Thứ Hai Tuần III Thường Niên – Ngày 22/01/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 3, 22-30″]

Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

QUYỀN LỰC CỦA ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA

“Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha” (Mc 3, 29)

Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ của Người bằng lời loan báo: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Nước Thiên Chúa là trọng tâm của mọi hoạt động trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Người thực thi sứ vụ không chỉ bằng lời rao giảng, các phép lạ, mà còn bằng việc trừ quỷ. Thế nhưng, trích đoạn Tin Mừng hôm nay, các luật sĩ lại cho rằng Đức Giêsu bị quỷ ám; Người dùng quyền lực của quỷ vương mà trừ. Theo họ, Đức Giêsu thuộc về nước của Satan.

Qua dụ ngôn, Đức Giêsu đã chỉ cho họ thấy: Nếu việc trừ quỷ là nhờ quyền lực của quỷ vương, thì nước nó đã bị chia rẽ và đến giờ tận diệt. Ngược lại, việc xua trừ ma qủy là dấu chỉ cho thấy sự thất bại của Nước Satan trong cuộc chiến với Nước Thiên Chúa (Mc 1, 22-25, 33); mà hiện thân của Nước Thiên Chúa là chính Đức Giêsu (Mt 12,28; Ga 12,31). Qua hành động của Người, Nước Thiên Chúa được thiết lập và tỏ hiện ra với đặc tính thương xót. Đằng sau những việc Đức Giêsu làm là Thiên Chúa, Đấng đã ban tràn đầy cho Người Thánh Thần, sức mạnh tạo dựng, chữa lành và ban sự sống. Quả vậy, Thánh Thần đã luôn hiện diện và tác động trong mọi biến cố của Đức Giêsu (Mt 1,18-20; Mc 1,10,12; Lc 4,1,14). Với quyền lực này, Người làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp và trong lành (Mc 1,10; St 1,2). Nghịch lý thay, ma quỷ, khi thấy Đức Giêsu, đã nhận ra Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1,24), lẽ ra là cái nhìn của những người thuộc về Nước̀ Thiên Chúa; còn những luật sĩ, những người học biết, am tường Kinh Thánh lại nhìn Đức Giêsu dưới quan điểm của ma quỷ. Nhận định của các kinh sư về Đức Giêsu không chỉ là hệ quả của sự đố kỵ, ghen ghét; mà còn thể hiện thái độ khép kín tâm hồn và chối bỏ ơn huệ của Thiên Chúa, đến độ đồng hóa việc làm của Thánh Thần với việc làm của ma quỷ.

Giáo hội là hiện thân của Nước Thiên Chúa giữa trần gian, là ngôi nhà được Thiên Chúa xây nên; Kitô hữu được gia nhập vào đó nhờ Bí tích Rửa tội. Qua bí này, chúng ta nhận lãnh Thánh Thần; dồng thời, mỗi người được mời gọi sống con người mới là làm triển nở ơn huệ của Thánh Thần để hoàn thiện chính mình và mưu cầu lợi ích cho tha nhân (Gl 5,22). Sứ điệp Lời Chúa hôm nay còn nhắc nhở chúng ta về cách nhìn nhận con người và việc làm của anh chị em mình trong cộng đoàn. Chúng ta sẽ xúc phạm đến Thánh Thần khi chống lại các việc tốt của người như nói xấu, kết tội họ vì chúng ta không làm được như họ.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được phúc làm con Chúa khi chúng con được ở trong Giáo hội của Ngài. Xin cho chúng con luôn ý thức chúng con thuộc về Chúa, mà hăng say chu toàn sứ vụ là làm lan tỏa lòng thương xót của Chúa đến cho mọi người, như Đức Giêsu, Con Chúa, nhờ sức mạnh Thánh Thần mà chúng con đã nhận lãnh bởi tình yêu và quyền năng của Ngài. Amen

[/loichua]

Comments are closed.