[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 10,17-22″]
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mátthêu
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LÀM CHỨNG CHO CHÚA
“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết” (Mt 10,18).
Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ. Đó là chân lý được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi tín hữu Timôthê (1Tm 2,4). Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài cho mưa xuống trên người tốt cũng như kẻ xấu. Ngài không chỉ muốn cứu độ những người tốt nhưng còn là cả những người xấu nữa.
Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ biết rằng chính khi cuộc đời bị xem là thê thảm nhất: bắt bớ và bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền thì đó là cơ hội để làm chứng cho Chúa. Chúa Giêsu không dạy các môn đệ phản kháng những người bắt bớ mình với lời lẽ chua cay độc địa hay la lối thoá mạ như cách nhân tình thế thái vẫn thường làm. Chúa Giêsu dạy các môn đệ làm chứng cho Chúa ngay giữa lúc nghịch cảnh để sự kiên trung của các môn đệ trở nên lời chứng sống động biến đổi lòng người và giúp họ đón nhận tin mừng cứu độ.
Cuộc đời của Chúa Giêsu là một lời rao giảng yêu thương và chính trong cuộc khổ nạn của Ngài lời rao giảng ấy trở nên sống động hơn bao giờ hết. Từ vườn Giếtsêmani cho đến đỉnh cao thập giá Chúa Giêsu chưa một lần thốt ra một lời tiêu cực để đối kháng lại với những người đã gây ra bản án bất công cho mình. Không những thế, Chúa còn tha thứ và cầu nguyện cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúa Giêsu đã làm chứng đến cùng cho lời rao giảng tình yêu về một Thiên Chúa luôn yêu thương con người bất chấp con người bội nghĩa vong ân hay thậm chí chống đối lại Ngài.
Thánh Stêpahnô mà Giáo Hội mừng kính hôm này cũng đã đi theo con đường của Chúa Giêsu, sống và chết để làm chứng cho Tin Mừng tình yêu. Trước khi chết, thánh Stêphanô đã nên giống Chúa Giêsu: tha thứ và cầu nguyện cho những người kết án bất công mình. Chắc chắn những gì thánh Stêphanô làm không rơi vào quên lãng. Thiên Chúa sẽ làm trổ sinh hoa trái hạt giống Tin Mừng được gieo nơi thánh Stêphanô.
Giáo Hội mừng lễ thánh Stêphanô liền sau ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Giữa niềm vui Giáng Sinh đang còn ngập tràn thì sự hy sinh vì Tin Mừng đến độ phải mất mạng sống như dập tắt bầu khí đó. Không phải thế, niềm vui Giáng Sinh là niềm vui chúng ta có được không vì điều gì khác hơn ngoài việc chúng ta biết được rằng chúng ta được Thiên Chúa cứu độ. Sống niềm vui Giáng Sinh không chỉ là sống trong sự bình an vì biết rằng Chúa đã cứu độ chúng ta nhưng còn phải trở nên chứng nhân về một Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người bất luận tốt xấu. Thế nên, trong bối cảnh Giáng Sinh và ngày lễ Thánh Stêphanô, bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống chiều kích niềm vui Giáng Sinh bằng cách trở nên chứng nhân về tình yêu Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh ngay cả những lúc chúng ta gặp gian nan thử thách.
Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết sống và làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, để nhờ đời sống của chúng con, mọi người có thể nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Amen.
[/loichua]