Giải đáp phụng vụ: Tại sao không đọc Kinh cầu các thánh trong Lễ cưới?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Khi nào Kinh cầu các thánh có thể được sử dụng? Liệu kinh này có thể thích nghi với các nghi thức phụng vụ, mà chưa được dành cho các nghi thức ấy không? Tại sao Kinh được sử dụng và cho mục đích gì? Kinh cầu các thánh được sử dụng trong lễ rửa tội, lễ truyền chức, trong các làm phép và thánh hiến các địa điểm (nhà thờ) và con người, trong Đêm Vọng Phục Sinh, vv. Tình huống cụ thể mà con đang đề cập là trong lễ cưới. Lễ cưới là một thời điểm quan trọng trong cuộc sống của đôi vợ chồng, và họ chọn một ơn gọi đặc biệt. Con hiểu rằng Kinh cầu các thánh được sử dụng để nhận biết, để kêu gọi các vị thánh cầu nguyện cho các người sắp được truyền chức hoặc khấn Dòng, nhưng nghi thức không cung cấp Kinh cầu các thánh trong lễ cưới. Nếu có một ơn gọi cần sự giúp đỡ rõ ràng của các thánh, thì con nghĩ đó sẽ là ơn gọi hôn nhân. Có vẻ kỳ lạ là tại mỗi thời điểm quan trọng khác trong cuộc sống của một người, Kinh cầu các thánh được hát, nhưng không phải trong lễ cưới. Liệu có là thích hợp để đưa Kinh cầu các thánh vào nghi thức lễ cưới không? Vì Kinh cầu các thánh có thể bao gồm công thức cho các lời cầu bầu chung, liệu cha có thấy là phù hợp để thay thế lời nguyện tín hữu bằng Kinh cầu các thánh không? – J. M., Sydney, Úc.

Đáp: Kinh cầu các thánh (từ tiếng Hy Lạp “lite”, cầu nguyện) là một hình thức cầu nguyện tập thể đơn giản và phổ biến, mà trong Hội Thánh sơ khai đã được sử dụng trước khi giải tán các dự tòng, vì họ không thể tham dự trong lời nguyện tín hữu. Thông thường một phó tế hoặc một độc viên sẽ liệt kê một loạt lời cầu đơn giản, và mọi người sẽ trả lời bằng một cụm từ như “Cầu cho chúng con.”

Nguồn gốc của Kinh cầu các thánh là chưa được biết rõ ràng, và các hình thức của lời cầu nguyện này cũng tồn tại trong văn hóa Do Thái và ngoại giáo. Có bằng chứng sớm về việc sử dụng hình thức Kinh cầu các thánh ở Rôma từ trước năm 225.

Kinh cầu các thánh được chia thành hai thành phần: việc mời gọi danh sách các vị thánh, và một loạt các lời khẩn cầu trực tiếp đến Thiên Chúa, vốn gần như chắc chắn là xưa cũ hơn so với danh sách các vị thánh.

Trong khi sự thực hành một danh sách ngắn các vị thánh được viết bằng tiếng Hy Lạp có thể đã bắt đầu ở Rôma, dưới thời Giáo hoàng Sergius (687-701), có vẻ như Kinh cầu các thánh mà chúng ta biết ngày nay, đã phát triển ở Ireland và Anh trong thế kỷ VIII, và từ đó Kinh trở về lục địa châu Âu một trăm năm sau hoặc trễ hơn nữa.

Trong khi Kinh cầu các thánh được tìm thấy trong một số nghi thức khác nhau, điều này không phù hợp với một kế hoạch đã định. Thay vào đó, Kinh đã phát triển độc lập trong mỗi nghi thức theo một thang thời gian khác nhau, và bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng Kinh là cho phụng vụ rửa tội.

Chức năng thiết yếu của Kinh là cầu khẩn sự cầu bầu của các thánh và sự bảo vệ của Chúa, trước một thời điểm đặc biệt hoặc một nghi thức đặc biệt quan trọng. Kinh đôi khi cũng được sử dụng trong cuộc rước; thí dụ, một Kinh cầu các thánh đặc biệt đôi khi đi kèm với cuộc rước vào nhà thờ cho một số buổi cử hành giáo hoàng có ý nghĩa đặc biệt và long trọng.

Nghi thức hôn phối có lẽ chưa bao giờ có một Kinh cầu các thánh, bởi vì việc ấn định các hình thức thiết yếu của nghi thức này đã xuất hiện nhiều thế kỷ, trước khi có sự sử dụng Kinh cầu các thánh.

Mặc dù ý tưởng đưa Kinh cầu các thánh vào bối cảnh của một lễ cưới không phải là không xứng đáng, nhưng sẽ là không đúng nếu thay thế độc lập lời nguyện tín hữu bằng Kinh cầu các thánh, vì điều này sẽ làm thay đổi nghi thức đã có của hôn phối Kitô giáo.

Vì hôn nhân là một trong các nghi thức, mà Hội đồng Giám mục hưởng sự rộng rãi để thích nghi với nhu cầu địa phương, nên sẽ không thể tưởng tượng được một Hội đồng Giám mục quốc gia cụ thể đề nghị Tòa Thánh giới thiệu một hình thức Kinh cầu các thánh nào đó.

Tuy nhiên, sẽ không có khó khăn đặc biệt nào trong việc đưa một số hình thức Kinh cầu các thánh vào bối cảnh lời nguyện tín hữu. Thí dụ, một lời cầu xin như: “Xin cho anh.. và chị.. có thể bắt chước trong cuộc sống của họ các vị thánh đã được nên thánh trong đời sống kết hôn, đặc biệt là thánh Priscilla và Aquila, thánh N. và thánh M. , v.v., mà chúng con cần lời cầu bầu của các ngài hôm nay.”

