Thứ Hai tuần XI Thường Niên – Ngày 19/6/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 5,38-42″]

Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn thầy, thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

LÀM ĐIỀU THIỆN CHO MỌI NGƯỜI

“Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39)

Mahatma Gandhi là một con người được biết đến với triết lý bất bạo động. Triết lý này chủ trương không dùng đến bạo lực, nhằm đạt được hòa bình lâu dài. Bất bạo động không phải là không hành động, mà là hãy hành động với sự yêu thương, làm điều thiện cho kẻ thù. Nó là một việc khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn để giành chiến thắng.

Trong bài Tin mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu là người “gieo mầm cho triết lý bất bạo động” cấm sự đánh trả người làm điều ác: “đừng chống trả người ác” (Mt 5,39), nghĩa là không để mình bị vướng vào vòng luẩn quẩn của sự ác, bạo lực sinh ra bạo lực. Khuynh hướng tự nhiên khiến chúng ta dễ muốn trả thù, và khi trả thù thì thường ra tay nặng hơn mức người ta gây cho mình. Thế nên, Cựu ước hạn chế sự trả thù đúng với mức thiệt hại người ta gây cho mình: “mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn với Chúa Giêsu, chẳng những Ngài dạy phải vượt qua sự công bằng theo luật, mà phải vươn lên cách sống tinh thần bất bạo động, không báo thù. Có như thế, chúng ta mới diệt được tận căn cái ác ở trong lòng mình. Không trả thù không đồng nghĩa là thái độ của kẻ yếu. Trái lại, đó là thái độ của kẻ mạnh. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả thù vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ có một tình thương rất mạnh mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả thù kẻ xúc phạm mình.

Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, ở mức độ đầu tiên là bất bạo động: “Khi Ngài bị sỉ nhục, Ngài không sỉ nhục lại” (1 Pr 2,23). Đi xa hơn nữa, ở mức độ cao hơn là yêu mến người làm điều ác: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44); chính Thánh Phaolô cũng mời gọi “đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (1 Tx 5,15). Như thế, là người Kitô hữu, mỗi người chúng ta được mời gọi chết đi cho chính mình để có được sự sống mới trong Chúa Kitô. Sống chủ động luôn cho đi vì Chúa và vì người khác. Mỗi người được mời gọi hãy “hăng say làm việc thiện” cho tha nhân (Tt 2,14), “bền chí làm việc thiện” (Rm 2,7), “đừng sờn lòng nản chí” (2 Tx 3,13).

Lạy Chúa, chúng con được kêu mời hãy phấn khởi làm điều thiện cho tha nhân từ suy nghĩ đến lời nói và việc làm: nghĩ tốt cho anh em, nói những lời bình an với tha nhân, tìm kiếm điều thiện, và sẵn lòng giúp anh em. Xin giúp chúng con từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.