[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 13, 54 – 58″]
Khi ấy, Chúa Giê-su trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng : “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế. Ông không phải là con bác thợ mộc ư. Mẹ ông không phải là bà Ma-ri-a. Và Gia-cô-bê, Giu-se, Si-mon và Giu-đa không phải là anh em của ông sao. Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao. Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế”. Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giê-su nói với họ : “Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình”. Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHÚA GIÊSU LÀ CON CỦA BÁC THỢ MỘC
“Ông không phải là con bác thợ mộc ư” (Mt 13, 55).
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trở về quê hương sau một thời gian đi rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu vào hội đường nơi Ngài đã từng sinh sống. Kinh Thánh không ghi rõ việc Chúa Giêsu được mời giảng ở đây hay chưa. Và lần này, Chúa Giêsu đã khiến những người đồng hương của Ngài sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy. Nhưng do thành kiến về nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu, mà họ đã vấp ngã về Ngài, vì Ngài là con của bác thợ mộc.
Khi nhìn vào xuất thân của Chúa Giêsu, những người đồng hương không thể đón nhận Chúa Giêsu chỉ vì Ngài có người cha nuôi làm nghề thợ mộc. Thế nhưng, Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa xuống thế làm người trong một gia đình lao động không phải là cớ vấp ngã cho con người, nhưng mang lại một ý nghĩa cao cả cho sinh hoạt của con người nơi trần thế. Chính Con Thiên Chúa đi vào đời thường để thánh hóa lao động, nâng cao và mang lại ý nghĩa cho lao động. Lao động không phải là hậu quả của tội lỗi. Bởi vì trước khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đặt họ vào vườn Ê-đen để canh tác và chăm sóc công trình tạo dựng. Lao động chỉ trở nên vất vả và cực nhọc khi Ađam và Evà phạm tội, “ngươi phải đổ mồ hôi mới có miếng ăn” (St 3, 19). Nhưng giờ đây, với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong gia đình nhân loại, đặc biệt trong một gia đình lao động, Ngài đã trả lại ý nghĩa và làm tăng thêm giá trị của lao động. Bởi vì, lao động là một phần trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa và con người được mời gọi cộng tác trong việc chăm sóc công trình tạo dựng. Khi lao động, con người được trở nên giống Thiên Chúa – Đấng đã làm việc, đang làm việc và luôn làm việc.
Mừng lễ thánh Giuse thợ hôm nay, chúng ta được mời gọi noi gương thánh Giuse, một người thợ mộc cần cù, khiêm nhường và âm thầm làm việc trong niềm tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa. Thánh Giuse đã sống đời lao động theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Cho dù được trao phó sứ mạng cao cả là nuôi dưỡng Đấng Cứu Thế, thánh Giuse không đòi hỏi cho mình một cuộc sống sung túc giầu sang. Ngài sẵn sàng bước vào một đời sống bình dị như bao gia đình khác. Ngài luôn là bác thợ mộc cần cù, chăm chỉ, phải vất vả đổ mồ hôi để có thể nuôi sống gia đình. Ngài luôn khiêm tốn với tước hiệu “bác thợ mộc”, có khi còn bị coi thường, vì đối với xã hội Do Thái thời ấy những người làm nghề thợ mộc thường rất nghèo khó. Tuy nhiên, thánh Giuse đã dùng chính nghề được xem là nghèo khó để nuôi dưỡng Con Thiên Chúa lớn lên trong tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa. Vì thế, công việc của thánh Giuse không dừng lại ở sự sống phần xác, mà còn vươn tới đích điểm cao cả là cộng tác vào công trình cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta biết chạy đến với thánh Giuse trong những lúc gian nan, vất vả với cuộc sống hàng ngày và biết cậy trông vào Thiên Chúa trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, vì Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con một mẫu gương làm việc là thánh Giuse. Xin Chúa ban muôn ơn lành trên cuộc đời chúng con, để chúng con biết noi gương thánh nhân mà làm vinh danh Chúa trong mọi công việc hàng ngày. Xin thánh Giuse cầu bầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.
[/loichua]