[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,40-45″]
Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ NGƯỜI KHÁC
VÀ DÂNG LỜI TẠ ƠN CHÚA
“Đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” (Mc 1,44)
Dựa vào đoạn Tin Mừng, xin đưa ra hai ý tưởng như sau, ý tưởng thứ nhất, Chúa nói: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” . Tại sao lại phải đi trình diện tư tế, bởi người tư tế Do thái thời đó có thẩm quyền xác định một người bị bệnh, và bệnh cùi thời Chúa Giêsu không chỉ là một bệnh thể lý, nhưng còn là dấu chỉ Chúa phạt về mặt luân lý, bởi anh phạm một tội gì đó nên Chúa mới để bệnh lộ ra bên ngoài, cụ thể anh đang bị cùi nên tôi loại anh ra ngoài xã hội. Bây giờ khỏi bệnh, anh phải ra trình diện tư tế, nhằm khẳng định anh được Chúa tha tội và được trở lại với đời sống bình thường. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh, nhưng còn cho người này có khả năng để họ được trả lại phẩm giá mà qua vị tư tế xác nhận; như vậy, trả lại phẩm giá con người thì lớn hơn bệnh tật thể lý. Nhiều khi có người không bị bệnh tật về thể lý, nhưng lại bị loại trừ trong xã hội, chính chúng ta loại trừ họ bằng ánh mắt, cử chỉ. Điều này muốn nói chính chúng ta phải trả phẩm giá mà ta xúc phạm đến họ. Đôi khi có những khiếm khuyến này khiếm khuyết nọ, chúng ta nhìn họ trong ánh mắt soi mói và loại trừ. Bây giờ chúng ta phải trả lại cho họ, và nhìn họ bằng ánh mắt với một phẩm giá tôn trọng.
Ý tưởng thứ hai, dâng của lễ để minh chứng được chữa lành và tạ ơn Chúa. Của lễ ở đây không phải là vật chất mà là tâm hồn mỗi người, như trong Cựu Ước có nói lễ vật Chúa ưa thích là tâm hồn chứ không phải lễ vật bề ngoài. Như vậy, đối với Chúa dâng của lễ là dâng tâm hồn của chúng ta, sống làm sao cho đẹp lòng Chúa, nghĩa là khi chúng ta đón nhận ân sủng của Chúa, ta sống xứng đáng với ơn Chúa ban cho. Nhiều khi ta nghĩ ơn Chúa ban cho, chúng ta nhận được và sử dụng thoải mái, đôi khi ta còn không nhận ra ơn Chúa để đáp đền, thậm chí có thì được, không có thì thôi. Tạ ơn Chúa cũng còn nghĩa là nhận biết Chúa yêu thương ta, ta cũng phải yêu thương người khác. Mối tương quan với người khác và cách thức biểu lộ lòng yêu thương chính là lời tạ ơn.
Lạy Chúa, phẩm giá mỗi người đều được tôn trọng như nhau, xin cho chúng con biết sử dụng lời lẽ tốt đẹp để xây dựng mối tương quan trong cộng đoàn tốt hơn. Chúa đã cho chúng con được hiện diện trên cõi đời này, xin cho chúng con sống ơn gọi cho xứng đáng, bởi chúng con sẽ phải ra trước tòa Chúa để trả lời về những gì Chúa đã ban cho con. Và vì thế cuộc sống chúng con là câu trả lời cho ân huệ Chúa ban cho. Amen.
[/loichua]