Giải đáp phụng vụ: Linh mục giữ vai trò nào trong việc đọc bài Thương Khó? Nói thêm về việc bàn giao một Thánh lễ

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây chúng con đã có một cuộc thảo luận xung quanh một câu của Lễ Quy nói rằng “vai trò của Chúa Kitô nên được dành cho linh mục.” Theo một Thư luân lưu năm 1988 của Tòa Thánh về việc chuẩn bị lễ Phục sinh, trong điều 33, đề cập đến việc đọc bài Thương Khó, vốn xác định rằng trong việc đọc bài Thương Khó, vai trò Chúa Kitô nên dành cho linh mục. Xin cha có thể giúp hướng con đến thần học phụng vụ, vốn sẽ hỗ trợ cho một tuyên bố như vậy không? Từ ngữ “nên, should” hàm ý với con rằng đó không phải là một sự tuyệt đối, mà là phép lịch sự và sự tôn trọng – một cách liên quan đến vị linh mục trong bài đọc Thương Khó ở một phần quan trọng của chu kỳ phụng vụ. Thứ hai, liệu một phó tế có nên được loại bỏ hoàn toàn khỏi việc đọc bài Thương Khó, để cho phép người đọc giáo dân và độc viên (lector) tham gia vào thừa tác của họ không? – M. T., Winnipeg, Manitoba, Canada.

Đáp: Văn bản của thư luân lưu năm 1988 (Paschale Solemnitatis) là như sau.

“33. Việc đọc bài Thương Khó chiếm một vị trí đặc biệt. Bài Thương Khó nên được hát hay đọc theo cách truyền thống, nghĩa là, bởi ba người đóng vai Chúa Giêsu, người kể và dân chúng. Bài Thương Khó được công bố bởi các phó tế, linh mục hoặc giáo dân. Trong trường hợp giáo dân giữ hai vai trò, phần của Chúa Kitô nên được dành cho linh mục.

“Việc công bố bài Thương Khó diễn ra không có nến đốt và không xông hương; lời chào của linh mục và việc làm dấu Thánh giá bị bỏ qua; chỉ có phó tế xin phép lành của linh mục, như thầy thường làm trước khi đọc bài Tin Mừng. Vì lợi ích thiêng liêng của tín hữu, bài Thương Khó nên được công bố trọn vẹn, và các bài đọc đi theo nó không nên được bỏ qua.”

“66. [Thứ sáu Tuần Thánh] Các bài đọc sẽ được đọc toàn bộ. Thánh vịnh đáp ca và thánh ca trước bài Tin mừng cần được hát theo cách thông thường. Bài Thương Khó của Chúa theo thánh Gioan được hát hay đọc theo cách quy định cho ngày Chúa Nhật trước đó (xem số 33). Sau khi bài Thương Khó được đọc xong, linh mục có thể giảng, sau đó các tín hữu được mời gọi suy niệm trong chốc lát”.

Sách Lễ Rôma bàn vấn đề này hơi khác một chút:

“Bài Thương Khó được đọc mà không có nến và không xông hương, không lời chào và không làm dấu thánh giá trên Sách. Bài này được đọc bởi một Phó tế hoặc, nếu không có Phó tế, bởi một Linh mục. Nó cũng có thể được đọc bởi các độc viên, với phần của Chúa Kitô, nếu có thể được, nên dành cho một linh mục.”

Để xác định bất kỳ ưu tiên nào có liên quan, chúng ta nên tuân thủ thứ tự được đề cập ở trên đây: phó tế, linh mục và người đọc giáo dân. Điều này ngụ ý một ưu tiên rõ ràng trong khi đưa ra một số phạm vi cho các giải pháp thực tế.

Tình huống lý tưởng là bài Thương Khó được hát hoặc đọc bởi ba phó tế. Ở một số nơi, ca đoàn, hoặc thậm chí cộng đoàn, có thể đảm nhận vai trò thứ tư là dân chúng, như được thực hiện trong các lễ của Giáo hoàng.

Nếu có ba linh mục, nhưng không có phó tế, thì họ sẽ có ưu tiên trong việc công bố bài Thương Khó.

Nếu có sự kết hợp giữa các linh mục và phó tế, các quy tắc trên sẽ ngụ ý, nhưng không đòi buộc, rằng linh mục đảm nhận vai trò của Chúa Kitô. Đây sẽ là một vấn đề thực tế, tùy thuộc vào người có thể hát hoặc đọc văn bản tốt nhất.

Vai trò của Chúa Kitô là chỉ dành riêng cho linh mục trong trường hợp hai người đọc kia là người đọc giáo dân. Quy tắc dành vai trò của Chúa Kitô cho linh mục, khi đi cùng với các người đọc giáo dân, tuân theo một sự hợp lý phụng vụ nhất định, khi linh mục thường đại diện cho Chúa Kitô trong vai trò thừa tác của mình.

