Thứ 6 Tuần IV Mùa Chay – Ngày 05/04/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 7,1-2.10.25-30″]

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do Thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Lều của người Do Thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo. Có một số người ở Giêrusalem nói: “Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”. Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỐI VỚI TÔI, CHÚA GIÊSU LÀ AI ?

“Ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu” (Ga 7,27).

Ông bà ta thường nói ‘vô tri bất mộ’. Để có thể thân thiết với một ai đó, chúng ta cần phải tiếp xúc với họ, biết họ, hiểu họ, và trao cho họ lòng quý mến. Trong tương quan với Chúa Giêsu cũng vậy, chúng ta cũng cần có thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng xem: tôi đã biết gì về Người ? Và trong lòng tôi thì Người là ai?

Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem để dự Lễ Lều. Mặc dù Người đã tham dự cách âm thầm, nhưng một số người ở Giêrusalem vẫn nhận ra Người. Họ tranh luận về Người, và ai cũng tỏ ra mình là người hiểu biết về gốc tích của Chúa Giêsu cách chắc chắn: “Ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu” (Ga 7,27). Họ chỉ biết về nguồn gốc nhân loại, mà không biết tới nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu.

Có nhiều cái biết khác nhau, có cái biết chỉ là biết bằng giác quan, lại có cái biết sâu xa bằng cả trái tim. Cái biết bằng trái tim luôn được khởi đi từ cái biết của giác quan. Câu nói chìa khoá của môn Tâm Lý học thực nghiệm thật chính xác: ‘Không có gì đi vào trong tâm trí con người mà trước đó không qua giác quan’. Tuy nhiên, nếu sự hiểu biết về Chúa Giêsu mà chỉ dừng lại ở khía cạnh giác quan thì thật nông cạn. Là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng đã từng được học những bài Giáo lý căn bản như: Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, hoặc Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại, hay cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta đã được nghe nhiều về Chúa Giêsu, đã đọc nhiều về Chúa Giêsu. Thậm chí đã được rước Chúa Giêsu vào lòng. Tuy nhiên, nếu những điều chúng ta đã nghe, đã đọc, và đã học về Chúa Giêsu mà không đụng chạm đến trái tim ta, thì chúng ta chỉ biết Chúa Giêsu cách hời hợt. Chữ ‘biết’ trong Tin Mừng Gioan có nghĩa là sự liên kết mật thiết với nhau trong tình yêu. Đã được biết Chúa thì không được tự mãn dừng lại ở một lượng kiến thức về Chúa, mà phải trở nên bạn hữu của Chúa trong sự tin tưởng và yêu mến chân thành.

Cái biết của chúng ta sẽ được củng cố chắc chắn hơn nhờ đức tin, qua việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, qua việc cầu nguyện để gặp gỡ Chúa, điều đó giúp ta biết rung cảm trước tình yêu mà Chúa dành cho ta. Cái biết của chúng ta còn được đi vào chiều sâu nhờ lòng trông cậy. Chúa Giêsu là ai khi tôi trót phạm tội? Ngài là Đấng cứu chuộc tôi, tha thứ cho tôi. Cảm được ơn tha thứ và nâng đỡ của Chúa qua những lần yếu đuối phạm tội, chúng ta sẽ nhận ra cách sâu xa Lòng Thương Xót của Chúa phủ bóng trên những yếu đuối, lỗi lầm của ta. Và cái biết của chúng ta sẽ được triển nở nhờ đức mến. Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai nơi một người khô khan nguội lạnh? Chúa Giêsu là ai nơi một người khố rách áo ôm? Những hành động, cử chỉ yêu thương, thông cảm của ta dành cho những người bị người khác khinh khi, chính là chúng ta làm cho Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trong Mùa Chay Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng con hãy làm sống lại các mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Trong đó, mối tương quan với Chúa đóng vai trò quyết định các mối tương quan khác. Xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày một gần Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn, để Chúa luôn là tất cả trong cuộc đời con. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.