Giải Đáp Phụng Vụ: Thể Thức Linh Mục Cử Hành Thánh Lễ Một Mình

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây con đã nói chuyện với một số anh em linh mục về việc cử hành Thánh lễ một mình, khi không có người giúp lễ và không có cộng đoàn, mà chỉ một mình linh mục cử hành Thánh lễ. Dường như không có sự thống nhất về cách thức cử hành Thánh lễ như thế, và điều duy nhất là anh em linh mục chúng con tìm thấy trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) là một vài dòng được tìm thấy trong Số 254. Số này nói: “Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, thì không được cử hành Thánh lễ mà không có người giúp, hoặc ít là một tín hữu nào đó. Trong trường hợp này, thì bỏ các lời chào, lời bảo và phép lành cuối lễ.” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Con biết vấn đề này thực sự không được hầu hết mọi người quan tâm, nhưng con nghĩ nhiều linh mục (ít nhất là các vị mà con đã nói chuyện) muốn có một số hướng dẫn cụ thể về chủ đề này. Xin cha giúp. – D. C., Sioux Falls, South Dakota, Hoa Kỳ.

Đáp: Bạn đọc này cũng đưa ra một lược đồ về những gì có thể bỏ qua khi cử hành Thánh lễ một mình. Tôi sẽ sử dụng lược đồ này và sửa đổi một số chi tiết.

Mặc dù điều này có vẻ là một điểm khá mơ hồ, nhưng không có gì tối nghĩa trong phụng vụ đến nỗi các chuyên viên phụng vụ không thể tìm thấy các điểm không đồng ý – và điều này cũng là không ngoại lệ. Do đó, một số điều tôi nói ở đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, dựa trên những gì tôi tin là một sự giải thích đầy đủ về luật.

Khía cạnh khó diễn giải nhất liên quan đến những gì được bao hàm trong thuật ngữ “Monitionis” trong tiếng Latinh. Bản dịch tiếng Anh của thuật ngữ này là “monitions, lời bảo, lời nhắn nhủ” có thể dẫn đến một sự giải thích rất rộng.

Các ngôn ngữ khác thường ưu tiên giữ thuật ngữ “lời bảo”, vốn có thể là hạn chế hơn. Dù bằng cách nào, cả bản gốc tiếng Latinh lẫn bản dịch đều không thực sự hữu ích trong việc giải quyết câu hỏi của chúng ta. Theo như tôi biết, không có lời giải thích chính thức nào từ phía Tòa Thánh.

Trước khi đi vào chi tiết, tôi muốn đề cập đến việc một số linh mục tin rằng hình thức Thánh lễ mà không có tín hữu tham dự là hiện giờ bị cấm. Không phải. Thật vậy, Bộ giáo luật hiện tại, bằng cách yêu cầu có lý do chính đáng để cử hành Thánh lễ một mình, và không còn đòi hỏi lý do nghiêm trọng như Bộ giáo luật năm 1917, đã thực sự tạo sự dễ dàng hơn cho việc cử hành Thánh lễ một mình, mặc dù việc này luôn được coi là một ngoại lệ, và nên tránh bất cứ khi nào có thể được.

Tất cả đều giống nhau, nhiều linh mục đôi khi phải đối mặt với sự lựa chọn cử hành Thánh lễ một mình, hoặc không cử hành. Cả giáo luật và luật ân sủng đều khuyên linh mục nên cử hành Thánh lễ, vốn là điều tốt hơn.

Mô hình cơ bản được tuân theo sẽ là nghi thức Thánh lễ với một linh mục có mặt, bỏ qua bất cứ điều gì sẽ được hướng tới linh mục này, cũng như các cử chỉ hướng về linh mục cho các lời chào.

Vì vậy, khi một linh mục cử hành Thánh lễ một mình, ngài làm như sau:

– Sau khi hôn bàn thờ, ngài đọc bài ca nhập lễ, và làm dấu thánh giá.

– Ngài bỏ qua lời chào đầu Thánh lễ (“Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum”), và lời mời bắt đầu nghi thức thống hối (“Anh chị em, chúng ta hãy nhìn nhận… Fratres, agnoscamus …, “). Phần còn lại của nghi thức thống hối là như bình thường.

– Ngài đọc lời mời cầu nguyện (“Chúng ta hãy cầu nguyện, Oremus, “), vì đây không chỉ là lời mời hướng đến mọi người, mà còn bao gồm cả ngài nữa. Tiêu chí tương tự được tuân giữ cho phần giới thiệu Kinh Lạy Cha, vốn không được bỏ qua.

