Giải Đáp Phụng Vụ: Bệnh Nhân Ebola (Gần Như Covid-19) Lãnh Bí Tích Như Thế Nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Xin cha vui lòng hướng dẫn cách thức ban các bí tích cho bệnh nhân Ebola mà không làm cho người đó nghĩ rằng mình bị linh mục từ chối ban bí tích. Cần lấy các biện pháp nào trong tình hình như vậy? – V. B., Kokstad, Nam Phi.

Lời người dịch: Dịch bệnh virus Ebola bắt đầu tại Guinée trong tháng 12-2013 nhưng đã không được phát hiện cho đến tháng 3-2014, sau đó nó lây lan sang Liberia, Sierra Leone, Nigeria và các nước khác. Tính đến ngày 8-5-2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tổng cộng 28.646 trường hợp lây nhiễm, và 11.323 trường hợp tử vong. Còn virus Covid-19 bắt đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 12-2019, lây làn qua hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 28-3-2020, đã có 597.252 người nhiễm dịch bệnh này, trong đó 27.365 người tử vong và 133.363 người được chữa khỏi.

Đáp: Theo Bộ Giáo luật 1983, chúng ta đọc:

“Ðiều 1000 §1. Sự xức dầu phải cử hành nghiêm chỉnh cùng với những lời đọc, theo thứ tự và cách thức đã quy định trong sách phụng vụ. Tuy nhiên, khi khẩn thiết, chỉ xức dầu trên trán hay trên một phần khác của thân thể cũng đủ; nhưng phải đọc trọn vẹn mô thức của Bí Tích.

“§2. Thừa tác viên phải xức dầu bằng chính tay của mình, trừ khi có lý do quan trọng khuyên nên dùng một dụng cụ” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Một bệnh dễ lây nhiễm như Ebola là quá đủ để đảm bảo cho thừa tác viên sử dụng một dụng cụ.

Các chuyên viên giáo luật, khi bình luận về điều luật trên, thường cho rằng thông thường, dù cho tình hình của người bệnh là như thế nào chăng nữa, thừa tác viên sẽ có thể có các biện pháp bảo vệ chống lại sự lây nhiễm như các y tá và bác sĩ đã làm.

Trong trường hợp của Ebola và các sự lây nhiễm nguy hiểm khác, điều này có nghĩa rằng một thừa tác viên nên mang bộ áo sinh học cao cấp, và tuân theo các qui định nghiêm ngặt cần thiết, để tránh sự lây nhiễm cho mình, và từ mình có thể lây nhiễm cho các người khác nữa.

Thừa tác viên cũng nên cẩn thận chuẩn bị việc cử hành bí tích, bằng cách dùng một lọ dựng dầu thánh (và có thể hộp đựng Mình Thánh Chúa nữa) theo cách như thế nào đó, để cho lọ này có thể được phá hủy hợp lệ, hoặc hoàn toàn được khử nhiễm.

Sau khi đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa trên, linh mục có thể giải tội cho bệnh nhân, ban bí tích Xức Dầu Thánh và cho Rước lễ.

Nếu không thể thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa ấy, linh mục nên tự hạn chế mình là không làm bất cứ sự gì đụng đến người bệnh.

Thí dụ, linh mục có thể thiếu mức độ cần thiết của kiến thức y tế, để tuân giữ các biện pháp tránh lây nhiễm, và nhiệm vụ của các nhân viên y tế là cấm ngài có bất kỳ sự tiếp xúc thể lý nào với bệnh nhân. Trong trường hợp này, linh mục có thể giải tội và xức dầu cho bệnh nhân từ xa, hoặc từ đàng sau tấm kính cách ly.

Trong các trường hợp này, linh mục có thể dùng các phương tiện nhân tạo, như điện thoại liên lạc để tạo thuận lợi cho sự giao tiếp, miễn là linh mục có thể quan sát rõ ràng bệnh nhân đang xưng tội, ngay cả khi cách nhau bằng tấm kính chịu lực. Linh mục có thể ủy quyền cho một nhân viên y tế cho bệnh nhân Rước lễ nữa. Chỉ tiếc một điều trong trường hợp này, là linh mục không thể ban bí tích Xức dầu cho bệnh nhân.

Đây chắc chắn là một sự hy sinh cho cả bệnh nhân và linh mục, nhưng cả hai cũng chia sẻ trách nhiệm để tránh làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người khác.

Ngoài trường hợp xức dầu cho các người đã có dấu hiệu lây nhiễm, Giám mục có thể thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa khác để hạn chế sự lây nhiễm, dựa vào bản chất của căn bệnh cụ thể.

Để tránh sự lây nhiễm qua sự tiếp xúc thể lý, một số Giám mục loại bỏ cử chỉ chúc bình an trong Thánh Lễ, hoặc qui định rằng việc chúc bình an này cần được thực hiện bằng sự cúi đầu đơn giản, hoặc cử chỉ tương tự với các người gần mình nhất, thay vì sự bắt tay hoặc ôm nhau.

Một số Giám mục đã tạm thời cấm cho rước lễ trên lưỡi trong thời dịch bệnh nữa.

Một số người phủ nhận rằng Giám mục có thẩm quyền đưa ra lệnh cấm như thế. Trong năm 2009, nhân một dịch cúm nặng, Thánh Bộ Phụng Tự nhắc lại trong một thư riêng (Prot. N 655/09/L), rằng luôn luôn và ở khắp mọi nơi các tín hữu có quyền rước lễ trên lưỡi (huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 92).

Đồng thời, trong các trường hợp nghiêm trọng thật sự – thí dụ, một sự lây nhiễm hầu như qua chất dịch cơ thể – thật là khó để cho rằng một Giám mục sẽ không thể đình chỉ các luật chung vì công ích.

Trong các trường hợp tương tự, các Giám mục ở nhiều nơi trên thế giới còn đi xa hơn, khi ngưng mọi Thánh lễ công khai trong một giáo phận để ngăn ngừa lây nhiễm. Việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật là một luật cao hơn so với cách thức Rước lễ. Vì vậy, nếu không có nghi ngờ về thẩm quyền của Giám mục trong việc đầu, thì chắc chắn ngài cũng có thấm quyền trong việc sau.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, sự thận trọng là cần thiết. Các hành động như vậy không nên được xem nhẹ. Chúng cần được ủng hộ với các khuyến nghị y tế, liên quan đến nguy hiểm thực sự của sự lây nhiễm, và được thực hiện, trong thời gian tối thiểu cần thiết.

Trong trường hợp này, các tín hữu, cho dù họ thích Rước lễ trên lưỡi hơn, nên chấp nhận lệnh của Giám mục như một cử chỉ bác ái đối với các người khác, nhằm tránh mọi nguy hiểm cho bản thân mình và cho người khác nữa.

Một số tác giả lập luận rằng, trong một số bệnh lây nhiễm, sự Rước lễ trên tay là không an toàn hơn sự Rước lễ trên lưỡi. Điều này là có thể đúng, nhưng tôi không có kiến thức y tế cần thiết để đi vào thảo luận nhiều hơn. (Zenit.org 11-11-2014)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.