Chúa Nhật Tuần 4 Thường Niên Năm A – Ngày 02/01/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 2,22-40″]

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisen, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non. Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào Đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề Luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Lạy Chúa, giờ đây, Chúa cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: Vì chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”.

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi Đền Thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nagiarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐẤNG CỨU THẾ TỎ MÌNH TRONG KHIÊM NHƯỜNG

“Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisen, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề Luật Chúa” (Lc 2,22-23).

Sau khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Chuộc. Lời hứa đó luôn được Dân Chúa ấp ủ và trông mong. Đến thời sau hết, Thiên Chúa đã ban chính Con Một Người là Chúa Giêsu để cứu chuộc loài người. Vì yêu loài người, Chúa Giêsu đã tự hủy mình để trở thành phàm nhân. Hầu khi chung thân phận, Người nêu gương khiêm hạ cho con người. (x. Dt 2,14)

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu được Đức Maria và Thánh Giuse mang đến Đền thờ. Trước hết là vì các ngài khiêm nhường chu toàn tất cả yêu cầu của Lề Luật Chúa. Sau là việc Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế tỏ mình ra trong khiêm nhường cho dân của Ngài. Việc tỏ mình ra của Chúa Giêsu được diễn ra trong khung cảnh của Đền thờ, nơi linh thiêng, xứng đáng và ý nghĩa nhất dành cho Thiên Chúa. Việc Đấng Cứu Thế vào Đền thờ đã được các ngôn sứ Cựu Ước loan báo, đặc biệt là ngôn sứ Malakhi đã loan báo về ngày xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Nhưng thay vì như một Đấng uy quyền sẽ “luyện kim tẩy bạc”, có một đoàn rước tiền hô hậu ủng; thì Đấng Cứu Thế lại âm thầm trong hình hài một trẻ thơ và đoàn rước chỉ là một thiếu phụ đơn nghèo và một bác thợ mộc chất phác đóng vai hộ vệ danh dự. Ai có thể tin được Đấng Cứu Thế vào Đền thờ của Ngài lại không kèn, không trống, không người đón rước như vậy. Một vị Thiên Chúa, một Đấng Cứu Thế, một vị Vua từ bỏ tất cả vinh quang, hạ mình trong hình hài một trẻ nhỏ và phó mình trong vòng tay bảo vệ của con người. Như vậy, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng: chỉ có khiêm nhường và hy sinh từ bỏ mới phục hồi lại được bản tính của nhân loại đã bị tội lỗi hủy hoại.

Ngày nay, giới trẻ thời đại dường như không còn hiểu nổi nhân đức căn bản này. Hy sinh và khiêm nhường như thể đã lạc hậu. Sự tiến triển của nền văn minh vật chất đem lại cho con người của cải giàu sang khiến tâm hồn luôn hướng về vật chất. Sự tiến bộ của khoa học làm con người kiêu căng tự mãn. Sống xa hoa khoái lạc là mục đích con người nhắm tới. Cuộc đời không thể hiện, không khoe khoang, không thế giá, không địa vị thì đời không còn gì vui thú… Thành Giêrusalem cũng đắm chìm trong cảnh xa hoa đầy vui thú như vậy. Dân thành bận bịu truy tìm đời sống vật chất. Trong khi đó, các thành viên Thánh Gia cứ bình thản khiêm tốn cất bước.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa luôn ở bên con và giúp con chiến đấu trong cuộc lữ hành trần gian này, vì biết đâu con đã vô tình để tính kiêu ngạo và lòng ham chuộng vinh hoa thế gian xâm chiếm tâm hồn con. Con muốn người đời để ý tới mình, tìm hưởng thú vui, buồn vì địa vị thấp kém… Xin cho con biết noi gương Đức Maria và Thánh Giuse, biết mang Chúa đi theo cuộc sống, thì chắc chắn con sẽ thắng trận dễ dàng. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.