Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên – Ngày 27-07-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 13,36-43″]

Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe”. 

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

HẠT GIỐNG TỐT HAY CỎ LÙNG

“Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần” (Mt 13,38).

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đó là câu châm ngôn và cũng là bí quyết canh tác ruộng đồng của người nông dân Việt Nam để có được vụ mùa bội thu. Yếu tố giống tốt chỉ được xếp vào hàng thứ tư, sau yếu tố: nước, phân và sự cần cù. Điều này hoàn toàn dễ hiểu trong hoàn cảnh chuyên canh lúa nước của người nông dân Việt Nam. Nhưng với điều kiện tự nhiên cũng như cách thức canh tác của người nông dân Do Thái thì giống tốt mới là điều quan trọng nhất. Giống tốt sẽ phát triển mạnh, kháng sâu hại, lấn át cỏ lùng và cho kết quả tốt.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có cảm tưởng rằng Chúa Giêsu là một người không có kinh nghiệm cũng như không am hiểu mấy về việc trồng trọt. Chẳng ai trồng trọt mà để trong ruộng của mình cả giống tốt và cỏ lùng cùng mọc lên. Dù giống có tốt đến mấy thì chẳng mấy chốc cỏ lùng cũng sẽ lớn nhanh hơn và làm cho giống tốt trở nên èo uột. Đó là suy luận thông thường của lý trí con người, nhưng đối với lý lẽ của trái tim Đấng giàu lòng thương xót thì lại hoàn toàn khác. Chúa Giêsu mượn hình ảnh này để nói về thực tại của thế gian. Thiên Chúa để cho “hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời và cỏ lùng là con cái Ác Thần” (Mt 13, 38) sống chung vì “Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8). Người nhân từ để cho người tội lỗi có thời gian mà ăn năn sám hối, trở về cùng Người vì “Người không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó từ bỏ con đường tội lỗi mà được sống” (Ed 18, 23).

Chẳng ai nghĩ mình là cỏ lùng hay con cái ác thần cả. Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự là tốt đẹp (St 1,31) nhưng lại có sự ác, xấu xa trong thế gian. Đó là vì con người đã lạm dụng tự do, chiều theo cám dỗ của ma quỷ và đam mê của dục vọng thấp hèn mà phản nghịch chống lại Thiên Chúa. Vì lẽ đó, giống tốt cũng có thể trở thành cỏ lùng lúc nào không hay. Đến ngày tận thế “các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người” (Mt 13,41).

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi hãy có cái nhìn nhân hậu và thương xót với lỗi lầm của anh chị mình. Chẳng ai trong chúng ta là hạt giống tốt tinh tuyền không nhiễm chút bụi nhơ nào. Vậy nếu Thiên Chúa đã tha thứ và nhẫn nại với lỗi lầm của chúng ta, chúng ta cũng hãy nhân hậu với anh chị em mình. Hôm nay, tôi còn xấu nhưng biết đâu ngày mai tôi sẽ tốt hơn. Ngược lại, hôm nay tôi tốt lành nhưng rất có thể tôi sẽ sa ngã và trở nên xấu.

Xin Chúa giúp chúng ta biết sử dụng tự do cách xứng hợp với danh nghĩa Kitô hữu của mình, biết suy nghĩ điều tốt và chọn làm điều thiện để trở nên con cái Nước Trời. Đồng thời biết đối sử nhân hậu và thương xót với anh em như chính Chúa đã nhân hậu và thương xót chúng ta.

[/loichua]

Comments are closed.