[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 10,31-42″]
Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?” Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐỨC GIÊSU KITÔ, VỊ THIÊN CHÚA CHỊU BÁCH HẠI
“Họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ” (Ga 10,36)
Khi nói đến “Thiên Chúa chịu bách hại”, chúng ta đụng đến một nghịch lý nan giải: Thiên Chúa vô hình và toàn năng, trong khi sự bách hại thuộc về những gì là hữu hình và giới hạn, vậy làm sao có thể nói Thiên Chúa chịu bách hại? Đó là điều không thể quan niệm xét theo lý trí tự nhiên của con người. Tuy nhiên, vì muốn cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã làm cho điều không thể thành có thể khi Ngài tự hạ cố để trở nên “vừa tầm” với con người. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa vô hình giờ đây đã có thể nghe được, thấy được, đụng chạm đến và thậm chí bị người đời bách hại.
Điều đó đã diễn ra trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Trước những người Do Thái đang sẵn sàng ném đá, Chúa Giêsu đã lập lại lời Người đã từng tuyên bố: “Ta là Con Thiên Chúa”(Ga 10,36). Lời tuyên bố này là một chướng kỳ đối với niềm tin độc thần của người Do Thái và là cái cớ để họ bắt bớ Người. Tuy nhiên, không vì thế mà Chúa Giêsu chối từ chân tính của mình, bởi Người được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian là để làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,37). Việc làm chứng được Chúa Giêsu thực hiện bằng lời nói và những công việc tốt lành mà Người đã thực hiện, để tất cả những ai tin vào danh Người thì được cứu độ (x.Ga 1,12). Tuy nhiên, sự ghen ghét và cứng lòng đã che mờ tâm trí của những người Do Thái, khiến họ không nhận biết Chúa Giêsu và tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ.
Nếu Chúa Giêsu đã chịu bách hại thì những ai trung thành theo Người sẽ cùng chung số phận: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em…vì anh em mang danh Thầy” (Ga 15,20-21). Lịch sử cho thấy, nhiều chứng nhân đã anh dũng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu trong cơn bách hại, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để chiếu giãi hình ảnh Người một cách rõ ràng. Còn chúng ta, những người mang danh là Kitô hữu thì sao? Liệu rằng chúng ta có dám tin tưởng đặt tất cả cuộc đời mình vào Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh hay không? Chắc chắn rằng việc làm chứng cho Chúa sẽ làm cho chúng ta gặp nhiều khó khăn, thậm chí cả bách hại, nhưng hãy tin tưởng vì biết rằng sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x.Ga 8,32). Những gian nan thử thách không làm chúng ta ngã lòng nếu mỗi người biết khiêm tốn phó thác vào Chúa Giêsu, vì Người đã nói: “Ơn Thầy đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).
Lạy Chúa Giêsu, Tuần thánh sắp đến là thời gian thuận tiện để chúng con suy niệm về mầu nhiệm khổ nạn của Người. Chúa đã không muốn dành cho chúng con một chỗ đứng kiêu hãnh và an toàn giả tạo, nhưng đặt để chúng con đối diện với sự ghen ghét và bách hại của “thế gian” (x.Ga 15,19). Đó là chỗ đứng mà chúng con có thể góp phần vào ơn cứu rỗi của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn sẵn sàng làm chứng cho Chúa và một lòng trung tín khi gặp thử thách trong đời.
[/loichua]