[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 13, 18-21″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỨC MẠNH NỘI TẠI CỦA NƯỚC TRỜI
.
Ngày nay, nhờ nghệ thuật quảng cáo hiện đại, các sản phẩm được giới thiệu hấp dẫn hơn. Cũng vậy, các quốc gia muốn phô trương mình, thì khoe cho thế giới thấy vũ khí, kinh tế, và công nghệ hiện đại. Trái lại, Chúa Giêsu khi giới thiệu về Nước Trời thì không như thế. Người đi từ những hình ảnh rất khiêm tốn và nhỏ bé là hạt cải và nấm men để diễn tả sức mạnh nội tại của Nước Trời.
Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to tăng trưởng đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào ba thúng bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một nắm men nhỏ có thể làm dậy cả ba thúng bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được biểu lộ bằng đức tin mà thôi. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã so sánh Nước Trời với hạt cải, người ta lấy và gieo vào vườn. Nó lớn lên và thành một cây to. Tương tự, Nước Trời như một nắm men có thể làm dậy ba thúng bột. Như vậy, Nước Trời có sự tăng trưởng mà không có gì đè nén hay cản ngăn được vì đó là sức mạnh của sự sống thần linh. Do đó Nước Trời không phải là một cái gì có sẵn, một cái gì đã hoàn tất và ở thế tĩnh, nhưng Nước Trời lớn lên và tăng triển cách sống động.
Trước thực trạng phong trào tục hoá, và sự lên ngôi của lối sống hưởng thụ và quyền tự do cá nhân tuyệt đối, có rất nhiều gia đình Công giáo đang bị tha hoá. Họ bị cuốn vào lối sống hưởng thụ và đặt giá trị vật chất lên hàng đầu. Vì thế, nhiều gia đình bị lung lay đức tin, có khi mất đức tin vì chỉ bận tâm đến chuyện làm ăn mà bỏ bê các việc đạo đức, nhất là tham dự thánh lễ. Trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô nói đến gương mẫu sống động nơi đời sống gia đình. Ngài nhấn mạnh: người vợ hãy phục tùng chồng, còn chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh (Ep 5,22-23).
Tuy nhiên, hoàn cảnh nơi các gia đình Công giáo ở một số nơi nay đã thay đổi. Cả nhà giờ mỗi người chọn cho mình một góc riêng để thoả mãn các nhu cầu riêng. Bố lướt facebook hay zalo, tiktok, mẹ cũng vậy và con chơi điện tử, tán gẫu với bạn bè. Sống chung trong một mái nhà, nhưng dường như chẳng ai còn quan tâm đến ai nữa. Ai có chuyện vui hay buồn thì cũng lên mạng. Trước thực trạng này, chúng ta cần ý thức về tình yêu và giá trị gia đình, để mỗi gia đình trở thành vườn ươm đức tin, một Nước Trời ngay trong ngay chính gia đình.
Chúng ta hãy xin Chúa mở rộng con mắt đức tin, để chúng ta nhận thấy tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hằng ngày, để nhờ đó biết quan tâm đến những người xung quanh. Xin cho chúng ta luôn kiên trì trong mọi thử thách và hy vọng vào Chúa trong mọi sự.
[/loichua]