[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 12,1-11″]
12,1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5 “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” 6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7 Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
9 Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 10 Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, 11 vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
GIÁ CỦA TÌNH YÊU
“Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm” (Ga 12,3).
Thông thường, khi yêu nhau, người ta dành cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất. trong sách Diễm ca, nhân vật “nàng” vì quá nhớ nhung người mình yêu, nên đã rảo bộ qua khắp phố phường, bất chấp những lời nhạo báng, chê cười của mọi người, bất chấp việc bị lính gác thành đánh đập, cướp cả áo choàng, chỉ để tìm gặp được người mình yêu (x. Dc 5, 7). Qua các hành động của mình, nhân vật “nàng” đã cho chúng ta thấy cái giá cô đã phải trả để có thể ở gần người mình yêu.
Trong bài Tin Mừng cộng đoàn vừa nghe, cô Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất mà xức chân Đức Giêsu. Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, dầu cam tùng là loại thổ sản của Ấn Độ và vùng núi Hymalaya, rất quý hiếm. Loại dầu thơm này thường được đựng trong một loại lọ ngà, mà muốn lấy dầu ra, người ta phải đập gẫy cổ lọ . Chi tiết đập vỡ lọ để lấy dầu không được thánh sử Gioan nói đến, nhưng phúc âm Marcô có đề cập qua (x. Mc 14, 3).
Ở đây, chúng ta xem xét đến hai thái độ của những người trong bữa tiệc. Ngoại trừ Chúa Giêsu, những người trong Tin Mừng không biết rằng giờ chết của Người đang đến gần . Trong khi Giuđa mải so đo, tính toán, kêu trách về hành động lãng phí của cô Maria, vì một cân dầu thơm đó đáng giá tới 300 đồng bạc, tương đương với mức lương của một người thợ góp nhặt trong một năm trời (x. Mt 20, 9), và gấp 10 lần số tiền Giuđa định bán Chúa (x. Mt 26, 15), thì cô Maria đã không ngại ngần mà dùng số dầu thơm ấy để xức chân Chúa Giêsu. Vì yêu mến Chúa, cô không e ngại đón nhận những lời chỉ trích, dè bỉu từ phía Giuđa và những người khác. Vì tình yêu, cô không ngại bỏ ra tất cả những gì cô cho là quý giá để trao tặng người cô thương mến. Đối với một số người, hành động vì tình yêu của cô có giá đến 300 đồng bạc, còn đối với chính Maria, tình yêu của cô dành cho Chúa Giêsu là vô giá.
Hành động của cô Maria đã được Chúa khen ngợi, Người bào chữa cho cô, và mạc khải ý nghĩa sâu xa của hành động xức dầu: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy” (Ga 12, 7). Chúng ta đang bước vào Tuần Thánh. Trong những ngày này, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng thông hiệp với Đức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục sinh. Liệu chúng ta có dám dành thời gian, tâm trí, sức lực chúng ta để suy gẫm, cảm nghiệm, thông hiệp vào mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, cảm nhận tình yêu tột cùng người dành cho nhân loại, như cô Maria xưa đã dành hết những gì tốt đẹp nhất cho Đức Giêsu, người mà cô thương mến?
Trong tâm tình chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, với đỉnh cao là Tam nhật Thánh và đêm Vọng Phục sinh, chúng ta cùng cầu xin Chúa giúp chúng ta có một tâm hồn luôn quảng đại rộng mở, cảm nghiệm được tình yêu to lớn mà Chúa đã dành cho chúng ta, đồng thời giúp chúng ta trở thành những con người dám sống hết mình vì tình yêu Đức Kitô, như lời kinh chúng ta vẫn thường đọc: xin cho chúng con dám sống và chết vì Chúa và cho tha nhân.
[/loichua]