– Ngài đọc phần giới thiệu các bài đọc và Tin Mừng (“Trích thư thánh…Lectio sancti…”), nhưng bỏ qua lời chào mọi người đầu Tin Mừng (“Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum”). Ngài đọc lời kết thúc các bài đọc và Tin Mừng (“Đó là Lời Chúa, Verbum Domini”). Đây cũng là vì lợi ích của ngài, và không chỉ là lời chào đến mọi người.

– Trong phần dâng lễ vật, ngài đọc các lời nguyện dâng bánh và rượu, nhưng bỏ qua câu đáp “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời, Benedíctus Deus in Saécula….” Ngài cũng bỏ qua “Anh chị em hãy cầu nguyện, Orate, fratres”), cùng với câu đáp “Xin Chúa nhận hy lễ, Suscípiat Dóminus sacrifícium….”

– Không giống như “Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum” khác, tôi tin rằng ngài phải đọc câu này, vốn tạo thành một phần của giao thức ban đầu của đối thoại cho kinh Tiền tụng. Các quy chế nói rõ ràng rằng Kinh nguyện Thánh Thể phải luôn được đọc một cách toàn diện, và rằng Kinh này vẫn giữ hình thức số nhiều, ngay cả khi linh mục cử hành Thánh lễ một mình. Vì lời đối thoại này không thể tách rời khỏi Kinh nguyện Thánh Thể, nên nó luôn được đọc.

Để hỗ trợ cho việc giải thích tính cách đặc biệt của “Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum” này, là sự việc rằng ngay cả khi Thánh lễ thường được cử hành hướng về phía đông, chữ đỏ không yêu cầu linh mục quay về phía mọi người vào lúc này, như đã xảy ra gần như trong mọi trường hợp khác, nhưng hãy nhìn vào thánh giá bàn thờ.

– Mặc dù Kinh nguyện Thánh Thể phải được đọc trọn bộ, nhưng lời tung hô tưởng niệm (“Đây là mầu nhiệm đức tin, Mysterium fidei”) không phải là một phần của Kinh nguyện này. Do đó, cả lời giới thiệu và câu tung hô đều được bỏ qua. Chữ đỏ này được nói cách minh nhiên trong một số quy định cho việc đồng tế, khi chỉ có các linh mục có mặt trong Thánh lễ.

– Việc trao chúc bình an (“Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em, Pax Domini sit semper …”) được bỏ qua.

– Khoảnh khắc giơ Mình thánh lên là dễ nhầm lẫn. Trong thực tế, chúng ta có hai lời nguyện được đặt bên cạnh nhau.

Ở đây, số 268 của Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) được tuân giữ: “…Nếu thừa tác viên không rước lễ, [hoặc nếu không có thừa tác viên] linh mục cúi mình, cầm Mình Thánh quay mặt về bàn thờ đọc thầm một lần: ‘Lạy Chúa, con chẳng đáng, Domine non sum dignus’ và ‘Xin Mình Thánh Chúa Kitô, Corpus Christi custodiat…’, rồi rước Mình Thánh Chúa. Đoạn ngài cầm lấy chén thánh và đọc thầm: ‘Xin Máu Thánh Chúa Kitô, Sanguis Christi custodiat…’ rồi rước Máu Thánh.” (Bản dịch Việt ngữ, như trên).

– Sau khi rước lễ, linh mục đọc bài ca Hiệp lễ trước khi tráng chén.

– Sau một khoảnh khắc tạ ơn trong thinh lặng, linh mục nói “Chúng ta hãy cầu nguyện, Oremus” và đọc lời nguyện sau Hiệp lễ.

– Cả phép lành cuối cùng và câu “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an, Ite missa est” đều được bỏ qua. Thánh lễ kết thúc với câu “Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta. Amen; Per Christum, Dóminum nostrum. Amen” của lời nguyện kết lễ, sau đó linh mục hôn bàn thờ, và hoặc cúi đầu trước bàn thờ hoặc bái gối trước nhà tạm, tùy theo trường hợp, trước khi rút lui.

Các cử chỉ này được xem là hình thức kết luận đầy đủ. Không cần phải thêm các cử chỉ khác, vốn là không được lường trước trong sách nghi thức, chẳng hạn làm dấu thánh giá.

Lẽ dĩ nhiên, điều này không có cách nào loại trừ lời đề nghị rằng, ngay sau Thánh lễ, linh mục nên dành một thời gian để tạ ơn riêng tư, vì bao ân sủng và đặc ân được cử hành Thánh lễ.

Trên đây là một bài tham khảo có giá trị. Các linh mục nên lưu giữ lại, để sử dụng khi cần. (Zenit.org 15-11-2006)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.