Trong bối cảnh này, mặc dù Sách Lễ nói rằng vai trò của Chúa Kitô nên được một linh mục thực hiện “nếu có thể được”, nhưng sẽ có một vài tình huống mà một linh mục không thể thực hiện vai trò này, đặc biệt liên quan đến tất cả các điều khác mà ngài phải hát hoặc nói trong nghi thức này.

Tuy nhiên, đó không phải là một quy tắc tuyệt đối, và có thể có ngoại lệ, nếu lợi ích lớn hơn của buổi lễ đòi hỏi. Thí dụ, bài Thương Khó có thể được hát một cách trang trọng bởi ca viên giáo dân, trong các tình huống mà linh mục hoặc phó tế có thể thiếu khả năng cần thiết để hát các phần cần thiết.

Điều này đưa ra vài ánh sáng cho câu hỏi thứ hai của bạn đọc. Liệu một phó tế có nên được loại bỏ hoàn toàn khỏi việc đọc bài Thương Khó, để cho phép người đọc giáo dân và độc viên (lector) tham gia vào thừa tác của họ không? Câu trả lời ngắn gọn là không. Thầy không nên bị loại bỏ, nếu lý do duy nhất là cho phép có không gian cho người đọc giáo dân. Phó tế có một ưu tiên nhất định, ngay cả hơn linh mục nữa.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên trong trường hợp của linh mục, sự tham gia của phó tế có thể bị hạn chế, để ủng hộ một sự công bố bài Thương Khó trang trọng hơn, nhất là nếu được hát.

Sau khi chúng tôi trả lời một câu hỏi liên quan sự thay đổi chủ tế (ngày 4-6-2019), đặc biệt là trong Thánh lễ Hôn phối, một phó tế đã viết: “Nếu phó tế trong bài ấy chỉ nhận lời thề hôn phối và không phải là chủ tế, liệu bí tích có còn được coi là bất hợp pháp không? Liệu đấy có thể là nền tảng cho một khiếm khuyết trong mô thức chăng?”

Với điều kiện là phó tế đã nhận được ủy quyền riêng để cử hành nghi thức cưới, bí tích hôn phối sẽ là hợp pháp và thành sự. Linh mục hoặc phó tế đóng vai trò là nhân chứng chính thức, nhưng các thừa tác viên của bí tích là chính đôi vợ chồng.

Lỗi liên quan không ảnh hưởng đến bí tích, cho bằng cách thức riêng cử hành nghi thức đúng trong Thánh lễ hôn phối, mà trong đó không có sự thay đổi vị chủ tế.

Ngoài ra còn có một lỗi của linh mục chánh xứ trong việc cấp ủy quyền, trong khi biết rằng một Thánh lễ Hôn phối sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, có một cảnh báo: Tài liệu của Vatican mà tôi trích dẫn là một câu trả lời riêng tư chính thức, nhưng không phải là luật. Đó là lý luận phụng vụ vững chắc, nhưng không ràng buộc về mặt pháp lý. Đây có thể là trường hợp, một số giáo phận đã ban phép rõ ràng một phó tế chủ sự nghi thức thành hôn, trong Thánh Lễ “vì lý do mục vụ.” Giám mục có quyền ban phép này, cho đến khi Tòa Thánh cho rằng vấn đề này xứng đáng một sự làm sáng tỏ chính thức.

Các lý do mục vụ như vậy là khách quan, và người ta có thể nghĩ đến nhiều tình huống thực tế đời sống, vốn sẽ biện minh cho một ngoại lệ. Chẳng hạn, đôi khi xảy ra rằng vợ chồng đến từ các nền văn hóa khác nhau, và Thánh lễ đi theo một ngôn ngữ, còn nghi thức thành hôn đi theo một ngôn ngữ khác. Nếu chỉ có phó tế biết ngôn ngữ của nghi thức thành hôn, thầy có thể thực hiện.

Sự việc là, có các sự cho phép như thế, cho thấy rằng không có nghi ngờ gì về tính hợp pháp và thành sự của bí tích – mặc dù chúng có thể không tôn trọng tính hợp lý thông thường của quyền ưu tiên phụng vụ.

Một ngoại lệ rõ ràng đã tồn tại, và gần đây đã được xác nhận lại vào năm 2016 bởi Giáo hoàng Phanxicô, thông qua một số thay đổi trong giáo luật. Nếu một trong hai người phối ngẫu thuộc về một Giáo hội phương Đông, người kia là Công giáo hoặc không Công giáo, mà trong đó sự hiện diện của linh mục được coi là thiết yếu cho tính hợp pháp, thì trong những trường hợp như vậy, một phó tế không bao giờ là chủ sự trong nghi thức cưới. Điều này vẫn là đúng, ngay cả khi buổi lễ thực sự được cử hành theo nghi lễ Latinh. (Zenit.org 18-6-2019)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.