Điều này đến từ một lối sống biết lắng nghe – lắng nghe Lời Chúa để định hướng đời mình, lắng nghe tha nhân để học sống khiêm nhường, lắng nghe chính mình để hiểu mình hơn.

Xin cho mỗi người chúng con khi lắng nghe Tin Mừng hôm nay được thức tỉnh để nhận dạng được sự bất toàn của mình để hoá mềm lòng mình trước những dấu chỉ thời đại. Ngõ hầu, chúng con có thể nắm bắt được “cơ hội” chạm đến chân lý nơi Lời Chúa, nơi Giáo Huấn của Giáo Hội và nơi tha nhân để hoán cải thay đổi đời sống của mình. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.