Một số bạn đọc bình luận về triển vọng sử dụng Kinh cầu các thánh trong lễ cưới.

Một linh mục đã viết: “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ chia sẻ với cha một cách sử dụng thú vị Kinh cầu các thánh, mà tôi đã thấy trong một lễ cưới, mà tôi đã tham dự khi tôi còn là một chủng sinh. Kinh cầu các thánh này được sử dụng làm bài hát tập họp trong cuộc rước vào nhà thờ. Tôi thấy thật là thú vị để đưa Kinh cầu các thánh vào lễ cưới. Tôi nói thêm rằng cuộc rước là một cuộc rước đông người thực sự, và không chỉ là một lối đi vào lạ mắt của cô dâu.”

Sự sử dụng Kinh cầu các thánh được mô tả này, như một bài ca tập họp hoặc bài ca cho cuộc rước, là khá thích hợp.

Một bạn đọc khác thông báo với tôi rằng, một vài Hội đồng Giám mục đã được phê duyệt hoặc đang trong quá trình phê chuẩn và đệ trình lên Tòa Thánh để phê chuẩn, các nghi thức sửa đổi cho lễ cưới, vốn thấy trước khả năng thay thế Kinh cầu các thánh cho lời nguyện tín hữu.

Có một số câu hỏi khác liên quan đến lễ cưới. Một bạn đọc từ Ottawa, Canada, hỏi: “Sau khi thảo luận về ý tưởng đám cưới với người yêu của con, con biết là lễ cưới của chúng con sẽ có tới bốn linh mục! Đâu là vai trò thích hợp trong lễ cưới cho các linh mục ‘có thêm’ này? Các vị chỉ là khách thuần tuý sao? Các vị ‘đồng tế’ (một thuật ngữ không chính xác, nhưng lại trốn tránh con) lễ cưới chúng con được không?”

Không có gì khó khăn trong việc các linh mục đồng tế trong một lễ cưới. Tuy nhiên, chỉ có cha xứ hoặc một linh mục được ủy nhiệm để chứng nhận lời hứa hôn phối, có thể điều hành các nghi thức hôn phối đặc biệt, vốn không thể được phân công cho các thừa tác viên khác. Tuy nhiên, vì các lý do nghiêm trọng, một linh mục khác có thể giảng lễ.

Một bạn đọc từ Việt Nam đã đề cập đến một điều mới lạ khác thường: “Tại giáo xứ của chúng con, đôi khi hai người đọc chia sẻ cùng một bài đọc trong Thánh lễ, đặc biệt là trong lễ cưới, mà trong đó cô dâu đọc nửa bài và chú rể đọc tiếp nửa bài đọc. Thưa cha, con ngạc nhiên là liệu sự thực hành này được cho phép không?”

Vì các quy định phụng vụ không thể bao gồm tất cả những gì trí tưởng tượng có thể pha chế ra, nên điều ấy là không bị cấm rõ ràng. Nhưng nó đi ngược lại thực hành phụng vụ đúng đắn. Nếu cả cô dâu và chú rể đều muốn đọc, thì một người đọc bài đọc, còn người kia đọc thánh vịnh. Sách bài đọc cho các thánh lễ nghi thức cũng cho phép khả năng thêm một bài đọc thứ hai.

Cuối cùng, một bạn đọc từ Michigan, Hoa Kỳ, đã viết: “Vào tháng 7, một đám cưới dự kiến sẽ diễn ra tại giáo xứ của chúng con trong Thánh lễ 6 giờ chiều bình thường của chúng con. Một số giáo dân buồn bã về điều này, và cho rằng đám cưới phải được diễn ra trong một Thánh lễ riêng. Xin cha giải thích liệu điều này được cho phép không. Con nên nói với cha rằng chúng con đang ở trong một cộng đồng bán nông thôn, và cha xứ chúng con, cũng như rất nhiều linh mục khác, phải coi sóc hai giáo xứ lận.”

Không có quy tắc nào về việc đám cưới diễn ra trong một Thánh lễ riêng biệt. Và thậm chí đôi khi, một số bí tích, như bí tích rửa tội và thậm chí bí tích hôn phối, nên được cử hành trong Thánh lễ Chúa nhật nữa.

Điều này giúp làm nổi bật ý thức cộng đồng của các bí tích này. Hôn nhân “trong Chúa” không chỉ là chuyện riêng tư, mà là nguồn vui cho cả cộng đồng Hội Thánh. Một lễ cử hành như vậy cũng sẽ giúp nhắc nhở các cặp vợ chồng rằng, cam kết của họ không chỉ đối với nhau, mà còn đối với Thiên Chúa và Hội Thánh nữa.

Vì một lễ cưới trong Thánh lễ Chúa nhật bình thường có thể dẫn đến một số khó khăn thực tế, cha xứ cần phải tính đến nhu cầu của các người đi nhà thờ thường xuyên. Bằng cách thông báo trước, cha xứ đã đảm bảo rằng các người không muốn tham dự thánh lễ ấy, họ sẽ có nhiều thời gian để thiết lập các kế hoạch khác thay thế.

Ngoài ra còn có một số quy định cụ thể liên quan đến các tình huống, khi có thể cử hành Thánh lễ Hôn phối vào Chúa nhật, và trong trường hợp nào các bài đọc Chúa nhật thông thường có thể được thay đổi. Nếu các bài đọc và lời nguyện được lấy từ Thánh lễ nghi thức tại một giáo xứ, vốn thường xuyên cung cấp các bài đọc thánh lễ cho các tín hữu, thì nên chuẩn bị đầy đủ các tập nhỏ cho tất cả những ai tham dự. (Zenit.org 19-6 và 3-7-2007)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.