[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 11,29-32″]
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TÌNH YÊU PHỦ LẤP TẤT CẢ
“Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon” (Lc 11,31).
Đoạn Tin Mừng này có thể gợi cho chúng ta một câu rất hay trong Thánh Vịnh 30:
“Ngài nổi giận, giận trong giây lát,
Nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 30, 6).
Phải chăng Chúa Giêsu cũng đang nổi giận với dân chúng? Quả thật, Chúa Giêsu cảm thấy buồn khi dân Do Thái đến với Người không phải vì tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nhưng là tìm lợi ích từ những phép lạ. Người cũng không thể tiếp tục dằn lòng đối với sự thơ ơ của họ trước giáo huấn của Người, vốn vượt trên mọi sự khôn ngoan thế gian, vì là Lời phát xuất từ Chúa Cha để ban ơn cứu độ. Chúa Giêsu còn lo lắng bởi sự chai đá nơi con tim của họ, chậm hoán cải và đóng kín trước lời mời gọi thay đổi tâm tình, thay đổi cuộc sống. Dù vậy, chúng ta đều biết rằng, những lời nghe như trách cứ đó lại là những lời biểu lộ một tình yêu sâu xa. Chúa Giêsu đã tiếp tục thi ân giáng phúc cho dân Do Thái, và cho cả nhân loại mà đỉnh cao là tình yêu tha thứ trên thập giá. Người còn dùng nhiều cách để Lời được tiếp tục âm vang trên môi miệng của những kẻ được sai đi, để con người được đón nhận ơn cứu độ. Và Người vẫn mãi tiếp tục chờ đợi con người hối cải và sẽ ngay lập tức tha thứ cho họ bất chấp họ đã lỗi phạm nặng nề thế nào. Quả thật, dù con người có đối xử với Người thế nào đi nữa, Người vẫn luôn yêu thương.
Tuy nhiên, có hợp lẽ không nếu chúng ta ngày nay vẫn tiếp tục làm cho Chúa Giêsu phiền lòng? Đối với chúng ta, việc lãnh nhận các bí tích cùng các cử hành phụng vụ đã thực sự đi vào chiều sâu của tâm hồn hay chưa, hay chỉ mới là những cách thức để chúng ta tự trấn an lòng mình trước những đòi hỏi của bổn phận tôn giáo, hoặc chỉ để tìm kiếm những lợi ích theo lòng muốn của chúng ta? Có thể chúng ta cũng vướng vào tình trạng của dân Do Thái xưa khi chưa đón nhận Lời như là phương tiện cứu rỗi linh hồn chúng ta. Chúng ta có thể tự vấn: Lời Chúa có vị trí nào trong định hướng cuộc đời và nhất là, trong từng quyết định dù nhỏ bé của chúng ta. Và thật quan trọng, một khi đã nhận thấy sự thiếu sót của mình trong mối tương quan với Chúa Giêsu và các giáo huấn của Người, lòng chúng ta có cảm thấy sự khao khát cần biến đổi cuộc đời, cần hoán cải tâm tình để quay về với Chúa? Không phải dân thành Ninivê, hay nữ hoàng Phương Nam kết tội chúng ta, nhưng chính những gì chúng ta thực hiện trong sự lãng quên Thiên Chúa, sẽ kết tội chúng ta. Vậy thì, sứ điệp của đoạn Tin Mừng này thật rõ ràng: chúng ta biết rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, nhưng không vì thế mà chúng ta trở nên liều lĩnh, trái lại, chúng ta càng quyết tâm sống tốt theo lời mời gọi của Người, để xứng đáng với tình yêu đó.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một tâm hồn nhạy cảm trước lời mời gọi của Chúa, nhờ đó chúng con biết thăng tiến đời sống mỗi ngày, để chúng con không còn làm cho Chúa phiền lòng, nhưng xứng đáng với tình yêu Chúa đã dành cho chúng con. Amen.
[/loichua]