[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 11,45-56″]
Trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập thượng hội đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta”. Một người trong thượng hội đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giêsu. Vậy Đức Giêsu không đi lại công khai giữa người Do Thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim. Người ở lại đó với các môn đệ. Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do Thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giêrusalem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHẾT THAY CHO DÂN
“Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).
Sứ mạng của Chúa Giêsu nơi trần gian không phải là việc chính trị. Ngài đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Các nhà lãnh đạo Do thái, vì óc thành kiến và hẹp hòi, vì sự cứng lòng và cố chấp, vì sợ mất ảnh hưởng và tư lợi, đã từ chối Đức Giêsu và đường lối của Ngài. Còn ai tin thì Ngài ban cho quyền làm con Thiên Chúa.
Sau phép lạ Đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại, chúng ta nhận thấy có hai phản ứng rõ rệt của dân chúng: Một là những người tin nhận Đức Giêsu. Hai là những người không tin và chống đối, đứng đầu là nhóm biệt phái và các thượng tế. Họ triệu tập một công nghị để tìm cách đối phó và loại trừ Đức Giêsu. Họ bàn nhau mượn tay người Rôma để lên án tử cho Ngài. Bấy giờ, thượng tế Caipha đề nghị một giải pháp đơn giản: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: Thà một người chết thay cho toàn dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Cách thức can thiệp, cách ăn nói tự đắc và hơi sỗ sàng của Caipha lộ ra vẻ trịch thượng, ông trách các nhà lãnh đạo Do Thái thiếu khả năng suy xét và đặt kế hoạch. Ở đây, chúng ta nhận thấy tài mỉa mai của Gioan đã đạt đến tuyệt mức: Đức Giêsu sẽ bị họ giết để chết thay cho dân khỏi bị tiêu diệt bởi quân Rôma, nhưng theo thực tế lịch sử, chính dân lại bị tiêu diệt bởi quân Rôma. Mặt khác, theo ngòi bút của thánh Gioan, lời của Caipha đã trở thành lời tiên tri loan báo Đức Giêsu chết để cứu độ mọi người. Như thế, trong sự tính toán vụ lợi của Caipha, Gioan lại làm sáng lên điểm nhấn thần học của mình về cách thức hành động của Thiên Chúa, Đấng đã biến sự dữ thành điều lành, đã chọn sự điên rồ để phá huỷ sự khôn ngoan, chọn sự yếu đuối để phá huỷ kẻ mạnh và chọn sự thấp hèn để kẻ quyền thế bị tước mất quyền lực: Đức Giêsu không chỉ chết cho dân Israel, nhưng còn cho toàn thể nhân loại; qua đó quy tụ mọi người thành một gia đình con cái duy nhất.
Thất bại bên ngoài của Đức Kitô trên Thập giá, lại trở thành sự cứu rỗi vinh quang cho mọi người. Chúng ta nhận được muôn ngàn hoa trái của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta trên Thập giá. Công trình cứu chuộc vẫn tiến triển cho dù chúng ta sa ngã và phản bội. Mùa Chay là cơ hội tốt để nhắc nhớ chúng ta rằng ơn cứu độ vẫn đang được thực hiện mỗi ngày. Đây cũng là dịp để chúng ta dừng lại suy gẫm giây phút vinh quang của Đức Kitô được bày tỏ rõ ràng nhất trên Thập giá: Mỗi lần hy tế Thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế” (1Cr 5,7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Mỗi thánh lễ đều có giá trị vô tận; hoa trái của thánh lễ đối với từng tín hữu tùy thuộc vào tâm tình thái độ của riêng họ. Chúng ta có thể áp dụng điều thánh Augustinô đã nói về thánh lễ và sự tham dự của chúng ta: “Tôi không thể yêu mến một cách keo kiệt bủn xỉn… vì lẽ ra tôi phải khắc ghi vào tâm hồn điều này: Chính vì tôi mà Người đã chịu đóng đinh cho đến chết trên thập giá”. Ơn cứu độ được thực hiện chỉ một lần trong cuộc thương khó, Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu, và được tái hiện lại cho từng người chúng ta một cách hết sức mãnh liệt khi chúng ta tham dự hy tế thánh lễ.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con siêng năng tham dự thánh lễ và ơn cử hành những ngày tuần thánh sắp tới cách sốt sắng. Qua đó, chúng con sẽ kín múc được đồi dào ân sủng từ hy tế Thập giá của Chúa. Amen.
[/loichua]